Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào'Yêu Hà Nội từ cao nguyên xanh (kỳ 1)

Trong chuyến đi cùng đoàn nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội vào Lâm Đồng mới đây, tình cờ tôi gặp nhà thơ, nhà báo, đạo diễn phim tài liệu truyền hình Trần Ngọc Trác. Là một người con xứ Huế nhưng có nhiều năm gắn bó với vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng, ông có một tình yêu sâu nặng, thiết tha với mảnh đất và con người Hà Nội.

Bên tách cà phê, Trần Ngọc Trác mở đầu câu chuyện của mình: “Năm 1979, tôi tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp Huế và được phân công công tác tại Nông trường quốc doanh Hà Lâm, thuộc huyện Đạ Huoai (nay là huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng). Trong hơn 2 năm ở nông trường, ngoài công việc chuyên môn, tôi tích cực viết báo, làm thơ và được giải báo chí của tỉnh. Một ngày, lãnh đạo Báo Lâm Đồng về tận nông trường xin tôi về công tác tại Báo…”.

Phóng viên Trần Ngọc Trác (bên trái) của Đài Truyền thanh Khu Kinh tế mới Hà Nội trên cánh đồng lúa mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phóng viên Trần Ngọc Trác (bên trái) của Đài Truyền thanh Khu Kinh tế mới Hà Nội trên cánh đồng lúa mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 1982, anh phóng viên trẻ Trần Ngọc Trác tình nguyện về vùng Kinh tế mới (KTM) Hà Nội tại Lâm Đồng, làm công việc phóng viên, biên tập cho Đài Truyền thanh Khu KTM. Cuộc sống vùng KTM những năm tháng đó gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với chàng trai Trần Ngọc Trác thì nơi đây chính là “trường đại học lớn” của mình. Ở đó, anh đã có dịp tiếp xúc với hàng ngàn người Hà Nội. Trần Ngọc Trác kể: “Chỉ khi sống cùng họ, yêu quý họ, tôi mới hiểu được tình cảm của người Hà Nội chân thành đến cỡ nào”.

Năm 1984, Trần Ngọc Trác lần đầu tiên có chuyến đi Hà Nội để thăm gia đình người anh ruột của mình (nhà văn, nhà báo Trần Phương Trà, khi đó công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam) ở phố Lê Phụng Hiểu. Đêm đầu tiên ở Hà Nội, Trác cứ thao thức không ngủ được bởi tiếng còi xe, tiếng rao đêm và cả tiếng gió thổi từ sông Hồng.

Nhà thơ Quang Dũng và con gái Bùi Phương Hạ tại khu kinh tế mới, năm 1983. Ảnh: Trần Ngọc Trác.

Nhà thơ Quang Dũng và con gái Bùi Phương Hạ tại khu kinh tế mới, năm 1983. Ảnh: Trần Ngọc Trác.

Nhà thơ Trần Ngọc Trác cho biết: “Thời tôi học phổ thông cũng đã tiếp xúc chút ít với văn học miền Bắc. Dù chút ít nhưng với niềm đam mê văn chương cũng đủ làm tôi thích thú”. Ông bảo: “Tôi đã thầm ngưỡng mộ những áng văn chương tuyệt tác của những tác giả nổi tiếng như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm…”.

Ông nhà thơ năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi chậm rãi đọc cho tôi nghe một bài thơ. Bài thơ như càng hay hơn bởi nó được truyền cảm qua giọng Huế ngọt mềm như nước sông Hương vậy: “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xuân xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua/ Ngày nay ngày nay/ Chuyện đẹp qua đi/ Thời gian gấp ruổi/ Còn lại chúng ta/ Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Giữ trọn tình người cho đẹp”. Đọc xong, Trần Ngọc Trác hỏi vui: “Anh có biết tác giả là ai không?”. Dĩ nhiên là tôi biết bài thơ “Không đề” này của thi sĩ “xứ Đoài mây trắng” Quang Dũng. Trần Ngọc Trác cười vui và cho biết: “Thời điểm tôi làm phóng viên Đài Truyền thanh vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng thì cũng là dịp “nhà thơ Tây Tiến” vào đây. Dạo đó, Nam Ban và Lán Tranh được coi là trung tâm của vùng KTM Hà Nội mà”.

