Bài toán cân não của start-up: Tự xây xưởng hay làm OEM

Với các start-up tập trung vào sản xuất, việc lựa chọn giữa tự xây xưởng và hợp tác gia công (OEM) luôn là bài toán lớn, thậm chí có thể quyết định sự thành bại của chính start-up.

Ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập thương hiệu Dh Foods chia sẻ, khi bắt đầu khởi nghiệp, Dh Foods lựa chọn phương án làm OEM, tức hợp tác với các đối tác gia công để sản xuất sản phẩm theo công thức riêng. Đây là phương án tối ưu trong giai đoạn đầu, khi vốn mỏng, nhân lực hạn chế và sản phẩm chưa được thị trường kiểm chứng.

Tuy nhiên, làm OEM không đơn giản là đặt hàng - nhận sản phẩm. Ông Dũng cảnh báo, khi doanh số còn nhỏ, các bên hợp tác thường vui vẻ, nhưng khi đơn hàng tăng mạnh, thì rủi ro cũng xuất hiện. Có trường hợp, đối tác gia công chính là người “quay lưng”, dùng công thức của Dh Foods để gắn thương hiệu riêng, rồi tiếp cận chính khách hàng của doanh nghiệp, thậm chí kèm lời chào mời: “Tôi là người sản xuất cho Dh Foods và tôi làm rẻ hơn”.

Với kinh nghiệm của mình, nhà sáng lập Dh Foods cho rằng, lựa chọn OEM vẫn là con đường phù hợp nếu start-up tìm được đối tác đủ năng lực và có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. “Hợp đồng cần đàm phán kỹ, nhất là các điều khoản liên quan đến việc đối tác sản xuất sản phẩm cho đối thủ cạnh tranh hoặc tự phát triển thương hiệu riêng từ công thức của mình”, ông Dũng nhấn mạnh.

Để hạn chế rủi ro, Dh Foods ưu tiên đàm phán gia công độc quyền và luôn chú trọng bảo vệ thương hiệu, vùng nguyên liệu và xây dựng chuỗi cung ứng riêng. Tuy vậy, ở những mảng chưa đủ lợi thế, doanh nghiệp vẫn linh hoạt tìm kiếm và mở rộng hợp tác gia công, coi đây là cách tận dụng nguồn lực bên ngoài để phát triển sản phẩm mới mà không bị áp lực đầu tư hạ tầng sản xuất.

Từ bài học thực tế của bản thân, ông Dũng cho rằng, OEM là phương án phù hợp cho các start-up khi nguồn lực còn hạn chế, nhưng không phải “con đường an toàn” tuyệt đối. Rủi ro luôn hiện hữu nếu start-up không quản trị tốt hợp đồng, mối quan hệ với đối tác, cũng như chiến lược bảo vệ thương hiệu. Việc chọn đúng đối tác uy tín, giữ chữ tín và tôn trọng hợp đồng là yếu tố quyết định, đảm bảo cả bên gia công và bên đặt gia công đều cùng phát triển.

“Tự sản xuất hay OEM đều có cái giá của nó. Nhưng nếu kiểm soát tốt rủi ro và có chiến lược rõ ràng, start-up không chỉ tồn tại, mà còn có thể phát triển bền vững”, nhà sáng lập Dh Foods kết luận.

Đức Thọ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bai-toan-can-nao-cua-start-up-tu-xay-xuong-hay-lam-oem-d338653.html