Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Sông Hồng và những nhịp cầu nối đôi bờ vui
Nếu tìm một biểu tượng gắn bó, thủy chung với đất và người Hà Nội từ thuở xa xưa đến nay, có lẽ không gì thay thế được sông Hồng.
Từ xa xưa, con sông đã tạo ra vùng đồng bằng châu thổ trù phú, gắn với "nền văn minh sông Hồng". Ngày nay, dù chưa thật nhiều nhưng những cây cầu đã nối liền đôi bờ sông Hồng, đưa các vùng đất Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh… một thời xa xôi đến gần hồ Gươm hơn bao giờ hết.
1. Nói về Hà Nội, đất Thăng Long - Kẻ Chợ, phải nhắc đến sông Hồng (sông Nhĩ Hà, Hồng Hà, sông Cái...) đều là những cái tên gắn liền với lịch sử vùng đất thiêng này. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 120km, bắt đầu từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì, sau khi uốn vòng lên phía Bắc bao quanh 2 xã Cổ Đô và Tản Hồng (cũng thuộc huyện Ba Vì) thì xuôi về phía Đông rồi hướng xuống phía Nam đến hết xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên là hết địa phận Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hà Nội, từng nói rằng: Hà Nội như chính con sông Hồng, luôn biến đổi và trường tồn với những vẻ đẹp riêng biệt qua năm tháng! Nói cách khác, sông Hồng là một phần không thể tách rời, là máu thịt, thậm chí là linh hồn của vùng đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Chính con sông này, như bầu sữa của “bà mẹ đất Việt” trong suốt hàng nghìn năm qua đã hun đúc nên lịch sử và diện mạo của Hà Nội hôm nay. Dưới dòng nước lặng lẽ trôi về xuôi để ra với biển lớn từ bao đời, sông Hồng là nhân chứng của những thăng trầm, nơi lưu dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc. Qua những biến đổi, sông Hồng vẫn luôn chung thủy, trầm mặc giữa vùng đất kinh kỳ, cho dù là mùa lũ hay mùa cạn. Nhưng trên bờ sông, cuộc sống và con người không ngừng đổi mới, phát triển.
Và hình ảnh những cầu phao, chuyến phà, con đò qua sông Hồng đang dần rơi vào dĩ vãng.
2. Hà Nội và sông Hồng ngày nay đã khác xưa nhiều về diện mạo. Long Biên lên quận năm 2003, Gia Lâm và Đông Anh cũng sắp sửa theo hành trình ấy.
Khái niệm “bên kia sông Hồng” ở Hà Nội gần như không còn. Hàng loạt khu đô thị mới hiện đại mọc lên bên bờ Bắc sông Hồng và phía Đông Hà Nội, sầm uất, tập nập... Đó là nhờ những cây cầu bắc ngang, nối liền đôi bờ sông Hồng ở Hà Nội. Bởi, nếu không có cầu giúp cho giao thông thuận tiện thì vẫn là “cách trở đò giang”, dù đứng bên này thấy bên kia; dù từ Gia Lâm, Long Biên về hồ Gươm gần hơn nhiều so với Hà Đông, Nam Từ Liêm….
Tính từ đầu đến cuối đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội, hiện có 8 cây cầu. Cầu Văn Lang (còn được gọi là cầu Việt Trì - Ba Vì) nối xã Phú Cường, huyện Ba Vì (Hà Nội) và phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cầu Vĩnh Thịnh nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong “nội đô” Hà Nội có những cây cầu: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy (cả 2 giai đoạn đã hoàn thành) và Thanh Trì. Theo thời gian, những cây cầu này đã đem lại sự thay đổi lớn cho đôi bờ sông Hồng, cả vùng Hà Nội và các tỉnh lân cận nói chung.
Trong số đó, lâu đời nhất là cầu Long Biên, được người Pháp khởi công xây dựng năm 1898, đưa vào sử dụng năm 1902 với tên gọi “cầu Paul Doumer”. Hơn 120 năm, soi bóng dưới dòng nước và nối liền đôi bờ sông Hồng, cầu Long Biên là một biểu tượng, là chứng nhân lịch sử, không thể không nhắc đến khi nói về sông Hồng - Hà Nội.
