Bài kiểm tra đầu tiên của huấn luyện viên Kim Sang-sik
Với mục tiêu chuẩn bị cho các chiến dịch vòng loại U23 châu Á 2026 và SEA Games 33, Đội tuyển U22 Việt Nam có lần đầu tiên hội quân dưới thời huấn luyện viên Kim Sang-sik. Đợt tập trung này chỉ kéo dài 5 ngày (từ ngày 13-17/8), song có ý nghĩa rất quan trọng khi giúp vị chiến lược gia người Hàn Quốc có được cái nhìn đầu tiên về nguồn lực mà ông đang có trong tay.
Bản danh sách nhiều thành phần
Tổng cộng 35 cầu thủ được gọi lên trong đợt tập trung lần này của tuyển U22 Việt Nam. Với số lượng lớn cầu thủ được triệu tập, mục đích chính của lần hội quân này là giúp huấn luyện viên trưởng Kim Sang-sik kiểm tra, đánh giá năng lực của các học trò để vạch ra kế hoạch “tác chiến” cho các chiến dịch vòng loại U23 châu Á 2026 và SEA Games 33. Trong vòng 5 ngày ngắn ngủi, các cầu thủ phải tạo ra những ấn tượng ban đầu cho ông thầy người Hàn Quốc để ít nhất được tiếp tục triệu tập cho những lần hội quân sau đó.
Trong số 35 cầu thủ được triệu tập, ngoài những cái tên đã quen thuộc với người hâm mộ và thường xuyên có tên trong thành phần đội U23 Việt Nam thời gian gần đây như Khuất Văn Khang, Hồ Văn Cường, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hồng Phúc, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Quốc Việt, Bùi Vĩ Hào... Huấn luyện viên Kim Sang-sik cũng trao cơ hội cho khá nhiều gương mặt trẻ lứa U20 như Cao Văn Bình, Phạm Đình Hải, Nguyễn Công Phương, Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Bảo Long, Quách Quang Huy, Trịnh Long Vũ, Mai Quốc Tú, Nguyễn Mạnh Hưng, Nguyễn Quốc Khánh.
Sự trở lại của Nguyễn Đình Bắc là một điểm đáng chú ý trong đợt tập trung này. Đình Bắc là cái tên đã chơi rất nổi bật dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, tuy nhiên, sự tiến bộ của cầu thủ này đã bị gián đoạn bởi chấn thương cổ chân mà anh dính phải khi tham gia vòng chung kết U23 châu Á 2024 hồi tháng 4 năm nay. Đình Bắc được xem là một tài năng trẻ sáng giá nhờ lối chơi rất táo bạo và luôn tiềm ẩn sự bùng nổ. Khả năng lấy lại phong độ sau chấn thương của anh vì thế rất được người hâm mộ quan tâm.
Ở nhóm tuổi trẻ hơn, Nguyễn Công Phương cũng là một cầu thủ đáng để chú ý. Tiền vệ sinh năm 2006 của Thể Công Viettel đã từng được điền tên vào danh sách đội U23 Việt Nam trước đây nhưng chưa có nhiều cơ hội thể hiện bản thân. Công Phương được xem là một “thần đồng” của bóng đá Việt Nam, từng là thủ quân của đội U16 và U17 quốc gia. Anh cũng được huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đánh giá là có “tương lai đặc biệt”. Khả năng chơi tốt cả hai chân, nhãn quan chiến thuật ấn tượng cùng khả năng sút phạt là những điểm nổi trội ở cầu thủ này.
Theo chiều ngược lại, sự vắng mặt của Nguyễn Thái Sơn đem đến đôi chút tiếc nuối. Thái Sơn được xem là cầu thủ dày dạn kinh nghiệm nhất trong lứa cầu thủ U23, khi anh đồng thời là tuyển thủ quốc gia rất được tin cậy dưới thời ông Troussier. Thái Sơn đã được thầy Kim Sang-sik triệu tập, tuy nhiên, đội Thanh Hóa quyết định giữ chân trụ cột của mình để thi đấu ở đấu trường châu lục. Người thay thế cho Thái Sơn là hậu vệ Hà Châu Phi, cầu thủ khá đa năng đang là thủ quân U21 Thanh Hóa.
