Bãi tắm Cửa Việt: Nhà tắm, nhà vệ sinh tiền tỉ bỏ hoang, nước thải xả thẳng ra bãi cát
Bãi tắm Cửa Việt (xã Cửa Việt) từ lâu đã nổi tiếng với bờ cát dài, sạch đẹp và mực nước nông, trong xanh, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực. Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp ấy là những nghịch lý kéo dài trong công tác đầu tư hạ tầng và quản lý môi trường.
Công trình tiền tỉ “đắp chiếu”, nước thải “vô tư” chảy tràn
Bãi tắm Cửa Việt được thành lập từ năm 1997, có diện tích khoảng 5.000m2, thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ. Trong quy hoạch ban đầu, đất bãi tắm được phân lô và giao cho 43 hộ kinh doanh dịch vụ ẩm thực, giải khát, nghỉ ngơi... Thế nhưng, điều đáng nói là công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách như nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng lại không được bố trí trong khu vực trung tâm bãi tắm.

Bãi tắm Cửa Việt nhìn từ trên cao.
Năm 2014, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũ) đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng xây dựng công trình nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng trên diện tích gần 70m2. Tuy nhiên, do không còn quỹ đất trong khu trung tâm, công trình này buộc phải đặt ở khu vực phía Bắc bãi tắm, cách quán gần nhất khoảng 50m.
Khoảng cách xa, thiếu biển hướng dẫn, không thuận tiện trong sử dụng khiến nhà tắm, nhà vệ sinh này rơi vào tình cảnh vắng khách. Chưa đầy một mùa du lịch sau khi hoàn thành, công trình đã bị bỏ hoang, cửa đóng then cài. Năm 2024, công trình này được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhưng cho đến ngày 5/7/2025, vẫn chưa được bàn giao cho địa phương để đưa vào hoạt động.
Không có nhà vệ sinh công cộng, các hộ kinh doanh tự dựng nhà tắm, nhà vệ sinh trong khuôn viên quán của mình. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các công trình này đều không có hệ thống xử lý nước thải bài bản. Nước tắm tráng, nước sinh hoạt và thậm chí nước thải vệ sinh được xả trực tiếp ra bãi cát-nơi du khách vẫn ngồi ăn uống, nghỉ ngơi mỗi ngày.
Du khách bức xúc, chủ quán “lực bất tòng tâm”, chính quyền trăn trở
Trao đổi với chúng tôi, nhiều du khách không giấu được sự thất vọng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, du khách đến từ TP. Huế, chia sẻ: “Chúng tôi đến đây để tận hưởng không khí biển, nhưng thật sự khó chịu khi vừa ăn hải sản vừa thấy nước thải chảy lênh láng ra bãi cát. Dù biết các quán cũng cố gắng phục vụ nhưng cách xử lý nước thải như vậy thật sự mất vệ sinh và phản cảm, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách”.
Trong khi đó, một chủ quán kinh doanh tại bãi tắm (xin được giấu tên), cũng bày tỏ nỗi niềm: “Chúng tôi cũng muốn có hệ thống xử lý nước thải đàng hoàng lắm chứ, nhưng ở đây không có hạ tầng chung. Mỗi quán tự làm thì kinh phí lớn, lại không biết quy trình kỹ thuật. Chúng tôi chỉ biết làm tạm bợ rồi xả ra đó, cũng không muốn nhưng biết làm sao”.
Trước thực trạng này, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng rất trăn trở. Ông Trần Đình Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Việt, cho biết: “Trước đây, bãi tắm Cửa Việt do Ban Quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Gio Linh (cũ) quản lý. Từ ngày 1/7/2025, bãi tắm đã chuyển về cho xã quản lý. Diện tích bãi tắm không mở rộng nhưng khách ngày càng đông”.
Khi được hỏi về phương án quản lý trong thời gian tới, ông Cảm cho hay: “Sắp tới, xã sẽ giao phòng văn hóa rà soát, xây dựng quy chế để có phương án quản lý. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn triển khai các giải pháp cần thiết để vận hành bãi tắm có hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ du khách”.

Không chỉ nước thải, rác thải cũng được xả trực tiếp ra bãi cát.
Cần một tầm nhìn tổng thể và giải pháp đồng bộ
Thực trạng tại bãi tắm Cửa Việt cho thấy sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch, đầu tư và quản lý. Việc một công trình công cộng trị giá hàng tỉ đồng bị bỏ hoang, trong khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do xả thải tự phát là một sự lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Để bãi tắm Cửa Việt thực sự khai phá và phát huy hết tiềm năng, các cấp chính quyền cần có một tầm nhìn tổng thể và những giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần khẩn trương rà soát lại quy hoạch tổng thể bãi tắm, ưu tiên quỹ đất cho các công trình hạ tầng công cộng thiết yếu như nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn, có vị trí thuận lợi để phục vụ du khách. Có phương án khả thi để đưa công trình nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng 1,5 tỉ đồng vào sử dụng, có thể cải tạo, di dời hoặc xây dựng công trình mới nếu cần thiết, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và vị trí.
Về lâu dài, cần có quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải chung cho toàn bộ khu vực bãi tắm hoặc hỗ trợ các hộ kinh doanh xây dựng hệ thống xử lý cục bộ đạt chuẩn và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Song song đó, chính quyền xã Cửa Việt cần nhanh chóng hoàn thiện quy chế quản lý mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xả thải. Đồng thời, vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cả du khách và các hộ kinh doanh, hướng tới một bãi tắm văn minh, sạch đẹp.
Bãi tắm Cửa Việt có đầy đủ tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Quảng Trị. Tuy nhiên, nếu những bất cập về hạ tầng và vệ sinh môi trường không được giải quyết triệt để thì Cửa Việt khó có thể phát triển đúng với giá trị của mình và câu hỏi về sự “trưởng thành” của du lịch địa phương sẽ còn mãi bỏ ngỏ.