Chính tại đây, chiều tối 9-10-1954, những người lính Pháp cùng chiếc xe tăng cuối cùng rút hết qua cầu Long Biên, hướng về Hải Phòng, để kết thúc cuộc “viễn chinh” ở Đông Dương. Ngày hôm sau, 10-10-1954, các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong tiến vào tiếp quản Hà Nội giữa một rừng cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của người dân Thủ đô. Hà Nội hoàn toàn giải phóng, cùng cả nước kết thúc vẻ vang, oanh liệt cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ.
3. Khoảng 20 năm trước, “dự án sông Hồng” được nêu ra, với mong muốn phát triển Hà Nội như Thủ đô Seoul của Hàn Quốc; lấy sông Hồng làm trung tâm, phát triển hai bờ đồng bộ, hiện đai. Vì nhiều lý do, dự án không thành hiện thực. Sông Hàn (còn gọi là sông Hán) chảy qua Seoul chỉ dài khoảng 40km nhưng có tới 25 cây cầu; và sự phát triển của Seoul cùng câu chuyện “kỳ tích sông Hàn” được cả thế giới công nhận, ngưỡng mộ.
Hà Nội hôm nay có 120km sông Hồng chảy qua, nhưng mới có 8 cây cầu. Nếu tính “nội đô” thì trong khoảng 40km cũng chỉ có 6 cây cầu. Những con số có thể là khô khan nhưng để lý giải một điều: Phải đến khi có cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì thì phía Bắc sông Hồng, phía Đông Hà Nội mới phát triển được như ngày hôm nay, dù chưa như kỳ vọng. Điều đó đồng nghĩa, nếu có thêm những cây cầu, chắc Hà Nội sẽ có thêm những đổi thay lớn, và đôi bờ sông Hồng chắc chắn sẽ hiện đại, sầm uất hơn bây giờ. Đặc biệt là những cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Chương Dương sẽ không phải “oằn mình” vì quá tải, ùn tắc hằng ngày.
Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài những cây cầu hiện nay, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 9 cầu qua sông Hồng, gồm: Vân Phúc, Hồng Hà, Thượng Cát, Thăng Long mới, Tứ Liên, Mễ Sở, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Ngọc Hồi. Tính cả 8 cây cầu đang khai thác vận hành, đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tổng cộng 17 cây cầu qua sông Hồng.
Việc triển khai xây dựng những cây cầu qua sông Hồng trong thời gian tới không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, mà còn hướng đến đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế. Trong đó, khai phá tiềm năng quỹ đất cũng như phát triển đời sống người dân ở các vùng ven Hà Nội. Đó là điều mà ai cũng mong muốn sớm thành hiện thực.
4. Kế bên những phố xá đông đúc ồn ào, những tòa nhà cao tầng đủ sắc màu và giữa nhịp điệu hối hả của cuộc sống hiện đại, con sông Hồng mơ màng, uốn lượn theo bốn mùa. Sông Hồng mang phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ; và cũng mang trong dòng chảy của mình bao huyền tích, giai thoại, câu chuyện lịch sử của đất Thăng Long - Hà Nội từ nghìn xưa đến nay. Cả một hồ Tây mênh mang nên thơ, cho đến hồ Gươm linh thiêng đều do sông Hồng “sinh ra” sau những cuộc chuyển dòng trong lịch sử.
Nếu tìm một biểu tượng gắn bó, thủy chung với đất và người Hà Nội từ thuở xa xưa đến nay, có lẽ không gì thay thế được sông Hồng. Cùng sông Hồng, những cây cầu sẽ là nhân chứng lịch sử phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Những cây cầu nối liền đôi bờ, đem lại niềm vui, hạnh phúc thực sự cho người dân. Thử hình dung sông Hồng chảy qua giữa lòng một Hà Nội hiện đại với vài chục cây cầu nối liền đôi bờ. Một Hà Nội của thời kỳ mới, với những “niềm tin và hy vọng” mới, nhưng luôn chung thủy, sắt son với sông Hồng…
Đó chắc hẳn sẽ là kỳ tích sông Hồng!