Bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tại Hội nghị hợp tác TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên

Báo Đắk Nông xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tại Hội nghị hợp tác TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Hôm nay, tỉnh Đắk Nông rất vinh dự và vui mừng được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên; các vị đại biểu khách quý về dự “Hội nghị trao đổi, thống nhất Kế hoạch triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023”.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý về dự hội nghị lời kính chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương" thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam – Campuchia.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên là 54.548 km2, lớn thứ ba cả nước, với dân số gần 6 triệu người; cùng khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ; hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước; khoảng 10 tỷ tấn trữ lượng bô xít, chiếm 90% trữ lượng bô xít cả nước.

Tây Nguyên có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và là đầu nguồn của 4 con sông lớn gồm: sông Sê San, sông Srêpôk, sông Ba và sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước ngọt cho khu vực hạ du của các địa phương thuộc hai vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười

Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng.

Trong những năm qua, nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Do đó, Hội nghị này bàn Kế hoạch triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên đã được ký kết vừa qua tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng; mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.

Hội nghị còn tạo điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của khu vực Tây Nguyên, có Quốc lộ 14 nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên, cách TP. Hồ Chí Minh 230 km và cách TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 120 km; có Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng, Bình Thuận và các tỉnh Duyên hải miền Trung, cách TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) 170 km và TP. Phan Thiết (Bình Thuận) 160km.

Đồ họa: Lê Dung

Đồ họa: Lê Dung

Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên khoảng 6.509 km2, dân số khoảng 700 nghìn người, với hơn 40 dân tộc anh em cư trú trên 8 huyện, thành phố; Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên Mnông, có địa hình đa dạng, phong phú và khí hậu tương đối ôn hòa.

Đắk Nông có hơn 141 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; 2 cửa khẩu quốc gia là Bu Prăng và Đắk Peur nối với nước bạn Campuchia.

Với vị trí địa lý như trên sẽ tạo điều kiện cho Đắk Nông có thể mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia, là nguồn động lực để Đắk Nông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực Tây Nguyên.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, việc phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột kinh tế chính, đó là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực du lịch. Tỉnh Đắk Nông đã và đang tập trung nguồn lực cũng như kêu gọi đầu tư phát triển vào các lĩnh vực kinh tế này. Cụ thể:

Về phát triển công nghiệp: Đắk Nông có lợi thế rất lớn về bô xít, chiếm khoảng trên 60% trữ lượng cả nước, hàm lượng nhôm có chất lượng tốt đạt khoảng 40%, bước đầu tỉnh Đắk Nông đã hình thành chuỗi công nghiệp alumin - luyện nhôm và sau nhôm.

Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông định hướng sẽ kêu gọi đầu tư vào các ngành kinh tế hỗ trợ theo bô xít và điện phân nhôm như: cơ khí, các ngành luyện kim, chế tạo các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất ô tô và các ngành dịch vụ thương mại khác...

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông với tổng số giờ nắng cao, lượng bức xạ mặt trời cao, cũng như có tốc độ gió tương đối lớn sẽ là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Về phát triển nông nghiệp: Đắk Nông có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 380.945 ha, chiếm hơn 58,5% tổng diện tích đất tự nhiên.

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản vật của Đắk Nông

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản vật của Đắk Nông

Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan, màu mỡ chiếm trên 80% diện tích; với nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố dày đặc trên địa bàn tỉnh; khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình khoảng 20-25oC.

Đó là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với một số cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su và cây ăn quả.

Hiện tỉnh đang có nhu cầu kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cấy, ghép mô, lai tạo, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao; xây dựng các vùng chuyên canh rau, củ, quả để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh; xây dựng nhà máy chế biến, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Về phát triển du lịch: Đắk Nông là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, hùng vĩ như các hồ nước tự nhiên, đẹp: hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Trúc và hệ thống nhiều thác nước hùng vĩ, kỳ diệu: thác Đắk G’lun, Đắk Búk So, Đray Sáp, Gia Long, Liêng Nung.

Ngoài ra, Hồ Tà Đùng được nhiều du khách biết đến và ví như là “Hạ Long trên cao nguyên”. Đặc biệt, hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á với chiều dài khoảng 25 km, vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Trong phát triển du lịch, chúng tôi sẽ hướng đến du lịch mang bản sắc dân tộc riêng của vùng miền; kết hợp du lịch với nông nghiệp công nghệ cao và du lịch nghĩ dưỡng; với thời tiết, khí hậu, nông nghiệp xanh và cảnh quan thiên nhiên đẹp, Đắk Nông sẽ là điểm du lịch nghỉ dưỡng rất hấp dẫn trong tương lai.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Với tinh thần “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông mong muốn cùng với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên “cùng nỗ lực, cùng vượt khó, cùng gắn bó và liên kết với nhau” để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có; cùng nhau chia sẻ những thế mạnh của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.

Với tình cảm trân trọng, mến khách của mỗi con người Đắk Nông, trong thời gian lưu lại tại địa phương là dịp để quý vị đại biểu và các bạn thêm hiểu, thêm yêu vùng đất Đắk Nông.

Trên tinh thần đó, tôi xin khai mạc hội nghị. Kính chúc các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Tây Nguyên và quý vị đại biểu về dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc.

Chúc hội nghị thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn!

Lê Dung - Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/bai-phat-bieu-cua-chu-tich-ubnd-tinh-dak-nong-ho-van-muoi-tai-hoi-nghi-hop-tac-tp-ho-chi-minh-va-tay-nguyen-162032.html