'Bài toán' cần giải trước thềm năm học mới

Năm học mới 2024-2025 đã cận kề, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành Giáo dục tỉnh ta cũng đối mặt không ít khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ nhằm từng bước nâng cao chất lượng “trồng người”.

Những khó khăn được nhận diện rõ đó là, ngay trước thềm năm học mới vẫn còn 54,4% trường học có nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; nhiều giáo viên được đánh giá năng lực không đạt; điểm trung bình các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố; cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục còn thiếu, chưa đạt chuẩn; toàn tỉnh có nhu cầu bổ sung gần 3 nghìn giáo viên, nhưng nguồn tuyển rất hạn chế; việc tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh và giáo viên chưa hiệu quả...

Lớp học tiếng Anh "0 đồng" tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ. Ảnh: Viên Sự

Lớp học tiếng Anh "0 đồng" tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ. Ảnh: Viên Sự

Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục có 17.689 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trình độ đội ngũ giáo viên không ngừng nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó: Tiến sỹ 1 người, chiếm 0,006%; thạc sỹ 286 người, chiếm 1,6%; đại học 14.165 người, chiếm 80%; cao đẳng 1.554 người, chiếm 8,8%; trung cấp 1.338 người, chiếm 7,57%... Công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả; chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; số lượng giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn so với quy định ngày càng tăng.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên chưa được cải thiện. Từ năm 2020 đến nay, các huyện, thành phố, Sở Giáo dục chỉ tuyển dụng được 951 người. Năm học 2023-2024, cả tỉnh chỉ hợp đồng được 720 giáo viên, đạt 26,81% chỉ tiêu, nguyên nhân do không có người đến hợp đồng, chưa thu hút được sinh viên tốt nghiệp đăng ký dự tuyển làm giáo viên hợp đồng. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là môn tiếng Anh, Tin học, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục bố trí biệt phái giáo viên tham gia giảng dạy liên trường, liên cấp, dạy vượt định mức theo quy định; thực hiện dồn lớp; dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; dạy trực tuyến qua lớp học ảo… nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế, về lâu dài cần thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, sáp nhập, dồn ghép điểm trường, xây dựng cụm điểm trường, xóa bỏ lớp ghép và chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường về trường chính.

Một khó khăn nữa cần giải quyết đó là vấn đề cơ sở vật chất. Theo thống kê của ngành Giáo dục, đến thời điểm hiện tại, bậc học Mầm non cần đầu tư bổ sung 194 phòng; Tiểu học còn 189 phòng học tạm; THCS còn 5 phòng học tạm... Tổng nhu cầu cần đầu tư bổ sung của các trường phổ thông là 1.226 phòng học. Bên cạnh đó, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng lưu trú học sinh, hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh (còn thiếu khoảng 500 nhà vệ sinh)... Tại một số trường, các công trình được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp không đáp ứng nhu cầu, cần cải tạo, thay thế. Diện tích đất của một số trường chưa đáp ứng yêu cầu khi chuyển học sinh từ điểm trường về, có trường không còn quỹ đất để mở rộng nhà lưu trú, bếp ăn, nhà vệ sinh, bể nước.

Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII, sau khi xem xét việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2024, các đại biểu chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, như: Công tác xây dựng và công nhận trường chuẩn quốc gia còn chậm, chất lượng một số trường chưa đáp ứng yêu cầu. Còn 367 trường và điểm trường đang sử dụng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 91 điểm trường không còn học sinh nhưng chưa bàn giao cho nhà nước quản lý. Chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đồng đều giữa các địa phương, cơ sở giáo dục; việc duy trì sĩ số học sinh đi học chuyên cần tại một số xã chưa cao, còn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng, chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng. Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II chưa thực hiện được; việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên còn chậm, chưa có sự thống nhất về cách tính giữa các trường, huyện và tỉnh. Một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật...

Mới đây, trong phiên họp quý II Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, trước những khó khăn của ngành Giáo dục và yêu cầu cấp thiết đặt ra cho năm học mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn gợi mở: Ngành Giáo dục cần nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo và tỉnh xây dựng đề án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng phương pháp dạy và học trực tuyến; thống nhất trong toàn tỉnh việc chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên; thực hiện công khai, minh bạch công tác luân chuyển cán bộ; nghiên cứu phương án xây dựng cụm trường liên xã, cụm điểm trường liên thôn.

Những khó khăn của sự nghiệp “trồng người” đã được chỉ rõ. Tuy nhiên, giải “bài toán” về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo... một mình ngành Giáo dục không thể làm được. Rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, kiên trì, bền bỉ, từng bước hóa giải để những khó khăn dần được đẩy lùi, tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục tỉnh nhà “cất cánh”.

Thiên Thanh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/bai-toan-can-giai-truoc-them-nam-hoc-moi-97d6bce/