'Bãi tắm' tự phát ở Hồ Tây: Nguy hiểm rình rập
Mấy năm gần đây, cứ vào dịp hè, Hồ Tây lại trở thành một bể bơi công cộng đối với nhiều người dân, bất chấp những biển cảnh báo nguy hiểm và những 'dị vật' vẫn luôn ẩn dấu dưới lòng hồ.
Hà Nội có nhiều bể bơi, chỉ tính riêng khu vực Tây Hồ đã có hàng loạt các bể như Sao Mai, bể bơi khách sạn Tây Hồ, Thắng Lợi… Tuy nhiên, giá vé vào bơi ở các bể này dù rẻ cũng 50.000 - 70.000 đồng đối với người lớn và 30.000 - 35.000 đồng đối với trẻ nhỏ, trong khi mùa hè nắng nóng kéo dài vài tháng liền, nếu cứ đến bể bơi hàng ngày thì chi phí tiêu tốn cũng lên tới tiền triệu mỗi tháng. Chưa kể đến diện tích các bể bơi nhỏ nhưng lại luôn trong tình trạng đông nghịt người, nhất là vào các dịp nghỉ cuối tuần. Cái khó ló cái khôn, thay vì giải nhiệt tại các bể bơi, nhiều người đã rủ nhau đến bể bơi thiên nhiên cực lớn và “độc nhất vô nhị” đó chính là Hồ Tây.
Theo nhiều người dân sống gần Hồ Tây, đã từ nhiều năm nay, nơi đây trở thành tụ điểm bơi lội của người dân. Đến hẹn lại lên, cứ mùa hè đến người dân lại rủ nhau ra đây tắm, số lượng người đổ về đây mỗi lúc một đông, mặc dù có nhiều biển báo cấm nhưng người dân cũng chẳng thèm để ý. “Đây là bãi tắm tự phát có từ lâu nên có lẽ lực lượng chức năng cũng để mặc như vậy” - bác Nam (Phường Quảng An, Tây Hồ) cho biết.
Bỏ mặc các biển cấm, nhiều người vẫn vô tư bơi lội mà không hề đoái hoài gì đến những nguy hiểm rình rập.
Thời gian hoạt động của “bãi tắm” Hồ Tây từ 16 giờ đến 18 giờ hàng ngày, càng về chiều muộn, lượng người đổ về đây càng đông. Vỉa hè hai bên được tận dụng làm những bãi để xe miễn phí, thậm chí còn có những hàng quán di động được mở ra đến sát mép hồ để phục vụ người đến tắm. Không chỉ có xe máy, xe đạp thậm chí có cả những gia đình đưa ô tô chở cả nhà đến đây tắm. Nhìn qua, ai cũng tưởng đây là một “bãi tắm” được cấp phép hoạt động. Không chỉ có thanh niên, mà ngay cả những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, thậm chí có cả thú cưng cũng được dắt đi tắm cùng, khiến cho khung cảnh nơi đây luôn nhộn nhịp như một “bãi biển” thực thụ. Theo anh Hoàng Sỹ Hùng (Tây Hồ, Hà Nội), mặc dù nhà anh ngay đối diện bể bơi Sao Mai nhưng anh vẫn ra đây tắm vì không gian rộng, thoáng mát, tắm không mất phí lại được nô đùa thỏa thích.
Những nguy hiểm tiềm ẩn ở bãi tắm Hồ Tây không phải ai cũng để ý. Nhìn những chiếc phao tự chế như những miếng xốp nhỏ, can đựng nước, hay những chiếc săm xe máy cũ... nhiều người không khỏi lo lắng. Mặc cho những tấm biển cảnh báo nguy hiểm cấm tắm được đặt ngay trên bờ hồ, nhiều bậc phụ huynh vẫn dẫn theo con nhỏ đến đây tập bơi.
Trao đổi với phóng viên báo LĐTĐ, ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, phường không duy trì bất cứ bãi tắm nào ở Hồ Tây. Tại các khu vực cầu thang đi xuống hồ đều được cắm biển nhắc nhở người dân, CA Phường cũng thường xuyên ra quân để tuyên truyền nhắc nhở người dân không được vứt rác cũng như tắm hay bơi lội dưới lòng hồ. Tuy nhiên, mọi người vẫn đến tắm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở.
Một điều đáng bàn nữa đó là khi được hỏi, nhiều người đang tham gia tắm ở đây cho biết, dù không biết bơi nhưng chỉ tắm ở chỗ nông nên không sợ. “Mấy ngày gần đây, em cũng các bạn gần nhà cứ đến chiều chiều lại đạp xe ra đây tắm. Em chưa biết bơi nhưng vì nhiều người tắm, hồ lại không sâu nên em xuống nghịch nước” - Nguyễn Tuấn Minh (học sinh lớp 8 tại Tây Hồ) cho biết.
Dù đã bị nhắc nhở, đã được cảnh báo, thế nhưng dường như những người đến đây đều bỏ qua, ai cũng hăng say bơi lội, thậm chí không quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước. Đó là chưa kể, rất nhiều rác thải cũng như những vật dụng sinh hoạt bị ném xuống mặt hồ, không ai biết dưới mặt nước yên lặng kia có những “dị vật” gì đang ẩn náu.
Theo Tuấn Trần/Lao động Thủ đô
Theo
Link gốc: