Bài toán đội trưởng ở U23 Việt Nam

U23 Việt Nam có lực lượng đồng đều, khi những cầu thủ mang tố chất lãnh đạo đều xuất hiện ở cả 3 tuyến, nhưng điều này cũng gây khó cho HLV Park trong việc chọn ban cán sự.

Có 6 cầu thủ khác nhau đã mang băng đội trưởng U23 Việt Nam qua 4 trận giao hữu từ năm 2020, trong số này có đủ cả tiền đạo, tiền vệ và hậu vệ.

Ở trận giao hữu lượt đi giữa U23 Việt Nam và tuyển quốc gia hôm 23/12, tiền đạo Nguyễn Trần Việt Cường là đội trưởng theo danh sách đăng ký, trước khi rời sân nhường tấm băng thủ quân cho Mai Xuân Quyết.

Trong trận giao hữu lượt về hôm 27/12, Nhâm Mạnh Dũng mang băng đội trưởng trong hiệp một, Nguyễn Trần Việt Cường nhận trọng trách này trong hiệp 2. Gần 1 năm sau, tấm băng đội trưởng được chuyển giao cho các vị trí tuyến dưới.

 Tiền đạo Nguyễn Trần Việt Cường (số 9) có 2 lần mang băng đội trưởng U23 Việt Nam ở dịp giao hữu với tuyển quốc gia cuối năm 2020.

Tiền đạo Nguyễn Trần Việt Cường (số 9) có 2 lần mang băng đội trưởng U23 Việt Nam ở dịp giao hữu với tuyển quốc gia cuối năm 2020.

Tại trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và Tajikistan hôm 12/10, trung vệ Đặng Văn Tới và Trần Văn Công thay nhau mang băng đội trưởng. Trước khi lên U23, Văn Tới đã có nhiều năm làm đội trưởng các đội trẻ CLB Hà Nội và U19 Việt Nam.

Ở trận đấu với U23 Kyrgyzstan, các đội trưởng trong 2 hiệp đấu của U23 Việt Nam là Lý Công Hoàng Anh và Đặng Văn Tới.

4 trận giao hữu xuyên suốt quá trình chuẩn bị dài hơi của U23 Việt Nam đều có thắng, hòa, thua. Kết quả về mặt tỷ số không phải điều quá quan trọng với ban huấn luyện, nhưng nó giúp huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo và các cộng sự có cái nhìn đa chiều hơn về những gì mình có trong tay.

6 cầu thủ trải đều ở 3 tuyến thay nhau mang băng đội trưởng nghĩa là U23 Việt Nam sở hữu lực lượng đồng đều khi có nhiều tiền đạo, tiền vệ và hậu vệ giỏi cả về chuyên môn lẫn cá tính mạnh mẽ cần thiết để vực dậy tinh thần đồng đội.

Điều này thường bộc lộ rõ vào từng thời điểm cụ thể trong trận đấu. Cầu thủ có tiếng nói sẽ tạo sự liên kết mạnh mẽ với những đồng đội thi đấu cùng tuyến với mình để phục vụ cho từng mục tiêu.

Nhưng người đội trưởng lại mang trọng trách lớn hơn, là tạo sự liên kết chặt chẽ trong lối chơi giữa các tuyến, có thể hô hào, nhắc nhở tất cả đồng đội trong việc di chuyển, chạy chỗ để phục vụ lối chơi tập thể. Vai trò của đội trưởng cũng là kết nối tinh thần, cảm xúc của cả đội, cầu nối giữa đội bóng với HLV.

Việc để 6 người thay nhau mang băng đội trưởng nghĩa là U23 Việt Nam chưa chọn ra thủ lĩnh thực sự. Trong nhiều giải đấu cấp tuyển trước đây, ban huấn luyện thường chọn ban cán sự sớm trước mỗi giải đấu, nhưng đây là điều chưa xuất hiện ở U23 Việt Nam khi vòng loại châu Á 2022 chỉ còn vài ngày là diễn ra.

3 đội trưởng trong 2 trận giao hữu gần nhất của U23 Việt Nam là Văn Tới, Văn Công và Hoàng Anh cùng sinh năm 1999, từng ăn tập cùng nhau tại hệ thống đào tạo trẻ, là những cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội hình hiện tại.

Văn Tới có nhiều lần làm đội trưởng U19 Việt Nam, được nhiều HLV đánh giá có tố chất thủ lĩnh. Nhưng Văn Công, Hoàng Anh lại là trụ cột của đội bóng Hà Tĩnh và đã đá trên dưới 24 trận trận trong 2 mùa V.League gần nhất. Ai cũng xứng đáng, nhưng U23 Việt Nam chỉ có thể có một đội trưởng.

Thủ môn U22 Việt Nam chưa dám mơ sẽ thành công như Bùi Tiến Dũng Thủ môn Trịnh Xuân Hoàng đặt ra những mục tiêu riêng trước thềm vòng loại U23 châu Á 2022 chứ chưa nghĩ đến việc thành công như người đàn anh Bùi Tiến Dũng.

Bảo Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-toan-doi-truong-o-u23-viet-nam-post1272842.html