Bài học về công tác đào tạo nhìn từ chiến lược giáo dục thời đại Hồ Chí Minh

Bài học từ chiến lược giáo dục đào tạo của Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc vẫn đầy tính thiết thực trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bài 4: Bài học về công tác đào tạo nhìn từ chiến lược giáo dục thời đại Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định rằng việc đưa con em cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn thể hiện tình cảm hết sức sâu nặng của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam. Hơn thế, việc làm này có ý nghĩa: Nước Việt Nam là một thể thống nhất, trong lòng miền Bắc có con em miền Nam.

Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc là chiến lược rất sâu sắc, để khi thống nhất đất nước, có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên,” vừa có tâm, vừa có tài sẽ xây dựng miền Nam, xây dựng đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế.

Bài học từ chiến lược giáo dục đào tạo đó vẫn đầy tính thiết thực trong bối cảnh hội nhập hiện nay: Theo Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên trong giai đoạn mới, chính đạo đức cách mạng sẽ là vũ khí sắc bén, giúp cán bộ vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Học làm người trước, học văn hóa sau

Về Quy định số 144, đây là bước cụ thể hóa Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tinh thần được nhấn mạnh trong quy định này là kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa."

Quy định số 144 khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.

 Mô hình giáo dục của trường học sinh miền Nam hướng tới việc học làm người trước, học văn hóa sau. (Ảnh tư liệu)

Mô hình giáo dục của trường học sinh miền Nam hướng tới việc học làm người trước, học văn hóa sau. (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, Quy định này cũng thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội, làm cho văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước.

Trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương đã xây dựng một mô hình giáo dục hết sức đặc biệt, một “vườn ươm những hạt giống đỏ,” đào tạo thế hệ cán bộ vừa có tài năng, chuyên môn, vừa có đạo đức cách mạng. Đó là việc đưa con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra Bắc học tập.

Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, một trong số 32.000 học sinh miền Nam trên đất Bắc, cho rằng tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương khi đó là hết sức sáng suốt.

Theo đó, Bác đã xác định được rằng cách mạng miền Nam còn kéo dài, cần phải đưa con em cán bộ, chiến sỹ ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng miền Nam, tái thiết đất nước. Mặt khác, các chiến sỹ cách mạng cũng sẽ yên lòng công tác khi biết rằng con em mình đang ở trong “vòng tay” Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, đang được chăm sóc chu đáo, được học hành tử tế.

 Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Với cá nhân ông Mai Liêm Trực, khi nhắc đến giai đoạn học tập ở miền Bắc, ông rưng rưng xúc động nhớ những đêm rét cắt da cắt thịt, người dân miền Bắc lấy rơm lót giường nằm cho các cháu miền Nam đỡ lạnh, chăm lo cho học sinh miền Nam từng bữa ăn giấc ngủ, dù chính bản thân họ còn đang thiếu ăn, thiếu mặc.

“Chúng tôi trưởng thành với lòng biết ơn vô hạn dành cho Bác Hồ, Trung ương Đảng cũng như các thầy cô giáo và đồng bào miền Bắc,” ông Trực bày tỏ.

Phân tích “công thức” thành công của trường học sinh miền Nam, ông Trực cho rằng từ một tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã có những giải pháp đúng đắn và rất cụ thể, thiết thực.

Thứ nhất, trường học sinh miền Nam đi theo mô hình nội trú. Học sinh và thầy cô giáo, các cô cấp dưỡng, bảo mẫu, các chú tiếp liệu… đều cùng ăn ở, sinh hoạt như một gia đình. Điều đó thắt chặt tình cảm và giúp các cô cậu học trò hiểu được thế nào là sinh hoạt cộng đồng, biết nhường nhịn lẫn nhau, tất cả vì lợi ích chung của tập thể.

 Ông Mai Liêm Trực và phu nhân xem lại những tấm ảnh cũ thời học sinh miền Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ông Mai Liêm Trực và phu nhân xem lại những tấm ảnh cũ thời học sinh miền Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Chúng tôi thành lập các nhóm tam-tam (ba bạn học khá sẽ giúp đỡ ba bạn học yếu) để cùng nhau tiến bộ. Hàng tuần có các buổi họp tổ. Ai có khuyết điểm về nề nếp học tập, sinh hoạt sẽ bị phê bình, từ đó, chúng tôi dần có ý thức sửa đổi bản thân,” ông Trực kể.

