Bài học rút ra từ vụ bé trai rơi xuống ống trụ bê tông
Từ vụ bé trai rơi xuống ống trụ bê tông, các địa phương nên tăng cường kiểm tra an toàn lao động các công trình xây dựng.
Tuần qua, những dòng thông tin về vụ bé trai 10 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp bị lọt trong ống trụ bê tông sâu 35 m, nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Đặc biệt sau vụ này, tại tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ một bé gái hai tuổi bị rơi xuống cống thoát nước trước cửa nhà. Sau những vụ tai nạn trên, một số địa phương đã siết chặt an toàn công trình xây dựng. Một số bạn đọc cho rằng dù muộn nhưng việc siết chặt an toàn trong quá trình xây dựng công trình là cần thiết để tránh những vụ tai nạn tương tự.
Cần có đội cứu hộ chuyên nghiệp
Bạn đọc Thanh Hương bình luận: “Ở những công trình xây dựng, thường khi đóng cọc xuống, đơn vị thi công sẽ dùng bao cát chắn trên mặt hoặc dùng vật cứng che chắn bên trên. Thậm chí ở những mặt giếng nước, người ta cũng có nắp đậy lại chứ không ai để trống như vậy. Đây là bài học cho các đơn vị thi công”.
“Tôi cho rằng đây là một vụ tai nạn quá hy hữu, bởi chiếc trụ cọc chỉ rộng 25 cm mà đứa trẻ 10 tuổi có thể lọt vào thì rất khó xảy ra. Qua báo chí, mọi người đều nhìn nhận chính quyền địa phương, các lực lượng cứu hộ, hỗ trợ đã ngày đêm túc trực, làm tất cả những điều có thể nhưng kỳ tích đã không xảy ra. Xin cảm ơn lực lượng cứu hộ, xin chia buồn cùng gia đình” - bạn đọc Trần Thanh chia sẻ.
Bạn đọc Nguyễn Nam ý kiến: “Qua công tác cứu hộ, tôi chưa thấy áp dụng những công nghệ cứu hộ hiện đại. Việc cứu hộ hầu như bằng các phương pháp thủ công, hiệu quả không cao, dù mọi người vẫn đang cố gắng hết sức. Mong rằng từ sau vụ việc này, các địa phương cần có một đội cứu hộ dưới lòng đất chuyên nghiệp với đầy đủ thiết bị hiện đại, giúp công tác cứu hộ, cứu nạn được nhanh chóng, hiệu quả hơn”.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Bạn đọc Nguyễn Nhung nêu: “Qua những hình ảnh và thông tin trên báo chí về vụ bé trai lọt ống trụ bê tông, tôi thấy công trình được che chắn quá sơ xài, dễ xảy ra tai nạn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Từ vụ việc đau lòng này, mong rằng các cơ quan chức năng phải rà soát và xử phạt thật nặng những công trình sai phạm trong an toàn lao động”.
“Công trình thi công không được che chắn, hố ga mất nắp… thực trạng này đang tồn tại ở nhiều nơi và cần được chấn chỉnh để đảm bảo an toàn cho người dân. Đề nghị các ngành chức năng thực hiện kiểm tra và quyết liệt xử lý, đừng để xảy ra hậu quả rồi mới rà soát. Không thể để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” - bạn đọc Phạm An bình luận.
Bạn đọc Hoàng Ngô chia sẻ: “Sau vụ bé trai tại Đồng Tháp lọt xuống ống trụ bê tông sâu 35 m, lại thêm vụ bé gái lọt cống, điều này cho thấy sự an toàn tại ở một số công trình xây dựng có quy mô lớn không được đảm bảo. Chính quyền các địa phương có công trình xây dựng lớn, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn lao động”.
Một số địa phương rà soát an toàn lao động
Tỉnh Đồng Tháp: Sau vụ bé trai rơi xuống ống trụ bê tông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành… trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động. Đồng thời, chủ động tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót tại cơ quan, đơn vị mình…
Tại TP.HCM: Vừa qua, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam đã thông tin tình hình an toàn lao động tại các công trình trên địa bàn TP.
Theo ông Nam, để quản lý an toàn lao động, lực lượng thanh tra sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm soát nghiêm ngặt các công trình xây dựng từ khi khởi công đến lúc nghiệm thu. Trong quá trình thực hiện, nếu nhà thầu, chủ đầu tư không chấp hành quy định về an toàn lao động, thanh tra sở, UBND quận, huyện kiên quyết xử lý và xử lý rất nghiêm. PV
Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-hoc-rut-ra-tu-vu-be-trai-roi-xuong-ong-tru-be-tong-post715653.html