Nhiệm vụ khó khăn cho ông Kim Sang-sik
Trong đợt hội quân lần này, bên cạnh các cộng sự đồng hương như Choi Won-kwon, Nam Gung-do, Yoon Dong-hun; huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ có sự hỗ trợ đắc lực từ các trợ lý người Việt Nam đã có khá nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo như các huấn luyện viên Đinh Hồng Vinh, Phan Như Thuật và huấn luyện viên thủ môn Trần Minh Quang. Tất cả những cái tên này đều có điểm chung là sự tâm huyết dành cho các cầu thủ trẻ.
Có thể thấy rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang dành cho ông Kim Sang-sik những điều kiện tốt nhất để làm nghề. Nhà cầm quân người Hàn Quốc nhận công việc từ đầu tháng 5 và chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng, xây dựng sự hiểu biết sâu sắc về môi trường công việc của mình. Tuy nhiên, áp lực mà chiến lược gia sinh năm 1976 phải gánh là khá rõ ràng.
Sau một khoảng thời gian tương đối trầm lắng của bóng đá Việt Nam, người hâm mộ rất cần những màn trình diễn ấn tượng của các đội tuyển để lấy lại niềm tin cùng cảm hứng với bóng đá nội. Bên cạnh đó, khả năng chuyên môn của huấn luyện viên Kim Sang-sik cũng là điều mà tất cả các cổ động viên chờ đợi được sớm chứng kiến.
Mặc dù vậy, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng bóng đá Việt Nam hiện tại không có nguồn lực tốt. Sau thế hệ xuất sắc của Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng..., các thế hệ sau đó không còn nhiều cầu thủ tài năng và có những tố chất đặc biệt. Vẫn có những người được đánh giá chuyên môn khá, song họ kém xa so với các đàn anh khi ở cùng độ tuổi. Huấn luyện viên Troussier từng phải đối mặt với vấn đề này, khi nguồn nhân lực trong tay ông không đủ khả năng để tiếp thu những ý tưởng chiến thuật phức tạp từ nhà cầm quân người Pháp. Điều này là một trong những nguyên nhân chính đã dẫn đến những kết quả không tốt dưới thời “Phù thủy trắng”.
Khi lựa chọn ông Kim Sang-sik - người đồng hương với huấn luyện viên Park Hang-seo, có lẽ VFF chờ đợi một cách tiếp cận mềm mại, “liệu cơm gắp mắm” hơn từ nhà cầm quân người Hàn Quốc với các cầu thủ trẻ. Thay vì cố gắng xây dựng lối chơi mang đậm triết lý cá nhân, ông Kim Sang-sik có thể sẽ sử dụng một chiến thuật phù hợp với kỹ năng, thể trạng của các học trò hướng đến mục tiêu tối ưu kết quả trong ngắn hạn. Muốn vậy, vị chiến lược gia sinh năm 1976 sẽ cần có được sự kết nối tốt với các cầu thủ để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ như những gì thầy Park đã làm trước kia. Những đợt hội quân vì thế sẽ có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt chuyên môn.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc giai đoạn tập trung, nhóm các cầu thủ ở lứa tuổi U19 và U20 sẽ chuyển sang tập trung tập luyện cùng đội U20 Việt Nam đang được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh để chuẩn bị cho vòng loại U20 châu Á 2025. U22 Việt Nam sẽ có thêm một đợt tập trung nữa vào cuối tháng 8/2024 với lực lượng chủ yếu là các cầu thủ lứa tuổi U21 để chuẩn bị tham dự giải bóng đá giao hữu U21 quốc tế do Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc tổ chức ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, gồm 4 đội U21 đến từ Việt Nam, Malaysia, Uzbekistan và chủ nhà Trung Quốc, diễn ra từ ngày 2 đến 10/9/2024.