Bài học từ những vụ án liên quan lứa tuổi vị thành niên
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 hành vi vi phạm pháp luật do người chưa đến tuổi thành niên gây ra, trong đó có tới 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi; 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; 5,2% đối với người dưới 14 tuổi. Các tội danh chủ yếu là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; trộm cắp tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hoằng Hóa tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường cho học sinh tại các nhà trường.
Tại Thanh Hóa, nhiều vụ án hình sự cũng liên quan đến các đối tượng là người chưa thành niên phạm tội. Riêng tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh năm 2023 đã tiếp nhận 304 vụ việc thuộc đối tượng người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 89 vụ việc người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Điều đáng nói, nhiều hành vi phạm tội xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống hằng ngày, khiến những thanh niên mới lớn phải vướng vào vòng lao lý. Câu chuyện của H. và D. ở huyện miền núi Lang Chánh là một ví dụ. Chỉ vì bực tức trong việc tham gia giao thông mà hai thanh niên đã có hành vi bồng bột vi phạm pháp luật. Cụ thể, H. và D. sau khi đi họp lớp đã chở nhau bằng xe máy về nhà. Trên đường về nhà thì suýt xảy ra va chạm với A. và T. cũng đang chở nhau trên xe máy đi ở chiều ngược lại. Cả hai xe máy đều không dừng lại mà tiếp tục di chuyển theo hướng đi của mình. Tuy nhiên, sau đó, H. và D. gặp một số người bạn nói chuyện. Sau khi bàn bạc, họ thống nhất cùng quay lại thị trấn tìm đánh hai người đi xe suýt va chạm với mình.
Kết quả, sau khi tìm thấy A. và T. ở khu vực cửa hàng xăng dầu, H. và D. và một số người bạn đã lao vào đánh. Trong lúc đang đánh, H. phát hiện vị trí đang đứng có camera giám sát, sợ bị ghi hình lại nên H. đã bàn với D. bắt A. và T. mang đi chỗ khác để đánh tiếp. H. giằng xe máy từ T. và chở A. cùng đi. D. cũng định trèo lên phía sau ngồi ôm giữ nhưng không đủ chỗ nên lấy xe của H. đi theo sau để canh chừng. Trên đường đi, H. đã có lời nói đe dọa A. và T. Bản thân hai nạn nhân là người từ nơi khác đến, lại vừa bị đánh nên lo sợ không dám phản kháng. Khi vừa dừng xe, thì T. nhảy khỏi xe bỏ chạy, D. rượt đuổi theo nhưng T. chạy xuống ruộng lúa và trốn được. Còn A. bị H. dùng tay, chân đấm đá và dùng mũ bảo hiểm đánh vào người.
Do nghe thấy tiếng ồn ào trước nhà nên một người dân sống cạnh đó suy đoán có xảy ra đánh nhau nên chị hô to: “Ở đây có camera an ninh, ai bị đánh thì đi báo công an đi”. Nghe có người nói vậy, thì nhóm H. và D. mới dừng đánh A. rồi lên xe đi về... Với hành vi phạm tội do cố ý, trực tiếp xâm phạm trái phép đến quyền tự do của người khác, nên H. và D. bị truy tố về tội “Bắt người trái pháp luật”. Dù cả H. và D. bị xử phạt từ 24 đến 26 tháng tù, cho hưởng án treo, nhưng đây là bài học đắt giá đối với bản thân 2 bị cáo trong vụ án và những người vị thành niên thiếu hiểu biết pháp luật.
Một vụ việc gây rối trật tự công cộng xảy ra tại huyện Yên Định cũng là lời cảnh tỉnh cho rất nhiều bạn trẻ. Tháng 2/2024, trong phiên tòa xét xử vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, hai người chưa thành niên là H. và A. đã phải nhận mức án 18 tháng tù treo chỉ vì tham gia cùng nhóm thanh niên đánh nhau. Trong vụ án, H. và A. cùng nhóm thanh niên đi liên hoan, hát karaoke tại thị trấn. Sau đó, trên đường về thì xảy ra xô xát, lùa đuổi đánh nhau với một nhóm thanh niên khác. Quá trình xô xát, H. và A. cùng một số người khác đã dùng vỏ chai bia ném về phía nhóm người khác, làm hư hỏng cánh yếm xe máy thiệt hại 75.000 đồng, hư hỏng 36 vỏ chai bia trị giá 36.000 đồng...
Dưới 18 tuổi là thời kỳ chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Dù đây là giai đoạn phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý còn có nhiều bất ổn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí. Hơn nữa, cách giải quyết của một bộ phận người trẻ còn hiếu thắng, dễ bị kích động, dễ dẫn tới hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là những vụ án giết người... Người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà không quan tâm và không lường trước được hậu quả.
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Ngà, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi có muôn hình vạn trạng, nhưng tựu chung có một số nguyên nhân chính như do thiếu sự giám sát, giáo dục từ phía gia đình (bố mẹ ly hôn, bố mẹ đi làm ăn xa...); do bỏ học sớm, ham chơi, a dua, đua đòi; do hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ, tâm lý chưa ổn định, nhiều khi không làm chủ được hành vi dẫn đến phạm tội, gây hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đa số các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội đều có đặc điểm chung là hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chưa ý thức được hết tính nguy hiểm cho xã hội từ hành vi của mình cũng như chưa lường trước được hậu quả pháp lý mà mình có thể phải đối diện. Vì thế, cần nhiều hơn nữa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống, kiềm chế cảm xúc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Đặc biệt, cần sự giám sát, giáo dục sát sao từ phía gia đình, nhà trường. Khi trình độ hiểu biết pháp luật, nhận thức xã hội, kỹ năng ứng xử của những người trẻ được nâng lên thì các mâu thuẫn phát sinh sẽ được giải quyết theo chiều hướng tích cực hơn, hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật.