Bài học sau bão Yagi: Chủ động ứng phó tình huống xấu nhất có thể xảy ra
Sáng 28/9, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các đại biểu chỉ ra những bất cập, hạn chế trong dự báo siêu bão, cảnh báo lũ quét, an toàn hồ đập, đồng thời đề xuất giải pháp phòng ngừa, khắc phục.
Thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão vào. “Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó”, ông nói.
Theo ông Hoan, việc dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng chưa kịp thời, chưa đủ tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành. Quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý, như quy định về tình huống khẩn cấp đối với hồ Thác Bà. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du.
Thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đến nay, tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ gây ra ước tính trên 81.503 tỷ đồng. Theo các tổ chức tín dụng, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 của tất cả các tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng, với hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho rằng, các cơ quan liên quan chưa dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền bởi chưa từng xảy ra trong lịch sử. “Công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200 mm/6 giờ. Công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện còn khó khăn về mặt khoa học, kể cả với nước tiên tiến”, ông Duy nói.
Dự báo phải chính xác, từ sớm, từ xa
Nhắc lại trận lũ vừa qua trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói “đây là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông”. Ông Hoan cũng cảnh báo về tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, uy hiếp đến an toàn đê điều. Ông kiến nghị rà soát, sửa đổi các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Cùng với đó, rà soát quy định về việc để người trên các tàu vận tải (nhất là tàu pha sông biển) trong các tình huống bão rất mạnh như bão số 3 để đảm bảo an toàn cho người trên phương tiện.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra nhiều bài học quan trọng, nhấn mạnh yếu tố quan trọng đầu tiên là công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa; bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ. Thủ tướng lấy ví dụ, để bảo đảm an toàn đập Thác Bà (Yên Bái), các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa phải chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để thiệt hại thấp nhất có thể.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng ổn định đời sống người dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Ông kêu gọi phát huy tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”; những nơi không bị ảnh hưởng làm bù lại cho những nơi bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông. Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan rà soát, hoàn thiện nghị định, thông tư có các quy định không còn phù hợp, hoàn thành trong tháng 10/2024.