Bài học từ trận đánh ở xóm Cầu
Gần nửa thế kỷ trôi qua, những cán bộ chiến sĩ của Đại đội 3 Đặc công Huyện đội Hương Thủy trực tiếp tham gia đánh trận ở xóm Cầu năm nào, nay thưa thớt dần. Sau nhiều lần kết nối, may mắn tôi được trò chuyên với ông Hoàng Vân, hiện sống ở huyện Đắc Cơ, tỉnh Gia Lai.
Ông Hoàng Vân, quê ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, trong chiến tranh là Trạm trưởng đường dây trạm Cửa Rừng, năm 1974, đơn vị sát nhập và ông trở thành cán bộ của Đại đội 3-C3 Đặc công Huyện đội Hương Thủy. Xóm Cầu là địa danh có từ thời Pháp, nó nằm ở phía tây xã Mỹ Thủy, nay thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
Cũng như nhiều xóm khác, “để cắt đứt liên lạc với Việt Cộng”, dân xóm Cầu bị buộc phải từ bỏ nương rẫy để vào sống trong Ấp chiến lược. Khi quân đội Mỹ đến, vùng gò đồi ở đây tan hoang bởi đạn bom và trơ trọi vì chất độc hóa học.
Để che chắn cho Huế - Phú Bài, sau Hiệp định Paris 1973, mặc dù quân đội Mỹ đã rút nhưng những căn cứ hỏa lực của họ đều được chuyển giao cho quân đội Sài Gòn.
Riêng ở xóm Cầu, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Bé, binh sĩ của Trung đội “Nghĩa quân” này hầu như đêm nào cũng tiến hành phục kích hoặc gài mìn làm cho tuyến hành lang của ta từ hậu cứ về đồng bằng bị gián đoạn.
Phải dẹp bỏ chốt xóm Cầu là nhiệm vụ “ưu tiên” do Bí thư Huyện ủy trực tiếp giao cho Huyện đội Hương Thủy.
Trước khi đánh, ông Hoàng Vân cùng các chiến sĩ: Đoàn, Đống và Nguyên được Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng và Đại đội trưởng C3 Đặc công Đàm Văn Cữ giao nhiệm vụ “trong vòng một tuần phải vẽ cho được bản đồ chi tiết chốt xóm Cầu, nắm chắt quy luật hoạt động, số quân khi đồn trú và dã ngoại, mìn gài ở những đâu?”.
Trên đường xâm nhập, Tổ Trinh sát phát hiện, cứ cách 3 ngày có một đoàn người từ căn cứ Mỏ Tàu về căn cứ Tân Ba cùi cõng hàng hóa. Vì sơ sài nên chỉ huy yêu cầu chúng tôi tiếp tục theo dõi và báo cáo chi tiết.
Khi biết trong đoàn đông tới 100 người đi - về đó thì chỉ có 9 binh sĩ của Trung đoàn 54 (6 đi trước, 3 đi sau) là có mang súng, số còn lại mặc áo sọc và chỉ mang vác hàng hóa nên Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng quyết định không cho đánh vì như ông giải thích với trinh sát Hoàng Vân rằng “họ là những người lính đào ngũ bị bắt làm lao công đào binh, tức làm bia đỡ đạn cho quân đội Sài Gòn!”.
Sau đó, chúng tôi tập trung cho mục tiêu chính: chốt Xóm Cầu. Ngoài hệ thống hầm hào, doanh trại chốt xóm Cầu có 5 lớp hàng rào kẽm gai, bùng nhùng bao quanh bảo vệ; xen kẽ giữa các lớp hàng rào có gài lựu đạn, mìn định hướng Claymore, bẫy pháo sáng và 4 vọng gác.
Nhìn sa bàn tác chiến, Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng thấy chưa yên tâm nên yêu cầu chúng tôi kiểm tra lại, xem hướng tây bắc địch bỏ trống hay có phòng bị?
