Bãi rác trở thành công viên

Vấn đề mà cử tri huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm trong buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh là ô nhiễm môi trường từ khu chôn lấp rác của thành phố đặt trên địa bàn.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đã có nhà đầu tư sẵn sàng sử dụng công nghệ, móc toàn bộ rác cũ tại khu vực trên để đốt, vấn đề chỉ là đưa ra định mức chi phí xử lý rác theo cách này, sau đó Hà Nội sẽ biến bãi rác thành công viên để người dân hưởng lợi. Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành Nhà máy điện rác Thiên Ý ở huyện Sóc Sơn và Nhà máy điện rác Seraphin ở thị xã Sơn Tây chậm nhất vào quý II-2024. Sau khi hai nhà máy này đi vào vận hành, tổng công suất xử lý rác đạt 6.500m3/ngày đêm, TP Hà Nội sẽ không cần phải chôn lấp rác thải nữa.

Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn). Ảnh minh họa:Vietnamnet

Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn). Ảnh minh họa:Vietnamnet

Thông tin trên khiến dư luận mừng khấp khởi. Bởi vì từ lâu nay, xử lý rác thải là vấn đề nan giải không chỉ với Hà Nội mà với mọi địa phương trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn. Nếu như trong nhiệm kỳ này, TP Hà Nội có giải pháp để tiêu hủy những bãi rác khổng lồ, biến những khu vực nặng mùi xú uế thành công viên thì đó chắc chắn sẽ là thành tựu lớn.

Rác thải tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu được xử lý theo phương pháp thu gom lại rồi chôn lấp. Trên thế giới đã có nhiều công nghệ xử lý rác thải hiệu quả; rác thải được coi là tài nguyên, phần lớn được tái chế và đốt để sản xuất điện và nhiệt phục vụ đời sống người dân. Tuy nhiên, muốn xử lý rác hiệu quả thì cần làm tốt khâu phân loại rác thải từ nguồn. Trước đây, tại Hà Nội đã có dự án thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, nhưng vì làm chưa đồng bộ nên hiệu quả không cao, có lúc rác được phân loại tại các hộ dân nhưng vẫn bị trộn lẫn ở khâu sau, chưa có đầu ra cho tái chế rác, thế rồi lại phải tiến hành chôn lấp. Ngược lại, khu xử lý rác Đa Phước tại TP Hồ Chí Minh có quy trình để tái chế, nhưng do rác chuyển đến chưa được phân loại tại nguồn nên cũng đành... bó tay.

Do đó, cần phải bắt tay ngay vào một cuộc vận động rộng lớn trong xã hội và kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc xử lý rác thải. Cũng cần phải lựa chọn các công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Trong đó, công nghệ CFB (công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi) của Nhật Bản được nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... sử dụng hiệu quả, nên được tham khảo.

Thông tin mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói trong cuộc tiếp xúc cử tri chính là lời hứa trước cử tri. Để thực hiện được lời hứa đó cần phải có quyết tâm lớn, sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội. Mỗi chúng ta đều hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện hiệu quả việc xử lý rác thải đô thị, để các địa phương khác trên cả nước rút kinh nghiệm và làm theo.

HỒ QUANG PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bai-rac-tro-thanh-cong-vien-744784