Bài 'Thánh ca' quen thuộc và âm nhạc Giáng sinh
Giáng sinh là dịp những người yêu nhạc đắm chìm trong những ca khúc bất hủ chứa đựng bao lời nguyện cầu về hạnh phúc nhân gian.
Cũng giống như lễ nhạc của những tôn giáo khác trên thế giới, nhạc Giáng sinh có một lịch sử phát triển dài lâu và mang trong mình sức sống của niềm tin tôn giáo và những nguyện cầu cho cuộc sống tốt lành hơn. Nội dung của nhạc Giáng sinh chủ yếu là dâng lời nguyện, lời chúc phúc lên đấng thần linh tối cao, với giai điệu sống động mà gần gũi, lan tỏa giữa người với người,
Theo cách hiểu thông thường hiện nay, người ta liên hệ chữ “thánh ca” với những bài hát lễ sử dụng trong nhà thờ Thiên Chúa giáo là chính, mà không dùng nó cho những bài hát lễ của các tôn giáo khác.
Điều này cũng có nguyên nhân, bởi vì theo các nhà sử học âm nhạc, các tín đồ Thiên Chúa giáo ngay từ buổi họp mặt làm lễ đầu tiên từ thời xa xưa lắm đã hát khi tụng kinh. Thí dụ họ đã hát thánh ca trước khi xuất phát đi núi Oliver. Đương nhiên ngày nay chúng ta không còn tìm ra được chút dấu vết gì của những giai điệu trong các thánh ca ấy, nhưng vẫn còn những chứng cứ trong văn học (do ông Forkel thu thập được trong quyển “Lịch sử âm nhạc” viết năm 1788) cho thấy sự tồn tại của lối hát thánh ca trong bốn thế kỷ đầu tiên của lịch Thiên Chúa. Người ta còn biết rằng Thánh Ambroise, giám mục xứ đạo Milan (Italy), từ năm 374 đến 379, đã đưa vào xứ đạo của ông một thứ tự các nghi lễ hàng năm của giáo hội. Bản thân thánh Ambroise cũng là một nhà thơ và là người sáng tác ra nhiều bài hát ngợi ca Đức Chúa Trời.
Đến cuối thế kỷ thứ VI (sau Công Nguyên), Đức Giáo Hoàng Gresgoire đã tiến hành một cuộc cải cách lớn trong thánh ca của nhà thờ Thiên Chúa giáo, thu thập và tinh lọc những giai điệu thánh ca đã có, sửa sang sáng tác thêm những bài ca mới, quy định rõ ràng cách thể hiện những bài thánh ca ấy, đặt nền móng cho một thứ tự các nghi lễ của nhà thờ, vừa phong phú, vừa thống nhất. Tất nhiên trải qua bao thế kỷ, những thánh ca từ thời cải cách của Đức Giáo Hoàng Gresgoire đến nay cũng đã có nhiều biến đổi, nhưng việc hát thánh ca trong các nghi lễ của Thiên Chúa Giáo đã trở thành một truyền thống được các tín đồ bảo tồn từ đời này sang đời khác.
Về nguyên tắc, thánh ca phải hát bằng tiếng Latinh. Nhưng trải qua nhiều thế kỷ, khi mà tiếng Latinh không còn thông dụng, giáo hội đã cho phép dịch thành tiếng bản xứ để thuận tiện cho giáo dân. Nhưng những bài hát sùng kính bằng tiếng bản xứ trong dịp lễ Giáng sinh vào đêm Giáng sinh ở các nhà thờ lớn thì đã xuất hiện ở Pháp sớm hơn, ngay từ thế kỷ IX. Những bài hát dùng trong dịp lễ Giáng sinh ngày càng nhiều thêm và được châm chước cho phép sử dụng trong nhà thờ, có thể nói đã trở thành một thể loại riêng, gọi là “bài hát Giáng sinh”, in riêng thành những tuyển tập.
