Bài thơ hòa bình 30/4: Quý cô Catherine Karnow ngày ấy, bây giờ
Cựu thù của chúng ta - người Mỹ - không phải ai cũng giống nhau nhưng những nhân vật với câu chuyện Việt Nam của mình mà tôi từng gặp hoặc nghe kể và có ý định điểm lại trong loạt bài này, thấy giống như bài thơ về sự hóa giải hận thù. Hóa giải hận thù- điều mà ta tưởng là khó nhất trên đời, 'khó hơn lên trời'. Và ngày thường ta không để tâm lắm cho đến khi 30/4 lại về.
5 năm trước, nhiếp ảnh gia Catherine Karnow đến Hà Nội bày triển lãm Việt Nam- 25 năm của một đất nước đang thay đổi. Sát giờ khai mạc, Ban tổ chức bố trí cho một số nhà báo gặp chính chủ, thế là tôi có mặt để làm phỏng vấn cho số báo 30/4.
NGÀY ẤY
Tôi tò mò về Catherine từ lâu, vì đại danh của người cha- Stanley Karnow, sử gia nổi tiếng, nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer. Từ mấy chục năm trước, xem bộ phim dài tập Việt Nam- thiên lịch sử truyền hình mà ông là tác giả văn học, đã quá ấn tượng rồi, sau đó đọc các thứ về ông, kể cả các sách về Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn luôn thấy nhân vật Stanley Karnow-ông là bạn và đồng nghiệp thân thiết của Tướng Ẩn.
Tôi lại cũng từng chứng kiến Catherine trôi trong dòng người ở phố Hoàng Diệu vào tháng 10/2013, trông chất lừ: rất nghệ sĩ cũng rất phóng viên. Trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó, có người giương cao bức ảnh Đại tướng tên là Ngọn núi lửa phủ tuyết cực kỳ nổi tiếng, từng lên bìa tạp chí Time. Hẳn họ không biết tác giả ảnh đang đứng ngay kia: Catherine Karnow. Và không biết rằng Tướng Giáp đâu chỉ là một nhân vật trong các bức ảnh và bài báo của cha con nhà Karnow. Họ thân thiết hơn nhiều. Người con cả Võ Điện Biên kể: Từ lâu, đại gia đình cư ngụ ở 30 Hoàng Diệu này luôn coi Catherine là người trong nhà.
Ở cuộc phỏng vấn 5 năm trước tại Art Vietnam 24 Lý Quốc Sư Hà Nội, câu hỏi đầu tiên của tôi là về người cha, lập tức khiến người con gái rơi lệ. Ông mất vào tháng 1/2013. Hai cha con cực kỳ thân thiết. Nhưng tôi cũng hơi bất ngờ khi thấy nhân vật của mình cứ chấm nước mắt liên tục, khiến cuộc trò chuyện (có các nhà báo khác ngồi đó chứng kiến) lặng đi một lúc.
Hôm đó có lúc tôi lựa lời đính chính một thông tin bên dưới bức ảnh chụp nhà văn Bảo Ninh. Ảnh chú thích rằng anh không bao giờ viết gì sau Nỗi buồn chiến tranh nữa, hoàn toàn ở ẩn và đoạn tuyệt văn chương. Tôi cho biết Bảo Ninh in nhiều truyện ngắn và tạp văn sau Nỗi buồn chiến tranh, chỉ là chưa in tiểu thuyết thứ hai mà thôi; truyện ngắn Bảo Ninh rất hay. Bà nói Ok, vậy sao?
Người con gái giống cha này từng kể với tôi về người cha đặc biệt, ảnh hưởng sâu sắc đến mình. Ông luôn sẵn lòng tiếp chuyện các nhà báo trẻ muốn nghe lời khuyên của mình. Lắng nghe câu chuyện của tất cả mọi người. Thích đặt câu hỏi như “anh từ đâu đến”, “câu chuyện của anh như thế nào”,“anh có gì muốn kể với tôi”... “Nói chung, cha tôi là một quý ông rộng lượng”.
Còn tôi viết con gái của Stanley Karnow “giống cha” vì tôi thấy người này cũng là một quý cô rộng lượng từ tâm.
BÂY GIỜ
Bẵng đi mấy năm, thỉnh thoảng vẫn đọc bài về “người đã gặp” Catherine Karnow, người sang trọng ở tạp chí National Geographic danh giá. Gần đây nhất, tháng Tư này thì xem chương trình Talk Vietnam của VTV4 mà Catherine Karnow là nhân vật chính. Vẫn đôi mắt mọng nước đầy trắc ẩn đó. Vẫn những lời giản dị sâu sắc về cuộc đời, về con người, hoặc về chữ “duyên” với Việt Nam. Khiến không thể rời mắt.
