'Bài thi' của cha mẹ
Cánh cổng trường thi khép lại, những trang giấy đã lấp đầy nét chữ học trò. Thế nhưng, bên ngoài kia, một 'bài thi' khác vẫn đang âm thầm diễn ra trong tâm trí bao bậc phụ huynh.
Đó không phải là bài thi kiến thức, mà là bài thi đầy thử thách về tình thương, niềm tin và sự trưởng thành của con.

Phụ huynh trao đổi với con sau khi thi xong môn văn, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội (ảnh minh họa).
Bước vào mùa thi, tâm lý cha mẹ Việt thường là một hỗn hợp phức tạp khó giãi bày. Kỳ vọng áp đặt, dù xuất phát từ mong muốn tốt đẹp về một tương lai xán lạn với trường đại học hàng đầu, với bằng cấp danh giá, hay đơn giản là không thua kém bạn bè, lại thường vượt xa nguyện vọng và năng lực thực sự của đứa trẻ.
Và ẩn sâu bên trong, nỗi sợ thua thiệt luôn thường trực - sợ con mất cơ hội, sợ mình mất mặt, sợ một tương lai bấp bênh nếu cánh cửa đại học không rộng mở.
"Nếu không đỗ, coi như mọi thứ kết thúc". Đó là áp lực lớn nhất đối với rất nhiều học sinh hiện nay.
Nhiều phụ huynh vẫn tin rằng đại học, nhất là đại học hàng đầu, là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Cộng thêm là áp lực xã hội không nhỏ, khi thành tích của con cái thường bị đem ra làm thước đo so sánh.
Và không thể không nhắc đến sự thiếu thông tin hoặc định kiến về các lựa chọn nghề nghiệp đa dạng khác ngoài con đường đại học truyền thống, khiến nó trở thành mục tiêu duy nhất được coi là "an toàn" và "danh giá".
Vậy, cha mẹ cần làm gì để vượt qua chính "bài thi" của mình và thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho con?
Hãy nhìn kỳ thi như một "trạm dừng chân" quan trọng trên hành trình dài của đời người, chứ không phải là "ngã rẽ quyết định cả số phận". Hạnh phúc và thành công đích thực của một con người được xây đắp từ rất nhiều yếu tố: kỹ năng sống, sự kiên cường, khả năng thích nghi, đạo đức và cả những trải nghiệm, chứ không chỉ thu gọn trong điểm số hay tấm bằng.
Tiếp theo, hãy học cách xây dựng niềm tin và trao quyền tự chủ cho con. Đồng hành đích thực không đồng nghĩa với việc kèm cặp sát sao từng ly từng tí, càng không phải là áp đặt hay thay con chọn lối đi.
Tin tưởng vào nỗ lực và khả năng tự chịu trách nhiệm của con chính là món quà quý giá nhất. Hãy khuyến khích, lắng nghe ý kiến và tôn trọng lựa chọn của con về phương pháp học, về nguyện vọng, ngay cả khi nó không trùng khớp với kỳ vọng của cha mẹ.
Quan trọng hơn, hãy kiên định là chỗ dựa tinh thần vững chắc, luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và trấn an con bằng thông điệp rõ ràng: "Dù kết quả có thế nào, gia đình vẫn luôn ở đây, yêu thương và ủng hộ con".
"Bài thi" thực sự của các bậc phụ huynh không nằm ở điểm số trên giấy của con, mà nằm ở khả năng yêu thương vô điều kiện, tin tưởng vào bản lĩnh của con và can đảm buông bỏ những kỳ vọng áp đặt cùng nỗi sợ "mất mặt" vô hình.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/bai-thi-cua-cha-me-192250708201541058.htm