Ở nước ta, theo những tài liệu được biết, các nhà truyền giáo Phương Tây đã truyền bá các bài thánh ca cho giáo dân Việt Nam từ những ngày đầu tiên truyền đạo, thoạt đầu bằng tiếng Latinh, sau đó đã được các giáo sĩ người Việt dịch sang tiếng Việt vào hồi đầu thế kỷ XX. Việc truyền bá thánh ca và lập những dàn kèn đồng giao cho dân các xứ đạo để phục vụ trong các dịp lễ lớn, diễu hành cũng như việc giảng dạy âm nhạc tại các trường công giáo (một số nhạc sĩ Việt Nam thế hệ đầu tiên như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lưu Quang Duyệt… đã học âm nhạc ở các trường Dòng), chính là một trong nhiều con đường đưa âm nhạc phương Tây thâm nhập vào nước ta, và cũng đã góp phần tác động vào sự hình thành của nền tân nhạc Việt Nam.
Những ca khúc Giáng sinh (ta quen gọi là Thánh ca) khá nhiều, nhưng cho đến nay ca khúc Giáng sinh được coi là kinh điển nhất la bài “Stille Nacht” (tiếng Đức), tiếng Anh là “Silent Night”, còn tiếng Việt được linh mục, nhạc sĩ Hải Linh (1920-1988) ở Sài Gòn dịch ra là “Đêm thánh vô cùng” rất phổ biến,và được xem là thành công hơn cả:
“Đêm thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với trời
Se chữ đồng…”
Đêm Giáng sinh 1818, lần đầu tiên ca khúc này được trình diễn tại nhà thờ Obendorf (ở Áo – quê của hai tác giả thơ và nhạc: Joseph Mohr và Frank Gruber). Nó nhanh chóng được lan tỏa không chỉ ở Áo mà cả châu Âu từ thời bấy giờ. Ngày nay giai điệu của nó ít nhiều có vài thay đổi so với bản gốc, nhưng đã được dịch ra 130 ngôn ngữ, kể cả những thổ ngữ ở châu Phi... Ca khúc này có vị trí quan trọng tới mức, tháng 3/2011, Tổ chức quốc tế UNESCO đã công nhận nó là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Ở Việt Nam, phố xá và con người từ hàng trăm năm nay vẫn rộn rã đón những mùa Giáng sinh tươi đẹp dù không có tuyết, không nhiều sương mù và giá lạnh.
Từ trước khi tiếng chuông giáo đường báo hiệu đêm Giáng sinh chưa vang lên, nhà nhà, người người dù theo hay không theo đạo Thiên Chúa, đã rộn rịp chuẩn bị cho một Giáng sinh an ấm của gia đình mình. Từ bao giờ, không khí Giáng sinh của người Việt cũng rộn rã không thua kém bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Đêm Giáng sinh, những bài Thánh ca nổi tiếng trên thế giới được dịch ra với lời Việt lại vang lên trong những ngôi nhà, những giáo đường và vang ngân ngay cả trên đường phố. Người ta nô nức ra đường, hòa vào nhịp điệu của những tiếng nhạc lời ca.
Trong những phòng trà bé nhỏ ấm áp hay những quán café đông đúc, những bài Thánh ca của người Việt, với nhạc điệu rất địa phương, gần gũi nhưng cũng sang trọng và lãng mạn, vang lên êm ả, ngọt ngào. Đó là những nhớ nhung, hoài niệm với khúc yêu đầu trong “Bài Thánh ca buồn” (Nguyễn Vũ), là tiếng chuông ngân vang những xúc cảm trần thế trong “Kinh cầu Giáng sinh” (Viết Chung) hay “Cao Cung lên” (Hoài Đức)… Không có nhiều ca khúc Giáng sinh do chính người Việt sáng tác, bởi ảnh hưởng của các ca khúc nước ngoài được dịch lời là quá lớn, nhưng nhiều người Việt đã bắt đầu nghe nhạc Việt, hát nhạc Việt trong “đêm thánh vô cùng”…
Một mùa Giáng sinh ấm áp, đông vui nữa lại đến. Với những người yêu nhạc, Giáng sinh là dịp họ đắm chìm trong những ca khúc bất hủ chứa đựng bao lời nguyện cầu về hạnh phúc nhân gian. “Đêm thánh vô cùng, rộn rã tưng bừng”, trong tiếng chuông ngân vang, những cây thông Giáng sinh muôn màu và hình ảnh những ông già Noel đi phát quà cho trẻ con luôn gợi lên những xúc cảm tưng bừng về một ngày lễ từ lâu đã trở thành ngày lễ chung của toàn nhân loại./.
Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa/am-nhac/bai-thanh-ca-quen-thuoc-va-am-nhac-giang-sinh-578929.vov