Bài học từ 'ông bố latte' Thụy Điển
Thụy Điển cho biết họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách nghỉ thai sản cho cả cha mẹ từ năm 1974.
Giới quan sát cho rằng mô hình Thụy Điển là một trong những lựa chọn có thể cân nhắc khi các nước muốn ngăn chặn suy giảm dân số - quả bom nổ chậm ở nhiều nước phát triển - thông qua các chính sách khuyến khích sinh sản và hỗ trợ nuôi con.
Đến nay, việc cho phép gia đình nghỉ thai sản 16 tháng sau khi sinh con của Thụy Điển vẫn thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Giai đoạn Thụy Điển có tỷ lệ sinh tăng vọt
Website chính thức của Thụy Điển cho biết họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thay đổi chế độ nghỉ thai sản từ chỗ chỉ dành riêng cho các bà mẹ (maternity leave) sang dành cho cha mẹ (parental leave).
Thụy Điển cho biết đây là nỗ lực nhằm đạt được bình đẳng giới, và đã có những kết quả tích cực. Nước này dẫn đầu thế giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, báo cáo của OECD năm 2021 cho hay.
Được đưa ra lần đầu vào năm 1974, Thụy Điển nhấn mạnh cả bố và mẹ đều có quyền ở nhà chăm con.
Theo báo cáo của tiến sĩ Emma Hagqvist (Đại học Stockholm) cùng cộng sự vào năm 2017, thời gian nghỉ phép cũng được tăng qua nhiều thời kỳ. Ban đầu, thời gian nghỉ phép là 6 tháng, tăng lên thành 12 tháng vào năm 1980, và 16 tháng kể từ năm 2002.
Trong khi đó, nghiên cứu của cố giáo sư nhân khẩu học Jan Hoem (Đại học Stockholm) nói rằng Thụy Điển năm 1980 đã ra chính sách được gọi là "speed premium" (tạm dịch: bảo hiểm ngắn).
Theo đó, thời gian nghỉ phép của cha mẹ sau khi sinh con đầu lòng có thể kéo dài đến khi sinh con tiếp theo, với điều kiện lần sinh con tiếp theo không quá 2 năm. Thời hạn này thay đổi thành 30 tháng vào năm 1986.
Theo New York Times, điều này khuyến khích những người mẹ sinh nhiều con trong khoảng thời gian ngắn. Chính sách của Thụy Điển đã khiến tỷ lệ sinh nước này tăng mạnh vào giai đoạn 1980-1990, khi đạt mức sinh thay thế (2 con/phụ nữ).
Tuy nhiên, tỷ lệ này không giữ được lâu, và đã "lao dốc" trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, được cho là đến từ tình hình kinh tế đi xuống và các chính sách hỗ trợ xã hội giảm.
Ưu đãi cho các gia đình sinh con
Thụy Điển không tránh khỏi thực trạng toàn cầu là tỷ lệ sinh đang giảm ở những quốc gia phát triển. Song, đây vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển có tỷ lệ sinh cao nhất, cũng như có nhiều ưu đãi cho các gia đình muốn sinh con.
Theo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, cặp đôi có đứa con đầu tiên sẽ được nghỉ phép có lương tổng cộng 480 ngày (16 tháng) và được chia đôi.
Ngoại trừ 90 ngày nghỉ cố định cho mỗi người, họ có thể chuyển số ngày phép còn lại cho đối tác. Số ngày nghỉ phép cũng tăng với các trường hợp sinh đôi hay sinh ba. Nếu là người duy nhất nuôi con, họ sẽ được hưởng toàn bộ số ngày nghỉ phép.
Trong năm đầu của trẻ, các ông bố và bà mẹ có thể cùng nhau nghỉ phép không quá 30 ngày. Ngoài ra, 384 ngày phép phải được sử dụng trước khi đứa con tròn 4 tuổi, 96 ngày còn lại được dùng cho đến khi trẻ tròn 12 tuổi.
Theo thống kê, các ông bố chiếm trung bình 30% tổng số ngày nghỉ phép chăm con của Thụy Điển.
"Dạo quanh bất kỳ thành phố nào của Thụy Điển, bạn có thể bắt gặp những ông bố vừa đẩy xe, tay cầm cốc cà phê và trò chuyện với nhau ở các quán nước hay công viên. Thụy Điển đích thực là ngôi nhà cho cả 'bà mẹ latte' và 'ông bố latte'", website của Thụy Điển viết.
Ngoài ra, trường học cho trẻ từ 6 đến 19 tuổi đều được hỗ trợ thuế, nhiều trường hỗ trợ bữa ăn trưa.
Số ngày nghỉ phép chăm con ở Thụy Điển cao hơn các nước Bắc Âu khác như Đan Mạch (364 ngày) hay Phần Lan (320 ngày). Số tiền trợ cấp cho mỗi đứa trẻ cũng cao hơn hai nước Bắc Âu, với Phần Lan là 94,88 EUR/tháng (đến 17 tuổi) và Đan Mạch là khoảng 93 EUR/tháng (đến 18 tuổi).
Ý kiến trái chiều
Sau thời kỳ bùng nổ và đạt tỷ lệ sinh vào năm 1990, tỷ lệ này đã xuống mức thấp kỷ lục tại Thụy Điển - 1,53 vào năm 1997. Tỷ lệ sinh của nước này từ năm 1980 đã dao động đáng kể như "tàu lượn siêu tốc".
Một số lời phê bình cho rằng câu chuyện của Thụy Điển không phải là "thành công". Tờ Mercatornet vào năm 2018 đã nói rằng việc tỷ lệ sinh bùng nổ vào những năm 1990 ở Thụy Điển là "may mắn", khi các chính sách "speed premium" đã thay đổi về tỷ lệ sinh không làm tăng đáng kể số đứa trẻ được sinh ra trong mỗi gia đình.
Stuart Gietel-Basten, nhà nhân khẩu học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói rằng các ưu đãi về tài chính hiếm khi là lý do chính làm tăng số trẻ được sinh ra. Thay vào đó, nó lại xuất hiện những hậu quả không lường trước.
“Khi bạn có 50.000 đứa trẻ sinh ra trong một năm, rồi 100.000 đứa trong năm tiếp theo, sau đó lại 50.000 đứa, điều đó rất tệ cho việc hoạch định và giáo dục”, ông nói.