Bài học từ sự phát triển bền vững
VN-Index giảm tới 40% so với mức đỉnh được thiết lập hồi đầu năm 2022 một lần nữa nhắc nhở các thành viên thị trường về sự phát triển bền vững và an toàn.
Biến động mạnh bất ngờ
Tính đến giữa tháng 11/2022 (16/11), VN-Index giảm 40% so với 1.530 điểm, mức điểm cao nhất thiết lập cuối quý I/2022.
Thị trường con gấu là bối cảnh chung trên toàn cầu sau khi ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối. Theo đó, tính đến đầu tháng 11/2022, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm 21,98%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%, chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,82%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 36,48%, chỉ số S&P500 của Mỹ giảm 18,15% so với đầu năm.
Dù vậy, mức biến động lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ giữa tháng 10/2022 đến nay dưới tác động của những vụ án liên quan đến các doanh nhân tên tuổi bị bắt vì những hành vi vi phạm pháp luật nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư.
Hiện tượng hòn tuyết lăn từ call margin chéo và tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư đã kéo VN-Index về vùng 900, có lúc về 873 điểm. Rất nhiều cổ phiếu đã giảm giá và chiết khấu sâu tính đến cuối tháng 11/2022, khi đa số các cổ phiếu đầu ngành đã giảm 50 - 70%: HPG (-72%), SSI (-75%), HCM (-70%), CTG (-53%), MBB (-55%), IDC (-72%)… Một nhà đầu tư kinh nghiệm thốt lên: “Không thể ngờ được gần cuối năm 2022 thị giá của nhiều cổ phiếu đã rớt mạnh, giảm sâu hơn nhiều so với thời điểm thị trường chịu tác động từ đại dịch Covid-19 năm 2020”.
Mức giảm giá nhanh và bất ngờ của thị trường Việt Nam đã bộc lộ nhiều vấn đề cần lưu tâm. Trước hết là cơ cấu nhà đầu tư bất hợp lý. Một thống kê của HOSE cho thấy, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% trên thị trường. Tỷ lệ thấp nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài khiến cho yếu tố tâm lý ở nhà đầu tư cá nhân tác động mạnh đến giao dịch trên thị trường, khi tăng thường quá đà, khi giảm lại quá mức.
Thứ hai là tình trạng sử dụng cổ phiếu trên thị trường niêm yết làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và phát hành trái phiếu. Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu và thực tế phát hành trái phiếu thời gian qua cho thấy, những cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trái phiếu thường có diễn biến giá tích cực trước các đợt phát hành và neo ở mức giá tốt trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi những khó khăn của nền kinh tế ập đến, doanh nghiệp bị kẹt thanh khoản và khó khăn về dòng tiền, giá cổ phiếu đảo chiều, các công ty chứng khoán sẽ đua nhau bán ra cổ phiếu. Vòng xoáy giải chấp này, nếu không có lực cầu tương ứng sẽ tiếp tục sâu thêm, cổ phiếu mất thanh khoản và mức giảm giá càng lớn, buộc doanh nghiệp phải xoay xở bổ sung tài sản đảm bảo.
“Có những doanh nghiệp thời gian qua lâm vào cảnh không còn tài sản để bổ sung theo quy định nên ở vào thế chây ỳ, các chủ nợ muốn xử lý ra sao thì xử”, phó chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán chia sẻ.
Biết là không bán được cổ phiếu, nhưng theo quy định, các công ty chứng khoán vẫn buộc phải chất sàn cổ phiếu thuộc diện bán giải chấp. Khi nhìn vào những mã cổ phiếu trong VN30 mà mỗi phiên vẫn chất 100 triệu cổ phiếu bán sàn, tâm lý thị trường sẽ chịu tác động tiêu cực, dù các mã cổ phiếu khác đã đổi chiều.
Nhắc đến thị trường chứng khoán năm 2022 không thể không đề cập đến cú sốc trên thị trường trái phiếu. Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Công ty Chứng khoán Smart Invest thẳng thắn nói: “Phải nhìn nhận thực tế rằng, khó khăn trong việc tiếp cận vốn là do thị trường trái phiếu bị tê liệt với hơn 900.000 tỷ đồng của các tổ chức phi tài chính đã phát hành. Trước đây, quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc nó biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Nhưng với quy mô như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm”.
Các vụ việc vi phạm về kinh tế cũng phơi bày sự yếu kém về quản trị doanh nghiệp ở nhiều công ty, cũng như là hồi chuông về trách nhiệm của các bên liên quan trên thị trường, khi những sai phạm ở quy mô nhỏ, khi có những dấu hiệu lệch ray của doanh nghiệp, doanh nhân, đã không có những “cảnh báo đỏ”, những cơ chế quản trị rủi ro để ngăn chặn sớm.
Người đứng đầu doanh nghiệp ra các quyết định sai trái nhưng không có hệ thống cảnh báo, ngăn chặn, đã làm hỏng cả doanh nghiệp. Hệ lụy cho cả nền kinh tế khó có thể đo lường khi đây là những doanh nghiệp lớn, có cả một hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp khác liên quan đang hoạt động trên thị trường vốn.
Kỳ vọng trưởng thành hơn
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng: “Khi niềm tin đổ vỡ, chứng khoán bị bán giải chấp sẽ dẫn đến sự tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường. Tuy nhiên, mỗi điều kiện phát triển thị trường bao giờ cũng cho chúng ta những bài học, cần thay đổi để đối diện”.
Các doanh nghiệp cần “khám” lại sức khỏe của mình và có kịch bản ứng phó. Nhà đầu tư thì không nên hoảng loạn, vì cơ quan quản lý cũng đã nhìn nhận vấn đề và sẽ có giải pháp tháo gỡ.
“Hy vọng thị trường sẽ được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn và tốt dần lên” cũng là ý kiến của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương. Nói về giải pháp hỗ trợ thị trường, ông Thành cho rằng, thứ nhất cần minh bạch thông tin và các cam kết của nhà hoạch định chính sách. Thứ hai là cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn, phải làm sao cho hài hòa hơn.
“Sai phạm thì phải xử nhưng cách xử thế nào rất quan trọng”, ông Thành nói và đề cập đến việc, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm ở các nước khác, đơn cử ngay như Trung Quốc, đã có nhiều giải pháp để tránh đổ vỡ thị trường vốn.
Ông Trần Minh Tuấn cũng nêu quan điểm rằng, để thị trường phát triển bền vững nên nâng chất lượng hàng hóa trên thị trường. Với các quy định về trái phiếu, không nên hạ chuẩn đối với hoạt động phát hành, mà nên mở độ rộng của thị trường cho các nhà đầu tư có thể tham gia và tiếp cận. “Thị trường thời điểm hiện nay rất cần các quỹ hỗ trợ như Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm”, ông Tuấn nhìn nhận.
Một điểm chung được giới chuyên gia thống nhất, đó là dòng tiền tiết kiệm ở trong dân vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, nền kinh tế đang cần huy động, đánh thức các nguồn lực để phát triển. Thị trường vốn bao gồm kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế để không bị phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thương mại vốn dĩ chỉ phù hợp với vốn lưu động cũng như tiền gửi thanh toán và ngắn hạn.
Khi thị trường vốn phát triển bền vững và có thêm nhiều câu chuyện thành công, cũng sẽ là động lực để gọi được dòng kiều hối và dòng tiền đầu tư tài chính nước ngoài tìm kiếm cơ hội cho vay và đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bai-hoc-tu-su-phat-trien-ben-vung-post311288.html