Bài học phòng dịch cho Việt Nam từ việc bùng phát Covid-19 ở Thái Lan

Trải qua một thời gian kiểm soát dịch tốt, Thái Lan phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau hàng nghìn ca nhiễm mới chỉ trong vòng một tháng.

Tháng 12/2020, Thái Lan ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sau 2 tháng tại chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon. Dù quốc gia này triển khai xét nghiệm và phong tỏa, sự bùng phát dịch diện rộng vẫn diễn ra với hàng nghìn ca nhiễm mới.

Chợ đầu mối, bến xe là nơi nhạy cảm

Theo Bangkok Post, số ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận tại Thái Lan hiện tại là hơn 9.331 người. 66 trường hợp tử vong do Covid-19.

Ca bệnh mới trong cộng đồng tại Thái Lan được ghi nhận tại chợ tôm Samut Sakhon. Đây là khu chợ hải sản đông lạnh lớn nhất nước này. Tuy nhiên, hiện nhà chức trách chưa xác định rõ nguồn lây bệnh đầu tiên tại khu chợ này. Manh mối liên quan nhất được ghi nhận từ những lao động nhập cư tại tỉnh này.

 Đợt bùng phát Covid-19 từ chợ tôm Samut Sakhon khiến số ca bệnh ở Thái Lan tăng nhanh. Ảnh: AFP.

Đợt bùng phát Covid-19 từ chợ tôm Samut Sakhon khiến số ca bệnh ở Thái Lan tăng nhanh. Ảnh: AFP.

Sự bùng phát dịch tại khu chợ đã phá hủy mọi nỗ lực ngăn chặn virus suốt nhiều tháng của chính phủ Thái Lan và hy vọng phục hồi nền kinh tế yếu ớt tại nước này. Hơn 10 tỉnh khác, bao gồm thủ đô Bangkok ghi nhận hàng loạt ca nhiễm liên quan khu chợ này.

Tại Việt Nam, chuyên gia cảnh báo khu vực công cộng như các chợ đầu mối, bến xe, khu bảo trợ xã hội…, là địa điểm khá nhạy cảm.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vào khung thời gian định kỳ, cơ quan này vẫn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên của người ra vào, tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ Bình Điền, người lao động trong khu chế xuất - khu công nghiệp, người sống trong ký túc xá…

Đây là khu vực tập trung đông đúc nhất tại TP.HCM với nhiều thành phần người. Ngoài ra, HCDC cũng lấy mẫu xét nghiệm với nhân viên khu bảo trợ xã hội, tài xế, nhân viên nhà hàng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết ngành y tế TP.HCM đã lường trước sự nhạy cảm và nguy cơ tại các địa điểm này.

"Dù vậy, đợt bùng phát dịch hiện tại của Thái Lan cũng là bài học cảnh báo cho chúng ta về sự nhạy cảm do giao thương lớn tại các khu vực cộng đồng", ông nói.

Nhập cảnh trái phép

Nguồn gốc của đợt bùng phát tại Thái Lan vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những người lao động nhập cư trái phép gây ra đợt bùng phát mới này.

Theo Channel News Asia, người lao động nhập cư với mức lương thấp chiếm phần lớn nền kinh tế Thái Lan. Theo Bộ Lao động Thái Lan, hơn 233.000 lao động nhập cư được ghi nhận ở Samut Sakhon, ngoài một số chưa xác định làm việc bất hợp pháp.

 Người động tại chợ Samut Sakhon chờ lấy mẫu xét nghiệm, phần lớn là người nhập cảnh. Ảnh: AFP.

Người động tại chợ Samut Sakhon chờ lấy mẫu xét nghiệm, phần lớn là người nhập cảnh. Ảnh: AFP.

"Đợt bùng phát dịch mới nhất này ở Samut Sakhon chủ yếu là do những người nhập cư bất hợp pháp như vậy", Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết hôm 4/1.

Thái Lan không phải quốc gia đầu tiên bùng phát dịch bệnh từ làn sóng người nhập cảnh trái phép. Mới đây, Malaysia, Singapore gánh chịu đợt bùng phát mới từ các đối tượng này.

Việc Nam đang trong thời điểm nhạy cảm bởi cận Tết Nguyên đán, người lao động từ nước ngoài có xu hướng trở về nước. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch đang bùng phát khắp thế giới, điều này hết sức nguy hiểm. Ca bệnh 1440, 1451 và 1453 là người vượt biên vào Việt Nam chính là nguy cơ điển hình.

Trao đổi với Zing, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết chúng ta đang quản lý chặt chẽ người nhập cảnh bất hợp pháp, cách ly nghiêm ngặt và triệt để, ngăn dịch lây lan ra cộng đồng. Kể cả người nhập cảnh hợp pháp cũng quán triệt việc cách ly chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo như trường hợp nam tiếp viên hàng không.

"Việt Nam đang rút kinh nghiệm sâu sắc qua đợt bùng phát dịch của Thái Lan hiện tại", ông Phu đánh giá.

 Lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tầm soát Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: HCDC.

Lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tầm soát Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: HCDC.

Từ thực tế trong nước cũng như bài học Thái Lan, mới đây, tại Hội nghị Y tế toàn quốc, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy; quản lý chặt chẽ xuất, nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép gây ra lây nhiễm virus trong cộng đồng. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu điều tra, triệt phá đường dây đưa người vượt biên trái phép, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.

Lơ là, chủ quan khiến dịch lan rộng

Tại Việt Nam, các chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo việc bỏ sót người nghi ngờ khiến virus lây lan tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Dù Chính phủ, Bộ Y tế liên tục đưa ra các cảnh báo về chủ động phòng, chống dịch, không chủ quan chờ vaccine, một bộ phận người dân Việt Nam vẫn có sự lơ là.

Kể lại với Zing sau chuyến công tác, một chuyên gia điều trị Covid-19 tại TP.HCM cho biết trên máy bay, ông chứng kiến nhiều người không đeo khẩu trang. Các hàng quán tập trung rất đông đúc, người ngồi sát nhau, nhất là “biển người” trong đợt Tết Dương lịch vừa qua.

Đợt bùng dịch hiện tại ở Thái Lan diễn ra sau hơn nửa năm nước này không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Điều này cho thấy thực tế là sau thời gian dài không xuất hiện ca lây nhiễm mới, chính quyền có phần lơi lỏng. Đây chính là sự cảnh báo cho Việt Nam trong việc chủ động kiểm soát dịch. Trong đó, tinh thần cảnh giác, hợp tác của người dân là quan trọng nhất.

Bên trong khu bào chế vaccine Covid-19 tại Việt Nam Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người. Dự kiến, mỗi liều có giá dưới 500.000 đồng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-phong-dich-cho-viet-nam-tu-viec-bung-phat-covid-19-o-thai-lan-post1170507.html