Bài học từ kỳ tích chống Covid-19 ở Australia
Những phản ứng nhanh chóng và quyết liệt giúp nhà chức trách Australia có đủ thời gian bắt kịp diễn biến dịch bệnh, phá vỡ chuỗi lây lan của virus corona.
Khi một nam thanh niên, bảo vệ tại khách sạn nơi cách ly người nhiễm virus corona, bị mắc Covid-19 và có các triệu chứng bệnh lý nhẹ, nhà chức trách Australia hôm 31/1 lập tức phong tỏa Perth, thành phố lớn thứ 4 đất nước. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở tiểu bang Western Australia sau 10 tháng.
Chỉ sau một ca lây nhiễm, hai triệu dân của thành phố Perth bị yêu cầu ở tại nhà trong ít nhất 5 ngày tiếp theo. Mark McGowan, Thống đốc bang Western Australia, kêu gọi người dân hy sinh nhu cầu cá nhân và tuân thủ các biện pháp chống dịch vì lợi ích của cả nước.
"Chúng ta đang đối mặt tình huống rất nghiêm trọng. Mỗi người trong chúng ta phải làm mọi điều có thể để ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng", Thống đốc McGowan nói hôm 31/1, theo New York Times.
Câu chuyện thành công
Phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, điều thường thấy trong đại dịch ở Australia, là khái niệm xa lạ với người dân các nước phương Tây khác, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu, nơi các biện pháp nửa vời dẫn đến số ca nhiễm virus corona vẫn đang tăng nhanh chưa có điểm dừng.
Lệnh phong tỏa ở Perth và các khu vực phụ cận diễn ra sau khi Sydney và Brisbane cũng từng có những biện pháp tương tự. Hai thành phố này nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh tay khi phát hiện một số ca nhiễm virus. Nhờ vậy, dịch bệnh được kiểm soát và tình trạng "bình thường" nhanh chóng được khôi phục.
Đối với người dân Australia, họ chỉ nhún vai chấp nhận cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ. Thay vì cảm giác cô đơn, buồn bã hay bực bội vì tự do cá nhân bị hạn chế, họ làm quen với những tổn thất trong ngắn hạn vì lợi ích tập thể.
Sự trái ngược giữa Australia với Mỹ và châu Âu thể hiện ngay từ khi đại dịch bùng phát và ngày càng hiện hữu rõ nét qua thời gian.
Tổng số người tử vong ở Australia vì dịch bệnh tới hiện tại là 909, thấp hơn nhiều so với số người tử vong trung bình mỗi ngày ở Mỹ hay Anh, hai quốc gia có cùng văn hóa và ngôn ngữ bên kia bán cầu.
"Chúng tôi có một con đường để bảo vệ mạng sống người dân, mở cửa nền kinh tế, tránh mọi sợ hãi và rắc rối. Mọi người đều có thể học hỏi từ Australia, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng học theo", Ian Mackay, nhà vi sinh vật học tại Đại học Queensland, tác giả mô hình chống dịch đa tầng nấc có tên "Phô mai Thụy Sĩ" được sử dụng rộng rãi ở Australia, cho biết.
Australia chỉ là một trong nhiều câu chuyện chống dịch thành công ở châu Á - Thái Bình Dương. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Việt Nam, New Zealand, Thái Lan hay Đài Loan về cơ bản đang ngày càng chống dịch hiệu quả hơn, trong khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến tồi tệ ở các nước cường quốc, theo New York Times.
Những biện pháp quyết liệt
Vị trí cô lập về địa lý, được đại dương bao bọc, là một lợi thế không nhỏ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Australia. Dẫu vậy, thành công đến từ nhiều biện pháp quyết liệt khác của Canberra.
Australia hạn chế triệt để người nước ngoài nhập cảnh. Đồng thời, người từ nước ngoài đến hoặc trở về Australia phải thực hiện cách ly bắt buộc kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó, biện pháp mạnh nhất mà Mỹ và Anh tới nay mới bắt đầu triển khai là cách ly bắt buộc người đến từ các điểm nóng dịch bệnh.
Australia duy trì một hệ thống truy dấu người tiếp xúc với ca nhiễm, trong khi nhiều quốc gia khác đã từ bỏ nỗ lực này.
Trong trường hợp ca nhiễm mới nhất ở Perth, nhà chức trách đã tìm ra những người ở chung nhà với thanh niên mắc Covid-19 ngay trong ngày 31/1, yêu cầu họ cách ly bắt buộc 14 ngày tại cơ sở do chính phủ quản lý.
Nhà chức trách cũng lên danh sách gần 20 địa điểm bệnh nhân đã đi tới và có khả năng phát tán virus ra cộng đồng.
Các biện pháp chống dịch bệnh của Australia đương nhiên không hoàn hảo. Vụ việc ở Perth cho thấy một điểm yếu cố hữu tại các khách sạn cách ly người nhiễm virus corona.
Trước đó, một ca lây nhiễm liên quan tới một khách sạn cách ly ở Melbourne đã khiến thành phố này bị phong tỏa trong 111 ngày.
