Bài học sinh tồn hay 10 quy tắc vàng để thoát khỏi các vụ nổ nguy hiểm
Vào khoảng 9h30 ngày 30-9, người dân quanh khu vực Cục thuế tỉnh Bình Dương (thuộc phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) bàng hoàng khi nghe thấy một tiếng nổ lớn kèm khói bốc lên từ phía sau trụ sở. Tuy không gây thương vong về người nhưng vụ nổ đã khiến cơ sở vật chất của tòa nhà bị hư hỏng nặng. Chúng ta có thể rút ra các kĩ năng cơ bản để tự cứu lấy mình trong trường hợp xảy ra một vụ nổ bất ngờ.
Nổ lớn tại Cục thuế tỉnh Bình Dương
Khoảng 9h30 ngày 30-9, một vụ nổ lớn đã xảy ra bên trong trụ sở Cục thuế tỉnh Bình Dương nằm trên quốc lộ 13, đoạn qua phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một.
Vụ nổ không gây thương vong về người và được xác định là xuất phát từ khu vực nhà vệ sinh của tòa nhà làm việc. Tại hiện trường, bức tường dày hơn 20 cm bị phá tung, gạch đá và cửa kính của tòa nhà bị bể nát, một số ô tô đậu trong sân bị hư hỏng.
Nhận được thông tin vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt để phong tỏa và khám nghiệm hiện trường. Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng đã tới để trực tiếp chỉ đạo điều tra.
Đến chiều ngày 3-10, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành khám xét một căn nhà bán tạp hóa, cách Cục thuế 1 km và nằm trên đường Võ Thành Long (thuộc phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một).
Tại đây, ngôi nhà được khám xét kĩ càng, các chậu cây trên lầu cũng được lật lên để quan sát. Phía ngoài an ninh được siết chặt, nhiều tuyến đường bị phong tỏa để phục vụ điều tra.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đưa một nghi can về trụ sở làm việc. Theo nguồn tin của phóng viên, người này xuất hiện trong camera an ninh mà công an đã trích xuất được trước đó từ Cục thuế tỉnh Bình Dương.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và làm rõ nguyên nhân.
Nhang chóng khám phá vụ nổ bưu kiện ở chung cư Linh Đàm
Cách đây một tháng, vụ nổ tương tự xảy ra vào khoảng 9h ngày 7-9, tại khu vực trước kiốt số 10, tòa nhà HH3A, chung cư Linh Đàm (thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội).
Khi đó, tại quán trà đá, một nam thanh niên đang ngồi mở hộp “quà” thì bất ngờ hộp “quà” phát nổ, nhiều mảnh cứng bên trong hộp bắn vào người. Hậu quả đã khiến người nhận bưu kiện và nhiều người ngồi gần bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Sau khi nhận được tin báo về vụ nổ, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã có mặt tại hiện trường để điều tra giải quyết. Đến trưa cùng ngày, theo ghi nhận của người dân địa phương, vẫn còn sót lại vỏ bìa các-tông của hộp “quà” nằm vương vãi với nhiều vết máu xung quanh.
Theo thông tin từ Công an Hà Nội, nguyên nhân vụ nổ hộp bưu kiện xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Bước đầu, cơ quan chức năng không phát hiện dấu hiệu liên quan hoạt động khủng bố hay phá hoại.
Đến ngày 16-9, Công an quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt giữ 2 đối tượng gây ra vụ nổ bao gồm: Phạm Hùng Cường (30 tuổi, trú ở tổ 27 phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) và Hà Huy Thuận (31 tuổi, trú ở thôn Đoàn Kết, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Cả 2 đã bị tóm gọn khi đang lẩn trốn tại một khách sạn ở thị trấn Phong Thổ, Lai Châu.
Khi có một vụ nổ xảy ra, chúng ta cần phải làm gì?
Từ hậu quả đáng tiếc của các vụ nổ trên, chúng ta có thể rút ra các kĩ năng cơ bản để tự cứu lấy mình trong trường hợp xảy ra một vụ nổ bất ngờ. Sau đây là 10 quy tắc "vàng" bạn nên nhớ để có thể thoát hiểm:
Thứ 1, khi phát hiện ra tiếng nổ, bạn cần lập tức chui xuống dưới gầm bàn gần nhất để tránh các vật thể xung quanh rơi trúng người.
Thứ 2, khi mọi thứ đã ngừng rơi, bạn hãy nhanh chóng rời khỏi nơi đó, chú ý nên cúi thấp người xuống nếu thấy có khói.
Thứ 3, tuyệt đối không dừng lại để tìm kiếm tài sản cá nhân hoặc gọi điện thoại, không được sử dụng thang máy.
Thứ 4, bạn cần kiểm tra lại xung quanh xem có lửa và các mối nguy hiểm khác hay không.
Thứ 5, sau khi đã ra ngoài, không được đứng trước các cửa sổ, cửa kính hay các khu vực nguy hiểm tiềm ẩn khác.
Thứ 6, nếu bị mắc kẹt trong đống đổ nát, bạn hãy dùng đèn pin để báo hiệu về vị trí của mình cho những người cứu hộ nếu có thể.
Thứ 7, nên vỗ vào đường ống hoặc tường để những người cứu hộ có thể nghe thấy bạn đang ở đâu. Nếu được, hãy huýt sáo để báo hiệu cho những người cứu hộ.
Thứ 8, chỉ la hét kêu cứu khi không còn lựa chọn nào khác, vì khi la hét có thể khiến bạn hít phải lượng bụi nguy hiểm.
Thứ 9, tránh sự di chuyển không cần thiết để không làm bụi tung lên.
Thứ 10, hãy che miệng và mũi bằng bất cứ thứ gì bạn có trong tay và cố gắng hít thở thông qua vật liệu đó.