Bài toán khó từ việc đưa sách lên vùng cao

Những cuốn sách trong Thư viện Container sẽ góp phần 'gieo mầm tri thức' cho các em nhỏ vùng cao nhờ sự chung tay của nhiều cá nhân, tập thể và doanh nhân…

Là người luôn đau đáu với những hoạt động xã hội và cam kết trong việc đóng góp cho giáo dục, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, ông Lê Anh Tú - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) cho biết, Ban CSR (Trách nhiệm đối với xã hội) của YBA vẫn tiếp tục triển khai chương trình Thư viện Container tới các điểm trường vùng sâu, vùng xa.

Tình nguyện viên phân loại sách trong chương trình Thư viện Container

Tình nguyện viên phân loại sách trong chương trình Thư viện Container

Trao tặng 11 thư viện

Thư viện Container là không gian của một ngôi nhà tri thức giúp tạo môi trường lành mạnh cho học sinh vui học, hình thành văn hóa đọc sách ngay từ nhỏ, đồng thời lan tỏa giá trị và tầm quan trọng của việc đọc sách cho cộng đồng. Việc gieo mầm tri thức ở vùng cao sẽ tạo ra cơ hội mới cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến nay Thư viện Container đã trao tặng 11 thư viện tại các điểm trường thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, kỳ vọng lan tỏa đến các tỉnh, thành trên cả nước. Bởi đây là mô hình đã được thiết kế, xây dựng theo mô đun chuẩn từ hình thức đến nội dung, linh hoạt trong việc vận chuyển, lắp đặt ở mọi địa hình, thời gian lắp đặt chỉ từ 10-15 ngày.

Theo ông Lê Anh Tú, khó khăn lớn nhất là việc vận động các đơn vị đối ứng của địa phương, bởi các đơn vị này thường mong muốn trao tặng thư viện ở những nơi trung tâm. Đại diện YBA bày tỏ mong muốn được lan tỏa mô hình Thư viện Container tại các địa phương phía Bắc, nhất là các tỉnh - thành bị ảnh hưởng bởi bão Yagi vừa qua.

“Nếu như kết hợp được với hội doanh nghiệp, những mạnh thường quân của tỉnh, huyện ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai như vừa qua, YBA rất sẵn sàng cùng xây dựng Thư viện Container phù hợp để góp chung tay góp phần mang đến những giá trị bền vững cho cộng đồng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa của tổ quốc”, ông Tú chia sẻ.

Bà Trần Thị Hoài Thu - Đội trưởng Đội Thanh niên tình nguyện sông Mã và đội ngũ tình nguyện viên mang màu áo xanh đã gắn bó với những cung đường hiểm trở để đưa thư viện sách đến với các điểm trường ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được hơn 7 năm, cho biết đơn vị của chị không chỉ nói về ý nghĩa dài hạn của thư viện mà còn nhấn mạnh về “tinh thần cội rễ” bao gồm văn hóa, ngôn ngữ và tri thức bản địa. Đó là những thứ cần được hiểu biết và tôn trọng của một cộng đồng địa phương.

“Chúng tôi muốn những đứa trẻ người Mông chạy băng băng trên những con dốc, lanh lẹ nhảy qua khe suối ấy sẽ mạnh mẽ trưởng thành và không phải lớn lên nhút nhát và tự ti vì mình là dân tộc thiểu số. Mọi sự thay đổi phải bắt nguồn từ gốc rễ, từ nhận thức. Đọc sách là cách bền vững nhất để mỗi đứa trẻ sinh ra từ vùng núi cao thay đổi”, bà Trần Thị Hoài Thu tâm sự.

Bà Thu cũng cho biết điểm khác biệt của thư viện mà nhóm mình xây dựng đó là không gian văn hóa đọc xung quanh thư viện. Ngoài đọc những cuốn sách hay, các em nhỏ còn được chơi cờ vây, cầu lông, chơi thể thao.

Đau đầu vì không có người trực thư viện

Nói thêm về những gian nan trên hành trình trao truyền tri thức, bà Hoài Thu chia sẻ: “Đó không chỉ là về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và tiếp cận cộng đồng mà còn đến từ việc duy trì thư viện lâu dài và cách vận hành thư viện khi những tình nguyện viên ở xa. Nếu không có chính quyền địa phương hoặc nhà trường hỗ trợ thì chúng tôi sẽ không thể kiểm soát được thư viện vận hành thế nào. Đơn giản nhất là mở cửa thư viện, có thể giao cho các em trên đó, nhưng ngoài đi học thì các bạn ấy phải làm nương phụ bố mẹ. Chúng tôi đang nghĩ đến phương án để thư viện tự vận hành mà không cần tình nguyện viên ở trên đó”.

Tương tự, là người khởi xướng chương trình sách hóa nông thôn tại Việt Nam và Ấn Độ với 17 năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Quang Thạch cũng đầy trăn trở về việc “người trực sách” tại các điểm đặt tủ sách, trong đó có vùng cao. Theo ông Thạch, hiện nhiều tủ sách dòng họ đã ngừng hoạt động, một số trường học đã không còn tủ sách, nhà văn hóa thôn là nơi chứa sách nhưng không có người trực. Có những tủ sách bị lãng quên. Do đó, các nhóm tình nguyện, các tổ chức cần khảo sát cụ thể địa điểm trước khi tặng sách, nếu không thì sẽ lãng phí nguồn lực.

Là người yêu sách và nuôi dưỡng khát vọng lan tỏa tri thức, bà Nguyễn Châu Linh - Công ty CP Tập đoàn Hành trình Kim cương đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng tủ sách, đặc biệt ở vùng cao. Mặc dù vậy, thư viện sách có một số hạn chế như phụ thuộc vào cơ sở vật chất, chi phí duy trì và khoảng cách địa lý.

Những điểm hạn chế này đã được khắc phục bởi giải pháp công nghệ khi sách nói riêng và tài nguyên tri thức nói chung được số hóa, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian cũng như tiện lợi mọi lúc mọi nơi. Thư viện số còn là một kênh truyền thông hữu hiệu khi tài nguyên về văn hóa, lịch sử, di sản, thương hiệu quốc gia được hệ thống hóa sẽ giúp nâng cao nhận thức, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và quảng bá rộng rãi tới bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, bà Châu Linh cũng cho rằng việc đưa thư viện số tới vùng sâu, vùng xa vẫn là một thách thức lớn vì cần điện, hạ tầng Internet. Do đó, vẫn cần giải pháp phù hợp, dài hơi và cần sự chung tay góp sức của cộng đồng để thư viện vật lý và thư viện số được tồn tại song song.

“Thư viện số sẽ giúp trẻ em vùng cao không còn cảm thấy cách biệt với thế giới hiện đại khi được tiếp cận với sách báo và tài liệu trên thế giới. Đặc biệt, thư viện số sẽ tạo ra doanh thu, có thể tái đầu tư vào thư viện vật lý”, bà Nguyễn Châu Linh bày tỏ quan điểm.

Những trang sách sẽ mở ra trang đời mới cho những “búp măng non” nơi rẻo cao để thay đổi tư duy và số phận. Một cuốn sách trao đi, một trang đời mới sẽ mở ra…

Việc đưa sách lên vùng cao vẫn luôn được cộng đồng doanh nhân, tình nguyện viên, nhà khoa học trăn trở.

Hà Thủy

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bai-toan-kho-tu-viec-dua-sach-len-vung-cao-313549.html