Đêm hôm đó, khi cả 4 anh em chúng tôi tiếp cận hàng rào chốt xóm Cầu, trong khi chờ trăng lặn thì bỗng nghe tiếng gọi: “Ngọc ơi, đi ăn cháo gà!”. Người lính có tên là Ngọc đáp lại: “Đ.M mi, mới 1 giờ. Việt Cộng nó còn đi!”. Hóa ra ở hướng tây bắc này có thêm 1 vọng gác! Hoàng Vân tiếp tục: “Sau khi dặn dò anh em tiếp tục bám mục tiêu, tôi trở về đơn vị báo cáo nhưng đến đêm hôm sau, tình hình đã thay đổi khi đồng chí Đồng cho biết, ở chốt xóm Cầu địch vừa tăng cường thêm 60 quân và lập thêm 4 vọng gác!”.
Do đối phương tăng cường lực lượng nên đánh hay không phải xin ý kiến cấp ủy.
Tại hậu cứ khe Rộng, Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng trực tiếp báo cáo.
Nghe xong, Bí thư Huyện ủy Lê Sáu đã hỏi Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng: “Tình hình như thế đồng chí xem liệu có đánh được không?”.
Báo cáo đồng chí Bí thư, chúng tôi xin khẳng định đánh được nhưng đề nghị được cho đánh sớm vì địch mới lên, chưa bố phòng chặt chẽ!.
Sau khi chấp nhận đề nghị, Bí thư Lê Sáu nói thêm: “Tôi chính thức giao cho đồng chí trực tiếp chỉ huy trận đánh này!”.
Để đảm bảo thắng lợi, Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng yêu cầu Đại đội trưởng Đàm Văn Cữ và Chính trị viên Bùi Ngọc Cẩn (cả hai đều quê Thanh Hóa) cùng ông trực tiếp thị sát mục tiêu.
Bên hàng rào đối phương, nhân danh chỉ huy trận đánh, Lê Hữu Tòng chính thức giao nhiệm vụ: Đại đội trưởng Đàm Văn Cữ đảm nhận mũi hướng tây bắc, còn hướng chủ công ở tây nam giao cho Chính trị viên Bùi Ngọc Cẩn; riêng hai mũi nam tây nam và đông nam giao trách nhiệm cho 2 Trung đội trưởng Thi và Tri đảm nhận.
Nhờ được miền Bắc chi viện khá đầy đủ nên C3 Đặc công Hương Thủy có hỏa lực mạnh. Ngoài 4 khẩu B40 và 4 khẩu B41, mỗi chiến sĩ tham gia trận đánh này đều được trang bị tiểu liên AK báng gấp và 5 thủ pháo tấn công.
Đúng nửa đêm về sáng ngày 18/5/1974, sau 3 phát súng lệnh của Lê Hữu Tòng.
Các mũi ào ạt tấn công và chỉ trong vòng chưa đầy mười phút, C3 hoàn toàn làm chủ trận địa. Chốt quân sự xóm Cầu bị đánh phá tanh bành.
Chốt xóm Cầu bị xóa đã góp phần khai thông tuyến hành lang, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ thâm nhập vùng Phú Vang và các xã vùng ven của Huế.
Trong hồi ký của mình, nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Thủy Lê Sáu đã nhận xét: “Năm 1974, quân - dân Hương Thủy ngày đêm bám vị trí chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp thêm những chiến công thầm lặng cho quê nhà. Tiêu biểu là lực lương võ trang huyện mà đồng chí Lê Hữu Tòng là người đứng đầu Huyện đội lúc đó đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung”.
Riêng cựu chiến binh Hoàng Vân tâm sự, đến bây giờ tôi vẫn không quên lời nhắc nhở của Thủ trưởng Lê Hữu Tòng khi yêu cầu chúng tôi phải tiếp tục trinh sát lại chốt quân sự xóm Cầu: “Nếu không nắm chắc tình hình đối phương và nghiên cứu kỹ thực địa thì trận đánh phải trả giá bằng máu xương đồng đội”.
Nhờ “năm lần bảy lượt” trinh sát nên trận đánh này quân ta toàn thắng vì không có ai hy sinh (riêng Chính trị viên Bùi Ngọc Cẩn chỉ bị thương nhẹ).
Nắm chắc tình hình, kiểm tra thực địa để có phương án tấn công phù hợp của người chỉ huy, lãnh đạo năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị!