Bài học từ Ukraine
Cùng với việc Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 và sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai nhà nước tự xưng là Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass - Ukraine ngày 21-2-2022, tiếp đó tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-2-2022 đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng gia nhập NATO, đồng thời mở ra một tương lai bất định cho đất nước Ukraine.
Một Ukraine bất định
Trong quá khứ, Ukraine là quốc gia có diện tích, dân số và nền kinh tế lớn thứ hai Liên Xô, chỉ sau Liên bang Nga. Từ khi tuyên bố độc lập năm 1991 cho tới năm 2013 - thời điểm trước cuộc cách mạng Maidan - mặc dù chưa phải là quốc gia thịnh vượng, song Ukraine là đất nước thanh bình và xinh đẹp của châu Âu. Các nhà lãnh đạo Ukraine khi đó đều theo đuổi chính sách quân bình giữa Nga và phương Tây. Ukraine có mối liên hệ kinh tế mật thiết với Liên bang Nga, phụ thuộc rất lớn về khí đốt và dầu mỏ. Vùng phía Đông của Ukraine giáp Nga là nơi tập trung các ngành kinh tế mũi nhọn, nơi sản xuất các thiết bị, sản phẩm công nghiệp, từ động cơ máy bay, tên lửa, chiến hạm đến tua-bin nhà máy điện nguyên tử để cung cấp cho Nga và xuất khẩu ra thế giới. Có thể nói, đây chính là xương sống của nền kinh tế Ukraine. Nga cũng là nước nhập khẩu rất nhiều lương thực, thực phẩm từ Ukraine. Đặc biệt, đường ống dẫn khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraine, ngoài khoản thuế hằng năm lên tới 3 tỷ USD thì Ukraine còn được hưởng ưu đãi rất đặc biệt, đó là được mua khí đốt, dầu mỏ với giá rất rẻ từ Nga. Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng của mình, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đứng hàng đầu châu Âu và thế giới, Ukraine luôn luôn là mục tiêu tác động, lôi kéo, thậm chí là chi phối, chiếm đoạt của một số thế lực có dã tâm trên thế giới.
Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng Maidan năm 2014, với việc Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ, thế lực thân phương Tây lên nắm quyền, lựa chọn con đường tách khỏi Liên bang Nga cả về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, Ukraine cắt đứt các quan hệ kinh tế với Nga như tuyên bố sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu; ngừng xuất khẩu các động cơ tên lửa, máy bay, tàu chiến cho Nga. Về chính trị, Ukraine đệ đơn xin gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự của các nước phương Tây chống Nga. Giới tinh hoa cầm quyền Ukraine đã cho thực thi những chính sách cực kỳ sai lầm. Ngày 15-5-2015, sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Ukraine - Petro Poroshenko đã ký phê chuẩn các đạo luật “phi Xô viết hóa” và “phi cộng sản hóa” Ukraine, đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa phát xít, lên án đồng thời hai chủ thuyết này và cấm tuyên truyền về chúng. Các đạo luật nêu trên cũng nghiêm cấm việc sản xuất, phân phối và sử dụng ở nơi công cộng các biểu tượng, kể cả vật lưu niệm một thời gắn với chế độ Xô viết như cờ, hình ảnh, huy hiệu búa liềm, sao 5 cánh; cấm sử dụng quốc ca Liên Xô, quốc ca Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ukraine, quốc ca các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa khác thuộc Liên Xô trước đây. Thậm chí Ukraine còn hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng gắn với Liên Xô. Luật pháp mới của Ukraine đồng thời tôn vinh các phần tử dân tộc cực đoan đã hợp tác với Đức Quốc xã để chiến đấu chống lại Liên Xô, coi các phần tử này là “anh hùng giải phóng dân tộc” của Ukraine. Luật mới thông qua cũng cho phép công chúng tiếp cận kho hồ sơ mật của lực lượng an ninh Liên Xô. Thế là, chỉ 2 ngày sau khi Quốc hội Ukraine thông qua các dự luật nêu trên, các phần tử quá khích đã kéo sập nhiều tượng lãnh tụ Liên Xô, trong đó có tượng Lê-nin.
Ukraine đã đặt trọn niềm tin vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ và phương Tây mà quên đi bài học nhãn tiền đã xảy ra với Philippines năm 2012. Năm đó, chính Mỹ - đồng minh thân cận, lâu năm của Philippines đã nhắm mắt làm ngơ để Trung Quốc ngang nhiên gây hấn và chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines. Ukraine phải trả một cái giá quá đắt khi dựa vào nước này để chống lại nước kia; khi lựa chọn một chính sách ngoại giao cứng nhắc, trông chờ, ỷ lại vào nước ngoài, thiếu tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong đối ngoại. Ukraine hiện nay có lẽ vĩnh viễn đã mất đi sự toàn vẹn về lãnh thổ, không thể quyết định con đường phát triển của chính mình, trở thành quả bóng mặc cho các nước phương Tây tung hứng. Đó cũng là hậu quả của việc phủ nhận sạch trơn những thành tựu của quá khứ Xô viết, là “những quả đại bác” nhận được sau khi đã “bắn súng lục vào lịch sử”. Một Ukraine hùng cường, phát triển, văn minh thời Xô viết có lẽ chỉ còn trong hoài niệm.
Bài học nào cho Việt Nam?
Việt Nam - quốc gia nằm ở Đông Nam châu Á, song lại có nhiều điểm rất tương đồng với Ukraine. Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giàu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện, với 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn, những điều kiện này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng từng là đồng minh của Liên Xô. Việt Nam cũng là con mồi thèm khát của các thế lực lớn trên thế giới, là đối tượng ve vãn của các quốc gia cả tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Việt Nam lại rất khác, thậm chí là đối lập với Ukraine trong lựa chọn con đường phát triển, trong đường lối, chính sách đối ngoại. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Với chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo, không liên minh với nước này để chống lại nước kia, Việt Nam đã và đang “khiêu vũ” uyển chuyển trong mối quan hệ chồng chéo của các nước lớn trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia đa sắc tộc như Ukraine, cũng bị các thế lực thù địch, phản động kích động lôi kéo đòi ly khai, đòi lập quốc gia độc lập, nếu không tỉnh táo, chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng như Ukraine hiện nay.
Vì vậy, chúng ta không mơ hồ, ảo tưởng, không trông chờ, ỷ lại vào bất kỳ một quốc gia nào khác, mà phải phát huy ý chí tự lực tự cường, độc lập, tự chủ về kinh tế, chính trị. Nêu cao nguyên tắc lợi ích quốc gia - dân tộc là tối cao, bằng chính sách đối ngoại “thêm bạn, bớt thù”, chúng ta đã giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong một thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường; trong mối quan hệ chồng chéo, phức tạp, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia, các nước lớn ngày nay.
Không mơ hồ, ảo tưởng, tự lực tự cường, độc lập, tự chủ, không ngủ quên trên chiến thắng là bài học khắc cốt ghi tâm mà Việt Nam đã rút ra được sau những tháng ngày đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Vì vậy, kêu gọi Việt Nam “thoát Hoa, bài Trung”, liên minh với Mỹ và phương Tây chống lại Trung Quốc hoặc ngược lại chính là luận điệu kích động, là con đường ngắn nhất để tự diệt vong mà thôi.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/131010/bai-hoc-tu-ukraine