Người này lạ lắm, thích giữ mối liên hệ mật thiết với nhân vật của mình cho dù đó là một phụ nữ tình cờ gặp trên tàu Thống Nhất hay trên đường phố Hà Nội, hoặc một gia đình nạn nhân da cam ở Quảng Ngãi. “Tôi đến thăm họ bất cứ khi nào có thể”. Luôn hỏi họ cần gì, tôi có thể giúp gì- nếu đó là các nạn nhân chiến tranh.
Nhà báo vĩ đại Stanley Karnow qua đời tại Potomac, Maryland, Mỹ khi con gái đang ở TPHCM. “Tôi nhận ra rằng số phận sắp đặt tôi ở Việt Nam đúng lúc đó chứ không phải đâu khác, một mình yên lặng để suy nghĩ và cảm nhận về khoảnh khắc đó”- Catherine nói vậy bởi bà tự hào là mình đã tiếp bước cha trong sự hiểu biết và gắn bó với đất nước Việt Nam.
Không chỉ nổi tiếng với tư cách nhiếp ảnh gia chụp nhiều về Việt Nam, Catherine còn lên lớp, tổ chức nhiều khóa học nhiếp ảnh và khóa học về Việt Nam cho những người nước ngoài quan tâm, đưa họ đến đây, muốn họ cảm nhận được những điều mà bà cảm nhận. “Cảm giác Việt Nam giang rộng tay đón tôi vào lòng khi tôi ở đây vậy. Đây chính là nhà, không theo nghĩa tôi sẽ chuyển đến sống mà là nơi tôi thuộc về”- Catherine bộc bạch trong Talk Vietnam.
MỘT QUÝ CÔ THỰC SỰ
Lần gặp đó, năm 2015 ở phố cổ Hà Nội và bây giờ, tôi ngồi quan sát con người này mà không khỏi so sánh với những hình ảnh rực rỡ thời trẻ, nhất là bức ảnh đẹp ngồi bên Tướng Giáp vào thập kỷ 90 thế kỉ trước. Thấy đúng là thời gian đã lấy đi quá nhiều của người phụ nữ này, “mười phần xuân có gầy năm sáu phần” (chứ không phải ba bốn). Nhưng vẻ đẹp tinh thần, ánh sáng nội tâm thì không hề chìm khuất. Càng hoài niệm, chia sẻ những câu chuyện riêng chung, càng bừng sáng.
Chúng ta sống trong một thế giới mà hình dong ngoại diện là điều tối quan trọng, thậm chí là tất cả - “khuôn mặt đẹp là chìa khóa để mở tất cả các cánh cửa đóng”. Thế khi tuổi trẻ, thời hoàng kim qua đi, thì sao? Nhiều người thời trẻ lung linh nhưng về già nom như biếm họa. Từ 5 năm trước tôi đã nghĩ, giả dụ phải chọn giữa hai loại người: một là những phụ nữ như Catherine, từng trẻ đẹp song đã qua thời xuân sắc, hai là những phụ nữ không có gì ngoài sắc đẹp và tuổi trẻ, thì đàn ông liệu có bối rối? Nếu là họ, tôi thích an hưởng cuộc đời với một người tốt, đời sống tinh thần phong phú, dù ngoại hình của họ có phôi pha thế nào theo thời gian.
“Khi gặp các nạn nhân da cam, tôi luôn nghĩ mình phải chụp họ bằng nhân phẩm và sự nhân đạo”- Catherine Karnow nói. Đời làm báo chúng ta, gặp gỡ bao người, đâu phải ai cũng đọng lại. Trên đường đời mỏi mệt càng như vậy. Ca từ của Phú Quang: “Có những khi về qua phố, phố chói chang không thấy mặt trời/Có những khi về qua phố, phố quá đông không thấy mặt người”. Còn nhân vật như Catherine Karnow theo tôi chính là hiện thân của nhân phẩm và lòng nhân đạo, cả trong tư cách phụ nữ lẫn tư cách nhà báo. Một quý bà, quý cô từ tâm rộng lượng sâu sắc, hiểu rất rõ điều gì là quan trọng trong cõi đời phù du này.
Về đất nước “luôn giang rộng tay đón tôi vào lòng”, Catherine hơn một lần “lạ lùng”: sao mình lại nhận được nhiều thế. Nhưng rồi quý cô này cũng cắt nghĩa được nguyên do, mà một phần trong đó là: “Người Việt rất yêu nước. Cho nên họ rất trân trọng tình cảm tôi dành cho Việt Nam”.
(còn nữa)