Bài học từ vụ bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng: Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở

Liên quan tới vụ bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, thành phố Hồ Chí Minh), Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới.

Theo ông Đặng Hoa Nam, để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên, cần tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong công tác bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...

Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nghiêm Ý

Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nghiêm Ý

- Ông có thể cho biết, công tác kiểm tra, xác minh vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được tiến hành ra sao?

- Vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở này đã cho thấy hàng loạt sai phạm. Đơn cử, cơ sở này được cấp phép chăm sóc, nuôi dưỡng 39 trẻ nhưng ở thời điểm kiểm tra, số trẻ nhiều gấp đôi. Thậm chí, chủ cơ sở cho biết, có thời điểm số trẻ lên đến 100 trẻ. Như vậy là vượt quá năng lực chăm sóc trẻ của cơ sở, dẫn đến nguy cơ trẻ không được chăm sóc an toàn vì nhân viên làm việc quá tải, chưa kể những nguyên nhân khác liên quan đến nhân cách, đạo đức, năng lực, trình độ của những người chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Bước đầu, chúng tôi đã đề nghị thành phố Hồ Chí Minh thiết lập cơ chế điều phối, chuyển tuyến các ca chăm sóc trẻ, đưa các con đến các cơ sở khác đủ điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc. Hiện nay, các đơn vị chức năng đã và đang thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên.

- Theo ông, đâu là bài học kinh nghiệm lớn nhất từ vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng?

- Bài học lớn nhất, chính là công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc kiểm tra, thanh tra không thể bảo đảm sự thường xuyên, liên tục, nhất là với các cơ sở cố tình gian dối, đối phó, dẫn đến ở thời điểm thanh, kiểm tra thì họ đủ điều kiện, nhưng sau đó họ lại lén lút hoạt động “biến tướng”. Chính vì vậy, phải giám sát thường xuyên đối với việc chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ mồ côi trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Trước mắt, phải đáp ứng các yêu cầu của Luật Trẻ em năm 2016, trong đó quy định rõ UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền của trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

- Nhưng thực tế cho thấy, việc bố trí của địa phương đối với người làm nhiệm vụ bảo vệ trẻ em cấp xã là không khả thi, thưa ông?

- Thực vậy, hầu hết địa phương đều giao trách nhiệm này cho công chức Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, công chức này phải thực hiện nhiệm vụ chung của ngành với khoảng 10 lĩnh vực khác nhau, họ thường xuyên bị quá tải công việc, không đủ năng lực chuyên môn sâu về công tác trẻ em cũng như thời gian để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ trẻ em theo luật định.

Từ thực tế đó, chúng tôi khuyến nghị các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để tăng cường dịch vụ về bảo vệ trẻ em; bố trí nguồn nhân lực, cần có vị trí việc làm được xác định làm công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt ở cấp xã, để chúng ta có đủ điều kiện triển khai công tác bảo vệ trẻ em tốt hơn, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống xâm hại trẻ em.

- Thực tiễn cho thấy hầu hết vụ việc được phát hiện liên quan đến bạo hành trẻ em diễn ra ở các cơ sở tư nhân. Theo ông, chúng ta phải làm gì, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở như thế nào trong việc này?

- Chính vì nhiều cơ sở ngoài công lập chưa bảo đảm được hệ thống giám sát nội bộ nên tình trạng bạo lực trẻ em dễ xảy ra. Do vậy, chúng ta cần tăng cường kiểm tra, rà soát, thanh tra thường xuyên hơn. Đặc biệt, phải sử dụng “tai, mắt” của người dân địa phương. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính quyền cấp xã, bởi một khi chính quyền cấp xã kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh, phát huy khả năng phát hiện những điểm bất thường từ phía người dân cung cấp thì có thể giải quyết vụ việc ngay từ khi mới “manh nha”. Đằng sau “những cánh cửa lớp học” vẫn còn rất nhiều nguy cơ. Vì vậy, xin hãy ưu tiên cho lĩnh vực trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em.

Ngoài công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước, còn phải phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hoa thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-hoc-tu-vu-bao-luc-tre-em-tai-co-so-mai-am-hoa-hong-nang-cao-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-cap-co-so-676957.html