Thứ hai là khâu tuyển chọn giáo viên. Ông Trực cho rằng các trường miền Nam có một lực lượng giáo viên trẻ, vừa có tài, vừa có đức, hết lòng chăm sóc học sinh.

Thứ ba là dành điều kiện ăn ở, sinh hoạt, lao động tốt nhất có thể cho học sinh miền Nam, dù bối cảnh xã hội miền Bắc lúc đó còn rất khó khăn.

“Trung ương chủ trương ‘học đi đôi với hành’ nên các trường đều có vườn trường, xưởng trường để học sinh tăng gia sản xuất và học nghề. Đặc biệt, chúng tôi tham gia các đợt lao động, giúp người dân gặt lúa, đắp đê. Việc xây dựng những công trình như Thủy lợi Bắc Hưng Hải, công viên Thống Nhất, Thủ Lệ… đều có học sinh miền Nam góp sức,” ông Trực cho biết.

 (Từ trái sang) Các học sinh vượt sông Sê San ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum - Đoàn K124 gồm những học sinh đi bộ qua dãy Trường Sơn để ra Bắc học tập năm 1972 - Học sinh miền Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc năm 1962. (Ảnh tư liệu)

(Từ trái sang) Các học sinh vượt sông Sê San ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum - Đoàn K124 gồm những học sinh đi bộ qua dãy Trường Sơn để ra Bắc học tập năm 1972 - Học sinh miền Nam ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc năm 1962. (Ảnh tư liệu)

Tiến sỹ Mai Liêm Trực khẳng định rằng mô hình giáo dục của trường học sinh miền Nam hướng tới việc học làm người trước, học văn hóa sau, rèn tính cách trung thực, lòng biết ơn, từ đó mỗi người sẽ có ý thức trách nhiệm đối với đất nước, tự nguyện dấn thân cống hiến, không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến danh dự của học sinh miền Nam trên đất Bắc, hoặc tổn thương đến ân tình miền Bắc đã dành cho mình.

Soi chiếu giáo dục-đào tạo ngày nay

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định rằng mô hình trường học sinh miền Nam để lại nhiều bài học kinh nghiệm, còn nguyên giá trị thực tiễn cho công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước hiện nay.

Mỗi giai đoạn lịch sử có những bối cảnh xã hội khác biệt. Tất nhiên, chúng ta không thể áp dụng một mô hình cụ thể trong quá khứ vào thời đại ngày nay, song Tiến sỹ Mai Liêm Trực cho rằng hệ thống trường miền Nam có thể để lại bài học kinh nghiệm rằng lãnh đạo cần có tầm nhìn, chiến lược đúng đắn, đi kèm theo đó là những giải pháp, chính sách phù hợp. Nếu chỉ dừng ở chiến lược mà không có chính sách và giải pháp cụ thể thì mô hình chưa chắc thành công.

Tiến sỹ Mai Liêm Trực khẳng định việc xác định được tầm nhìn chiến lược trong công tác đào tạo, giáo dục trong vòng 10 năm, 20 năm… tới là rất quan trọng, và việc xác định chiến lược cần dựa trên dự báo về thị trường, bao gồm thị trường trong nước và thị trường thế giới, dự báo về xu hướng phát triển khoa học-công nghệ, dự báo về môi trường chính trị-xã hội thế giới...

 Các sản phẩm công nghệ và ứng dụng thiết kế vi mạch, bán dẫn của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: VNU)

Các sản phẩm công nghệ và ứng dụng thiết kế vi mạch, bán dẫn của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: VNU)

Cụ thể, ở công nghệ chip bán dẫn, ông Trực cho rằng một dây chuyền sản xuất chip có thể lên đến hàng chục tỷ USD, vậy, Việt Nam cần xác định được mình sẽ tham gia ở khâu nào, chẳng hạn như design (thiết kế), testing (kiểm thử), packing (đóng gói)... để từ đó có chiến lược đào tạo nhân lực cụ thể. Nguồn nhân lực này sẽ đóng góp cho kinh tế đất nước và đáp ứng nhu cầu nguồn lao động ở nước ngoài.

