Bài toán khó

Theo dự báo, vấn đề già hóa của Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng trong thập kỷ tới.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Theo dự báo, vấn đề già hóa của Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng trong thập kỷ tới. Cụ thể, quốc gia này sẽ ghi nhận số lượng công dân trên 60 tuổi tăng trung bình 10 triệu người mỗi năm. Tình trạng này gây thêm căng thẳng cho quỹ hưu trí nhà nước, cơ sở chăm sóc người già và dịch vụ y tế.

Theo Phó Chủ tịch Đại học Nhân dân Trung Quốc Du Peng, số lượng người cao tuổi sẽ đạt 520 triệu vào năm 2050, tương đương 37,8% dân số. Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc có 209,78 triệu người trên 65 tuổi vào năm ngoái, chiếm 14,9% dân số.

Con số này tăng từ 200 triệu vào năm 2021. “Thập kỷ tới kể từ bây giờ là thời điểm quan trọng nhất để Trung Quốc tích cực ứng phó với tình trạng dân số già đi”, ông Du cho biết.

Trước đó, Trung Quốc đã thừa nhận gặp nhiều thách thức về nhân khẩu học, bao gồm tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa nhanh. Quốc gia này cũng cam kết “phát triển dân số chất lượng cao”. Song, tới nay, các biện pháp cụ thể vẫn chưa được đưa ra.

Trung Quốc đang phải vật lộn để lấy lại động lực kinh tế, trong bối cảnh lợi thế về nhân khẩu học đang biến mất. Hiện, dân số già hóa và áp lực lương hưu ngày càng tăng làm phức tạp thêm các nỗ lực phục hồi. Lương hưu lần đầu tiên trở thành nguồn thu nhập chính cho dân số cao tuổi của Trung Quốc vào năm 2020.

Vào đầu năm 2022, Trung Quốc xác nhận sẽ dần đẩy lùi tuổi nghỉ hưu bắt buộc trong những năm tới. Tuy nhiên, quốc gia này chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể. Nhiều người dự đoán, quỹ hưu trí đô thị - xương sống của hệ thống lương hưu nhà nước, có nguy cơ cạn kiệt vào năm 2035. Lý do là bởi, lực lượng lao động sẵn có ngày càng giảm, trong khi khoảng cách giữa đóng góp và chi tiêu tăng lên.

Ông Du dự đoán, năm 2030, Trung Quốc sẽ có dân số già bằng tổng dân số của tất cả các nước phát triển cộng lại. Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia ước tính, Trung Quốc sẽ có 402 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2040. Năm ngoái, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau 6 thập kỷ, với tỷ lệ sinh quốc gia giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Lần cuối cùng dân số Trung Quốc giảm so với năm trước đó là vào năm 1961. Thời điểm đó, quốc gia này trải qua nạn đói. Tuy nhiên, đó là sự suy giảm dân số tạm thời.

Hiện tại, sự suy giảm được dự báo kéo dài, khó có thể đảo ngược và là hệ quả của “chính sách một con” kìm hãm đà sinh trong suốt hơn 3 thập kỷ. Theo các nhà phân tích, dựa trên kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác nhau, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động sâu rộng của tình hình nhân khẩu học này.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đến năm 2030, cứ sáu người trên thế giới thì có một người trên 60 tuổi. Trong khi đó, 2,1 tỷ người trên toàn thế giới sẽ ở độ tuổi trên 60 vào năm 2050. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, năm ngoái, 29,1% dân số Nhật Bản ở độ tuổi trên 65. Con số này là 17% ở Mỹ và Hàn Quốc, 7% ở Ấn Độ.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc tích hợp bảo hiểm hưu trí tư nhân, tăng cường bảo hiểm y tế và hoàn thiện các khuôn khổ chăm sóc người cao tuổi.

Theo Bộ Nội vụ nước này, chỉ có 5,04 triệu giường chăm sóc người cao tuổi vào cuối năm 2021. Do đó, Trung Quốc được khuyến khích nên thực hiện một hệ thống hưu trí linh hoạt, bắt đầu với những ngành nghề đang có nhu cầu cao, như giáo viên và bác sĩ.

Người cao tuổi cũng có thể giúp giải quyết tình trạng dân số trẻ ngày càng giảm của Trung Quốc bằng cách tạo ra các cộng đồng kết hợp người già với trẻ nhỏ. Từ đó, giúp đỡ thế hệ trẻ đang quá tải trong việc nuôi dạy con.

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-toan-kho-post651144.html