Bên cạnh đó, biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ gây cản trở cho cuộc sống của nhiều người, trong đó có hàng nghìn công dân Australia đang mắc kẹt ở nước ngoài.
Bằng chứng chống dịch thành công của Australia không phải là việc ngăn chặn hoàn toàn các ca nhiễm virus, mà là các biện pháp phản ứng nhanh chóng dập tắt các ổ dịch nhỏ.
Ngay trước Giáng sinh, một ổ dịch nhỏ được phát hiện ở Sydney. Toàn bộ hoạt động nghỉ lễ bị hủy bỏ, nhà chức trách phong tỏa Sydney và một số khu vực phụ cận. Người dân Sydney bị cấm di chuyển ra khỏi bang New South Wales.
Những biện pháp mạnh tay này nhận được sự hưởng ứng và chúng phát huy hiệu quả. Đã 14 ngày trôi qua, Sydney không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Sau Sydney, Brisbane đầu tháng 1 cũng mạnh tay phong tỏa toàn thành phố khi phát hiện một lao công làm việc trong khách sạn cách ly nhiễm biến chủng virus B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh. Đây là ca nhiễm biến chủng mới đầu tiên ở Australia.
Annastacia Palaszczuk, Thống đốc bang Queensland nơi Brisbane là thủ phủ, tuyên bố phong tỏa toàn thành phố từ ngày 8/1, tức chỉ 16 giờ sau khi phát hiện ca dương tính với virus.
"Phong tỏa 3 ngày ngay lúc này sẽ giúp tránh phải phong tỏa 30 ngày trong tương lai", bà Palaszczuk nói.
Brisbane giờ đã trở về trạnh thái bình thường giống như mọi thành phố khác ở Australia trừ Perth.
"Chiếc búa và vũ điệu ballet"
Trên khắp Australia, nhà hàng, doanh nghiệp vẫn hoạt động. Người dân được yêu cầu giãn cách xã hội bắt buộc và được khuyến cáo đeo khẩu trang.
Nhiều hoạt động tập trung đông người được cấp phép diễn ra. Giải quần vợt Austrlian Open, dự kiến thu hút 30.000 khán giả đến sân theo dõi, sẽ khởi tranh từ 8/2.
Giáo sư Mackay cho biết các biện pháp chống dịch mạnh tay và kết quả hiện nay giống như "chiếc búa và vũ điệu ballet".
"Các lệnh phong tỏa giúp nhà chức trách có cơ hội theo kịp diễn biến dịch bệnh, bảo đảm họ liên hệ được với mọi người tiếp xúc với ca bệnh, không công đoạn nào bị bỏ lỡ, và như thế chúng ta có thể thực sự ngăn chặn chuỗi lây nhiễm", ông Mackay cho biết.
Giáo sư của Đại học Queensland cho rằng Mỹ và châu Âu dường như theo đuổi "phong tỏa nửa vời". Ông cho rằng những nước này quá tin tưởng vào vaccine, không nhận thấy tiêm chủng sẽ mất nhiều thời gian mới giúp ngăn chặn chuỗi lây lan dịch bệnh.
Sự mỏi mệt của nhiều nước châu Âu đã dẫn đến thất bại. Phân tích phản ứng chống đại dịch của 98 quốc gia, do Viện nghiên cứu Lowy tiến hành, cho thấy nhiều nước châu Âu, chỉ vài tháng trước, đứng đầu bảng xếp hạng về phòng chống dịch bệnh. Nhưng nay, Anh, Pháp và nhiều nước khác đang rơi xuống cuối bảng xếp hạng cùng Mỹ.
"Họ không đủ quyết tâm. Khi bắt đầu thu được thành công, họ đã nới lỏng (các biện pháp chống dịch) quá sớm", Herve Lemahieu, chuyên gia của Viện nghiên cứu Lowy, cho biết.
Tới chiều 1/2, bang Wester Australia không phát hiện thêm ca nhiễm mới. Bên trong những khu vực bị phong tỏa, người dân nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống mới.
Khẩu trang mua từ trước đó nhiều tháng được sử dụng triệt để. Tại các viện dưỡng lão, nhân viên chăm sóc thông báo tới các thân nhân về thủ tục cần tuân thủ.
Allan Thompson, một nhân viên ngân hàng ở Perth, cho biết ông cùng nhiều người khác nhanh chóng trở về nhà ngay trong ngày 31/1 để thực hiện nghiêm túc yêu cầu phong tỏa.
"Bạn biết bài hát của John Prine chứ - 'chỉ còn vài phân nước và bạn nghĩ bạn sẽ chết đuối'. Tôi sẽ diễn giải lại, rằng chúng tôi mới chỉ ở trong vài phân nước, và chúng tôi không nghĩ mình sẽ chết đuối. Chúng tôi sẽ vượt qua, chúng tôi biết điều tốt đẹp sẽ đến bằng cách làm những điều đúng đắn trong khoảng thời gian cần thiết", ông Thompson nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-tu-ky-tich-chong-covid-19-o-australia-post1179851.html