Phân loại rác thải sinh hoạt còn nhiều khó khăn
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Để thực thi các quy định này, tỉnh Lào Cai đã sớm triển khai đồng bộ các quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Tuy nhiên, thực trạng tại các địa phương cho thấy để đưa chính sách vào cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai mỗi ngày tiếp nhận khoảng 120 tấn rác, trong đó có 70 tấn rác hữu cơ. Tuy nhiên, lượng rác hữu cơ này vẫn lẫn rất nhiều rác vô cơ, vì vậy quá trình xử lý, sản xuất phân hữu cơ tại nhà máy phải mất thêm các công đoạn phân loại lại, sản lượng phân hữu cơ thành phẩm chỉ bằng khoảng 20% lượng rác hữu cơ đổ về nhà máy.
Ông Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải thành phố Lào Cai cho biết rác hữu cơ đổ về nhà máy từ 2 nguồn chính là thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Mặc dù 2 địa phương này đã triển khai phân loại rác tại nguồn nhiều năm nay và được đánh giá khá tốt nhưng thực tế quá trình phân loại chất hữu cơ còn lẫn chất thải vô cơ nên khi đưa về nhà máy xử lý rác thải còn phải phân loại lại, hiệu quả hoạt động của nhà máy chưa cao.
Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, năm 2023, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 403 tấn/ngày, tương đương khoảng 147.124 tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị là 213 tấn/ngày, tương đương khoảng 78.009 tấn/năm; chất thải vô cơ chiếm khoảng 44%, chất thải hữu cơ chiếm 56%. Chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh 185,25 tấn/ngày, tương đương khoảng 67.614,75 tấn/năm; chất thải vô cơ chiếm 38%, chất thải hữu cơ chiếm 62%.
Năm 2023, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt 62%, trong đó 3 địa phương là thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) duy trì tỷ lệ phân loại bình quân đạt 75 - 95%; huyện Mường Khương đạt 80%; huyện Si Ma Cai đạt 57%.
Bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bằng nhiều hình thức.
Mặc dù đã đạt một số kết quả nhưng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Về hạ tầng, hiện nay nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp hoặc quá tải, các bãi chôn lấp quy mô nhỏ tại các xã không được đầu tư hệ thống thu gom nước rỉ rác tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó là chưa ban hành quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí. Quy hoạch bãi chôn lấp cần bố trí xa khu dân cư, xa nguồn nước và diện tích đất lớn khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất. Đối với các đô thị, việc quy hoạch bố trí ga rác cũng gặp khó khăn do không có quỹ đất phù hợp.
Việc ứng dụng công nghệ lò đốt rác thông thường hiện nay có công suất thấp, không đáp ứng được công nghệ xử lý khí thải, chi phí quản lý vận hành cao. Việc đầu tư lò đốt rác quy mô công suất lớn tuần hoàn năng lượng thì lượng rác không đủ để vận hành do đặc thù tỉnh miền núi, mật độ dân số thấp, quãng đường vận chuyển rác thải xử lý tập trung xa dẫn đến phát sinh nhiều chi phí.
Mặc dù các huyện đã triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế. Ngoài 3 địa phương là thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) thì tỷ lệ phân loại ở các khu vực khác vẫn thấp.
Tính tổng tỷ lệ phân loại trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 62%; chất lượng phân loại chưa đảm bảo, tỷ lệ lượng chất thải hữu cơ sau phân loại chỉ đạt 54% so với tổng lượng chất thải phát sinh được phân loại thu gom trên toàn tỉnh.
Theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Trong thời gian tới, để việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu, lộ trình, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn; bố trí quỹ đất cho các điểm tập kết rác.
Tiếp tục rà soát các điểm, cụm xã nghiên cứu đề xuất đầu tư lò đốt rác để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai, thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tất cả các khu vực trung tâm xã, các điểm dân cư tập trung. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động xả thải, vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải thu tiền dịch vụ từ các tổ chức, cá nhân...
Mới đây, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác rà soát, đánh giá hiện trạng kết quả triển khai công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm rà soát, đánh giá hiện trạng kết quả triển khai công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Kết quả đánh giá này sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao hiệu quả phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-con-nhieu-kho-khan-post386133.html