“Chúng ta đang nói đến chuyển đổi số, chip bán dẫn, công nghệ AI… vậy phải xác định được Việt Nam sẽ ở đâu trong ‘cuộc chơi’ này ở giai đoạn 10 năm hay 20 năm tới. Xác định được vị thế thì có thể đón đầu thời cơ, chớp lấy cơ hội,” ông Trực nói.

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực công nghệ là Đại tá, Tiến sỹ Thái Lê Thắng, nguyên cán bộ Trung tâm Toán-Máy tính (Viện Công nghệ Thông tin Quân đội, Bộ Quốc phòng) đồng tình với quan điểm trên.

 Đại tá, Tiến sỹ Thái Lê Thắng, nguyên cán bộ Trung tâm Toán-Máy tính (Viện Công nghệ Thông tin Quân đội, Bộ Quốc phòng). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đại tá, Tiến sỹ Thái Lê Thắng, nguyên cán bộ Trung tâm Toán-Máy tính (Viện Công nghệ Thông tin Quân đội, Bộ Quốc phòng). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ông Thắng cho rằng ngành giáo dục cần quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển trong lĩnh vực khoa học-công nghệ thì sẽ giúp ích được rất nhiều cho đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Là học sinh miền Nam ra Bắc từ khi mới hơn 4 tuổi, ông Thắng cũng được thấm nhuần phương pháp giáo dục thời đại Hồ Chí Minh. Ông cho rằng ngoài việc giáo dục kiến thức thì nguồn nhân lực chất lượng cao còn cần được bồi dưỡng về đạo đức.

“Đạo đức là vũ khí sắc bén để con người phát triển toàn diện. Giới trẻ ngày nay đã có điều kiện học tập rất tốt song vẫn cần bồi dưỡng, định hướng để sử dụng trí lực vào mục đích đúng đắn,” Tiến sỹ Thái Lê Thắng nêu quan điểm.

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà giáo dục Trần Tố Nga, nguyên cán bộ Ủy ban Giáo dục miền Nam, học sinh trường miền Nam từ năm 1955, cho rằng trong điều kiện phải tổ chức việc giáo dục cho hàng vạn thanh thiếu niên xa quê hương thì không có hình thức nào khả dĩ hơn là tổ chức các trường nội trú, còn trong điều kiện hiện nay thì phương pháp giáo dục tốt nhất là tạo sự cân bằng tự nhiên giữa ba nhân tố gia đình-nhà trường-xã hội.

“Thanh thiếu niên cần được lớn lên trong gia đình, trong mối liên hệ yêu thương và trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Họ cũng cần được lớn lên trên quê hương mình với những mối quan hệ xã hội phong phú, đa dạng, sinh động hơn nhiều,” bà Nga nói.

Bà Nga cho rằng công tác giáo dục hiện chưa xứng tầm với sự phát triển của đất nước, chế độ cho giáo viên chưa xứng để nâng cao chất lượng giáo dục, do đó cần phải bồi dưỡng cả tinh thần và vật chất cho đội ngũ giáo viên hơn nữa.

Trải qua hơn 20 năm, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, song tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tổ chức các trường miền Nam vẫn để lại những bài học quý giá để những người làm công tác giáo dục đào tạo soi chiếu, rút ra những kinh nghiệm cho việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đất nước ngày nay./.

 Tháng 4/2024, bà Trần Tố Nga cùng các luật sư và đai diện các hội đoàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà đã thông báo sự kiện phiên tòa phúc thẩm trước đông đảo đại diện báo chí quốc tế, trong đó có Pháp và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Tháng 4/2024, bà Trần Tố Nga cùng các luật sư và đai diện các hội đoàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà đã thông báo sự kiện phiên tòa phúc thẩm trước đông đảo đại diện báo chí quốc tế, trong đó có Pháp và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Xem toàn bộ loạt bài tại đây:

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bai-hoc-ve-cong-tac-dao-tao-nhin-tu-chien-luoc-giao-duc-thoi-dai-ho-chi-minh-post964698.vnp