Bài học về ứng xử trên không gian mạng

Để bảo vệ quan điểm của mình, bị cáo T.M.T (sinh năm 1985, trú huyện Vạn Ninh) đã lên mạng xã hội livestream chửi bới, làm nhục một số cá nhân. Kết cục dành cho T. là bản án 6 tháng tù về tội làm nhục người khác. Bị cáo T. đã kháng cáo.

Phiên tòa phúc thẩm ban đầu khá căng, chủ yếu do T. chưa nhận ra lỗi của mình. Vị chủ tọa phải nhắc nhở, các hoạt động của tổ chức tự xưng mà bị cáo ra sức bênh vực đã bị điều tra, truy tố, xét xử, nghĩa là đã được xác minh, làm rõ. Lúc này, T. mới thừa nhận đã dùng 2 tài khoản Youtube cá nhân để livestream phản bác một số cá nhân, nhưng những lời nói trong các video chỉ có tính tranh luận, không có ý xúc phạm. T. cũng tỏ ra ấm ức vì bị hại có video xúc phạm trước; T. đã tố cáo mà không được giải quyết; do đó T. phạm tội do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, hoặc gây thiệt hại không lớn…

Vị chủ tọa nghiêm khắc phân tích, cơ quan điều tra đã xác định, trong vòng 10 tháng, T. đã nhiều lần livestream trên 2 kênh Youtube cá nhân để bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của 3 cá nhân ở các mức độ khác nhau và bị họ tố giác. Theo kết luận giám định, trong 4 video trực tuyến do T. khởi phát, tạo lập có 11 nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của 1 cá nhân ở mức độ nghiêm trọng; 11 video còn lại có 9 nội dung xúc phạm 2 cá nhân khác ở mức độ ít nghiêm trọng. Việc có hay không xúc phạm, làm nhục người khác đã được đánh giá bởi cơ quan giám định đã được công nhận, không dựa vào nhận định chủ quan của bị cáo hay bất cứ ai.

Chủ tọa cũng giải thích thêm, ngay ở phiên tòa sơ thẩm, bị hại đã thừa nhận có tạo lập nhiều video đối đáp với T. Sau khi T. tố cáo bị hại, Công an tỉnh đã tiếp nhận và chuyển đơn, tài liệu cho công an tỉnh khác xử lý theo thẩm quyền. Vì vậy, cấp sơ thẩm đã xem xét việc bị cáo phạm tội có một phần lỗi của bị hại. Tuy nhiên, bị cáo cần nhận thức hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bản thân bị cáo đã bị xử phạt vi phạm hành chính vì có lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác... Tuy nhiên, tòa cũng xem xét bị cáo có nhiều đóng góp cho hoạt động thiện nguyện nên chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù treo. Dù không phải cách ly khỏi xã hội song bản án vẫn là bài học thấm thía với T. và cả bị hại. Đó là cần ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

TAM THUẬT

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202208/bai-hoc-ve-ung-xu-tren-khong-gian-mang-8261148/