Tình cờ là gia đình của cặp vợ chồng trẻ Trần Ngọc Trác có cậu con trai 4 tuổi, lúc đó đang học lớp mẫu giáo của cô Bùi Phương Hạ. Cô Hạ tốt nghiệp Sư phạm mẫu giáo và được điều vào vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng để “thử thách”. Những lần đưa đón con, anh phóng viên trẻ nghe mọi người nói cô giáo Hạ chính là con gái lớn của nhà thơ Quang Dũng. Máu nhà báo nổi lên, Trần Ngọc Trác quyết định “tiếp cận” cô Hạ để rõ thực hư. Quả như mọi người nói, cô Hạ đúng là con gái nhà thơ Quang Dũng.

Trần Ngọc Trác kể tiếp: “Khi hai anh em thân nhau và coi nhau như anh em ruột thì cô Hạ cho hay nhà thơ Quang Dũng đang vào thăm con gái và ở lại Khu KTM”. Thật là mừng hết chỗ nói. Vốn ngưỡng mộ thi nhân xứ Đoài nên anh phóng viên trẻ rất mong được gặp nhà thơ Quang Dũng. “Hai thầy trò” mau chóng trở nên thân thiết, Trần Ngọc Trác luôn coi nhà thơ Quang Dũng là người thầy, là người cha. Trong một tác phẩm của mình, Trần Ngọc Trác đã viết: “Phải nói, nhà thơ Quang Dũng là một người hiền lành. Ông to cao như thế nhưng xem ra cũng nhút nhát. Ông sống đơn giản, thật thà và rất được mọi người ở đây quý mến”, hay như: “Nhưng bác Quang Dũng chỉ khoái món ngọn rau bí, rau lang luộc thôi. Thịt gà, thịt heo, thịt chó bác đều ăn được nhưng ăn rất ít”.

Nhà thơ Quang Dũng (bên trái) và con gái Bùi Phương Hạ (bên phải) ở Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (Nam Ban), năm 1982. Ảnh: Trần Ngọc Trác.

Nhà thơ Quang Dũng (bên trái) và con gái Bùi Phương Hạ (bên phải) ở Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (Nam Ban), năm 1982. Ảnh: Trần Ngọc Trác.

Đôi bạn thơ một già, một trẻ cứ “hở” ra là nói chuyện thơ và cả chuyện về Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến. Có lẽ những cuộc trò chuyện với nhà thơ Quang Dũng đã “giúp” Trần Ngọc Trác thêm hiểu Hà Nội và bồi đắp tình yêu Hà Nội trong ông. Thế rồi, Hà Nội trở thành một phần máu thịt của ông lúc nào không hay.

Năm 1988, Trần Ngọc Trác lại có dịp ra thăm Hà Nội. Lần đó, ông được anh trai chở xe đạp tới khu tập thể Nguyễn Công Trứ thăm nhà thơ Quang Dũng. Thật bất ngờ khi thấy “nhà thơ Tây tiến” vốn to cao như Tây ấy đang nằm trên chiếc giường drap trắng, thân người nhỏ lại, chỉ còn vầng trán vẫn đầy đặn, sáng ngời. Bà Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ, ghé tai chồng: “Có anh Trác ở Lâm Đồng ra thăm ông”. Thi nhân xứ Đoài thoáng nụ cười nhẹ, nơi khóe mắt khẽ lăn hai giọt nước.

Sau khi nhà thơ Quang Dũng mất, Trần Ngọc Trác thẫn thờ một thời gian. Ông bảo: “Những câu chuyện với nhà thơ Quang Dũng hồi ông vào khu KTM Hà Nội ở Lâm Đồng là những “bài giảng” cho tôi về thơ, thực sự là những “bài học” cho tôi thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội”.

Thế rồi, công việc của một phóng viên ở vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng đã đưa Trần Ngọc Trác đến với Hà Nội nhiều hơn và gần gũi hơn.

(Còn nữa)

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-yeu-ha-noi-tu-cao-nguyen-xanh-ky-1-674595.html