Bài học về sự gương mẫu
Chuyện một người đi ra đường nhưng không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên vi phạm các quy định trong lĩnh vực y tế (Nghị định 117/2020/NĐ-CP) và bị phạt thì không có gì đáng phải quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đang diễn biến phức tạp như bây giờ. Nhưng vì sao việc ông Nguyễn Bách Lợi, Bí thư Đảng ủy phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ngày 9-8 bị xử phạt 2 triệu đồng do không đeo khẩu trang khi ra đường lại được dư luận quan tâm?
Dư luận quan tâm là bởi ông Lợi là cán bộ đương chức, có vị trí cao nhất ở một địa phương cơ sở cấp phường. Cho nên, khi ông không chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể ở đây là đi bộ từ trụ sở cơ quan ra chốt kiểm dịch trên địa bàn để nhận hàng hóa nhưng không đeo khẩu trang, hành vi đó trái với những chỉ đạo về phòng, chống dịch trên địa bàn do chính ông thay mặt cấp ủy cấp trên để triển khai. Ông không gương mẫu thì rất khó để yêu cầu dân chúng trên địa bàn phải chấp hành nghiêm túc.
Dư luận quan tâm bởi hành vi của ông Lợi không được chính lực lượng ở chốt kiểm dịch nơi đó phát hiện xử lý, dù họ không thể nói là không nhìn thấy, mà là do người dân chụp hình được và phản ánh đến lực lượng chức năng. Đã thế, nếu chính quyền phường Tân Mai ngại đụng chạm mà không xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của vị lãnh đạo thì chắc chắn người dân sẽ phản ứng, mà không phản ứng thì niềm tin cũng sẽ suy giảm.
Rất đáng hoan nghênh là ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Tân Mai đã ký quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với ông Lợi - một quyết định hẳn sẽ không dễ dàng gì đối với người có trách nhiệm phải ký.
Có người nói chuyện này nhỏ, đáng gì mà báo chí lên tiếng? Thì đúng là nó nhỏ. Và đúng cán bộ cũng không phải thánh thần để nói là có thể sẽ miễn nhiễm với sai phạm. Khi sai phạm thì xử lý, “luật pháp bất vị thân” chứ có gì lạ đâu. Khi tuyên chiến với tiêu cực, tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta cũng nêu cao tinh thần xử lý không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” đấy thôi. Nhưng trong thực tiễn thời gian trước đây, đôi lúc chưa phải vậy. Tình trạng luật pháp “vị thân” vẫn còn trong đời sống.
Điều này “soi” trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chẳng hạn sẽ thấy xảy ra khá nhiều ở các địa phương. Tỉ như người dân chỉ cần đổ đống cát, đống gạch để sửa nhà bếp là đã thấy công chức quản lý đô thị hay thanh tra xây dựng hỏi thăm; trong khi đó, biệt phủ, biệt thự thậm chí xây dựng sai thiết kế, không giấy phép xây dựng thì vẫn ngang nhiên mọc lên giữa đô thị.
Ai ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) hẳn biết vụ biệt phủ hàng trăm mét vuông ngang nhiên mọc lên ở phường Lộc Phát trong cả thời gian dài, dù đã có lần bị lập biên bản vi phạm, dù đã có lần bị đình chỉ thi công, dù báo chí đã liên tục lên tiếng… Nó là công trình của ai mà dám thách thức dư luận như thế? Của thường dân thì thách cũng không dám. Nó phải là của người có thế lực đến mức có thể nói là vô hiệu hóa được hiệu lực của chính quyền sở tại. Người như thế, nếu là dân thì phải có “chống lưng” của quan chức, mà phải là quan chức có tầm cỡ kia.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tổ chức ngày 12-6-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại tinh thần Hồ Chủ tịch dạy chúng ta: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cán bộ, đảng viên lại cần phải gương mẫu, gương mẫu trong sinh hoạt lẫn trong công tác, cả ở nơi công tác lẫn nơi cư trú.
Lời dạy ấy mãi đúng với mọi góc độ của cuộc sống!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/bai-hoc-ve-su-guong-mau-i623935/