Bài học từ ba điều không đúng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng dùng ngân sách để lắp camera nhà riêng là không đúng.

Ông cũng nhấn mạnh không chỉ hủy bỏ quyết định, rút kinh nghiệm không mà lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cần phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc.

Trước đó, báo chí cho hay Tỉnh ủy Sóc Trăng đã quyết định chi gần 982 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng để lắp camera an ninh ở nhà các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thông tin này lan tỏa và nhận nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận. Thậm chí, các ĐBQH cũng tham gia. ĐBQH Vũ Trọng Kim (đơn vị tỉnh Quảng Trị) nhận định đây là trường hợp dùng tiền ngân sách sai quy định, sai đối tượng và mục đích. Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng, không chỉ lãnh đạo địa phương kiểm điểm rút kinh nghiệm mà cần có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để có thể đưa ra kết luận, phán quyết cuối cùng nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai. Trên Báo Tuổi Trẻ ngày 2/10, ĐBQH Thái Trường Giang (đơn vị tỉnh Cà Mau) thẳng thắn bày tỏ: “Tiền chi vô lý, lấy từ ngân sách dù 1 đồng cũng xót. Do vậy, nếu không xử lý rốt ráo, triệt để, người dân sẽ mất niềm tin vào chính quyền”.

Qua vụ việc lùm xùm ở Sóc Trăng, có thể sơ bộ nhận ra ba điều không đúng. Được biết, việc lắp camera là theo yêu cầu đề xuất của công an địa phương để bảo vệ mục tiêu, trong đó có nhà riêng của lãnh đạo tỉnh. Nhưng theo Nghị định 37/2009/NĐ-CP (quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan) ngày 23/4/2009 của Chính phủ thì mục tiêu bảo vệ là trụ sở của những tổ chức quan trọng chứ không phải là nhà riêng của cán bộ. Vì thế, đây là điều không đúng thứ nhất.

Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Quy định 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Như vậy, việc lắp camera đã đi ngược lại quy định nêu gương của Đảng. Vì thế, đây là điều không đúng thứ hai.

Lâu nay, quan điểm chỉ đạo và yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đã được cụ thể hóa trong Quyết định 213/QĐ-TTg ngày 21/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Vì thế, đây là điều không đúng thứ ba.

Bài học dễ nhận ra từ ba điều không đúng nói trên ở Sóc Trăng càng cho thấy rằng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, khi làm việc gì (dù mục tiêu, mục đích là vì tập thể) cũng phải cân nhắc, xem xét, tiến hành cẩn trọng, chặt chẽ để đảm bảo đúng với quy định của Đảng, các quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh xã hội đương thời. Có như vậy mới không gây tổn hại đến uy tín, thanh danh, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

SÔNG BA HẠ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/229743/bai-hoc-tu-ba-dieu-khong-dung.html