Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào':Ký ức đau thương nhưng rất đỗi tự hào

Năm 1954, Việt Nam đã viết nên bản anh hùng ca chấn động địa cầu với 'Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử' (Hồ Chí Minh). Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Genève, giải phóng một nửa đất nước, giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Từ năm 1954, miền Bắc trở thành “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn” miền Nam. Trong khoảng 21 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội đã viết tiếp những trang sử rất đỗi tự hào! Và đó cũng là những năm tháng mà ký ức của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Hà Nội, không thể nào quên... Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những ký ức của chính mình khi đã trải qua, đã chứng kiến một số sự kiện trong những năm tháng đó.

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

1. Năm 2024, tròn 55 năm ngày Bác Hồ mãi mãi đi xa. Tôi nhớ như in những ký ức đau buồn của người Hà Nội vào sáng 2-9-1969 khi nghe tin Người bị trọng bệnh. Sáng hôm sau, ngày 3-9, Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin Bác Hồ qua đời. Hàng vạn người dân Thủ đô bàng hoàng, đau đớn, tiếc thương Người.

Ngay sáng hôm đó, tôi hòa cùng dòng người xếp hàng từ phố Phan Đình Phùng đi qua Hoàng Diệu, rẽ phải qua Hoàng Văn Thụ vào Hội trường Ba Đình viếng Bác. Cả hội trường xếp đầy ắp những vòng hoa tang có dải băng đen. Cảm xúc dâng trào trong tôi là nỗi đau thương vô hạn...

Dòng người lặng lẽ, từ từ hướng về hòm kính trong suốt đặt di hài của Người. Nước mắt tôi chảy dài trên má, những tiếng nấc nghẹn ngào xen tiếng khóc xé lòng của các thiếu niên, quyện mùi hương trầm lan tỏa; lời hát ngân trong nốt nhạc trầm hùng: “... Người thép gang, nhân dân đoàn kết hướng theo Người...”. Chúng tôi bước nhẹ đến linh cữu của Người. Bác nằm đó, hai tay đặt dọc theo thân, hai bàn tay bắt chéo trên bụng. Dưới chân là hòm kính đựng đôi dép cao su giản dị. Tôi muốn khắc sâu vào tâm khảm gương mặt xiết bao thân thương của Người: Vầng trán mênh mông, chòm râu thưa trắng bạc, đôi mắt khép lại như đang ngủ...

Cho đến hôm nay, sau 55 năm, tôi vẫn còn cảm nhận mùi trầm hương hôm viếng Bác phảng phất đâu đây... Lễ tang của Bác được tổ chức vô cùng trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Cả biển người của Thủ đô và các tỉnh, thành thành kính và trang nghiêm hướng về Người với lòng tiếc thương vô hạn. Xung quanh tôi là những tiếng nấc nghẹn ngào, những đôi mắt nhòa lệ...

Tôi còn nhớ mãi giọng của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã lay động cả triệu trái tim: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta...”. Khi đồng chí Lê Duẩn đọc xong mỗi lời thề, cả biển người - nước mắt tràn mi - đáp lại như sấm rền: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”...

2. Ký ức đau thương của Hà Nội những năm tháng ấy còn là sự mất mát to lớn do bom đạn của đế quốc Mỹ trút xuống mảnh đất ngàn năm. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ lần thứ nhất diễn ra từ năm 1964 và ngày càng khốc liệt.

Nhớ về những ngày ấy, đó là những năm tháng biết bao khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất tự hào! Trong đau thương, mất mát, Hà Nội càng cho thấy phẩm chất kiên cường. Ở Hà Nội - ban ngày, còi báo động rú, loa phóng thanh không ngừng: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 60 km...”. Khi đó, tất cả mọi người nhanh chóng xuống hầm trú ẩn dọc theo hè phố. Đêm đến, những tiếng gầm của “thần sấm”, “con ma”... làm rung chuyển bầu trời. Những tên lửa phòng không vẽ nên “rồng lửa” xé toang màn đêm. Tiếng gầm rít của máy bay, tiếng nổ của bom... làm rung chuyển mặt đất, gieo rắc chết chóc, đau thương...

Nhưng giữa bom rơi, đạn nổ, trước những cái chết đau thương, Thủ đô ta vẫn không hề nao núng. Các cô gái tự vệ “súng trên vai, sao vuông đầu mũ” ở trận địa tầng thượng các nhà cao tầng, nhằm vào máy bay địch “trút căm hờn”, chia lửa với pháo cao xạ, tên lửa phòng không của bộ đội chủ lực - như “pháo hoa” trên bầu trời đêm...

Phố Khâm Thiên sau trận ném bom ngày 27-12-1972 của Mỹ. Ảnh: Getty Images

Phố Khâm Thiên sau trận ném bom ngày 27-12-1972 của Mỹ. Ảnh: Getty Images

Ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Cuộc tập kích bằng B52 ném bom rải thảm vào Hà Nội, Hải Phòng thực sự là một cuộc ném bom “hủy diệt”! Riêng ở Hà Nội, người Mỹ đã sử dụng 444 lượt máy bay B52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật trút xuống hơn 10 nghìn tấn bom (tương đương với 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản). Các cuộc không kích đã hủy diệt nhiều khu phố đông dân cư (Khâm Thiên, An Dương...), Bệnh viện Bạch Mai, giết chết 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác.

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” này, ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Xác B52 rơi trên đường Hoàng Hoa Thám, ở làng Ngọc Hà giữa lòng Thủ đô. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kịp thời biểu dương: “Cả nước đang hướng về Hà Nội! Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội! Từng giờ từng phút Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các đồng chí phòng không bảo vệ Hà Nội”.

Khép lại quá khứ đau thương nhưng đầy hào hùng, 70 năm sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển mới, dẫu phía trước còn khó khăn, thách thức. Nhưng có niềm tin vững chắc rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ lại viết tiếp những “bản hùng ca Điện Biên”, lập nên những kỳ tích mới, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, phát triển và thu nhập cao, xứng đáng với niềm mong ước của Bác Hồ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-ky-uc-dau-thuong-nhung-rat-doi-tu-hao-673058.html