Bài toán kinh phí và tư liệu của các tác giả sách sử
Đối với các tác giả nghiên cứu độc lập, khả năng tiếp cận và kinh phí là những bài toán lớn chưa có lời giải cụ thể.
Một số đơn vị sách cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử độc lập cho rằng kinh phí và tư liệu và hai bài toán lớn nhất tác giả phải đối mặt. Chính vì những ràng buộc đó, các nhà nghiên cứu sẽ phải chọn hướng tiếp cận gần gũi và tiết kiệm nhất, đó là lịch sử vi mô, lịch sử địa phương.
Ngoài ra, thay vì trông chờ vào nguồn thu cá nhân hay hỗ trợ từ phía nhà xuất bản, những người làm nghiên cứu còn có thể tìm kiếm các quỹ, tự gây quỹ để trang trải cho nghiên cứu và quá trình làm sách.
Lựa chọn hướng đi mang tính kinh tế
Không giống các dự án nghiên cứu về triều đại, hay giai đoạn dài trong lịch sử, nghiên cứu những thứ vi mô yêu cầu sự tập trung vào một số ít cá nhân, đối tượng, sự kiện hoặc địa điểm cụ thể.
Để có nguồn kinh phí ổn định, các nhóm tác giả không chỉ dựa vào nhà xuất bản, họ có thể chủ động gây quỹ. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu có thể tận dụng công nghệ và mạng xã hội để gây quỹ cộng đồng (crowdfunding).
Trường hợp gây quỹ xuất bản thành công nhất phải kể đến Comicola. Giai đoạn 2015-2016, Comicola đã gây quỹ được hơn 100 triệu đồng cho 14 tác phẩm. Cho đến nay các tác phẩm đạt được nhiều sự chú ý của độc giả khiến tên tuổi Comicola được đánh giá cao hơn trong mắt bạn đọc Việt Nam và cả giới chuyên môn quốc tế.
Theo anh Dương Phạm Trí (thành viên nhóm Việt Sử liên minh), các nhà nghiên cứu lịch sử độc lập cũng có thể liên kết với những công ty phát hành văn hóa phẩm (game, đồ họa, truyện tranh, thẻ bài...) tạo nên giá trị kinh tế dựa trên nghiên cứu.
"Ta có thể thấy trong môt thập kỉ trở lại đây, ngày càng có nhiều văn hóa phẩm liên quan hoặc sử dụng văn hóa lịch sử làm chất liệu như tiểu thuyết, sách ảnh, sách nghiên cứu, truyện tranh, trò chơi trực tuyến, boardgame... Đó là nhờ sự cởi mở và ưu ái của nhiều nhà xuất bản, công ty phát hành dành cho nhóm đối tượng nghiên cứu độc lập. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng", anh Dương Phạm Trí chia sẻ.
Hiện nay, các nhóm, cá nhân nghiên cứu độc lập ngày càng đa dạng hơn nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Có rất nhiều chủ đề lịch sử cần nghiên cứu bên cạnh các sự kiện lớn như thời trang, kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo, lễ nhạc, triết học, kinh tế, kỹ thuật công nghệ, các ngành nghề, các hệ thống xã hội… Nhìn chung nghiên cứu là quá trình diễn tiến liên tục và chưa bao giờ có giới hạn.
Số hóa tư liệu và hiện vật
Theo chia sẻ từ anh Đông Nguyễn (tác giả cuốn Lôi động tinh phi - Khảo cứu súng đạn của người Việt), người nghiên cứu lịch sử độc lập rất khó tiếp cận các hiện vật, văn bản. Điều này ít nhiều đặt ra thách thức trong việc phục dựng chi tiết hiện vật hay nghiên cứu những đặc điểm về ngoại hình, công năng của chủ thể.
Chính vì vậy, quá trình số hóa các hiện vật hay lịch sử cần phải được tiếp tục thúc đẩy ở các bảo tàng hay nơi lưu trữ.
Việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử thường đòi hỏi phải đến trực tiếp các bảo tàng, thư viện, hoặc nơi lưu trữ. Điều này không chỉ tốn kém về mặt thời gian và chi phí đi lại mà còn bị giới hạn bởi các yếu tố như giờ mở cửa, quy định truy cập và khả năng lưu trữ.
Với sự phát triển của công nghệ số, các nhà nghiên cứu có thể truy cập vào các tài liệu này từ bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần có kết nối Internet. Các tài liệu số hóa thường được tổ chức và lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu trực tuyến, giúp việc tìm kiếm và truy xuất thông tin trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Một ví dụ tiêu biểu về quá trình số hóa thành công là dự án Thư viện Kỹ thuật số Thế giới (World Digital Library), do UNESCO và Thư viện Quốc hội Mỹ khởi xướng. Dự án này đã số hóa hàng triệu trang tài liệu, bản đồ, ảnh, và các hiện vật từ khắp nơi trên thế giới, tạo ra một kho tài liệu phong phú và dễ dàng truy cập cho bất kỳ ai có nhu cầu nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu sử học độc lập có thể dễ dàng tìm thấy và truy cập vào các tài liệu này, dù họ đang ở bất kỳ đâu.
Ngược lại các nghiên cứu vi lịch sử thường dựa trên tài liệu địa phương, nhật ký và thư từ. Các nhà nghiên cứu độc lập nếu số hóa và công khai được các tài liệu này sẽ giúp ích cho cả các nhóm nghiên cứu khác trong mảng vi mô lẫn vĩ mô.
“Với sự xuất hiện các nhóm nghiên cứu độc lập hiện nay về mặt tích cực là giúp đa dạng các nguồn dữ liệu và đưa thông tin đến công chúng nhanh hơn. Các hình thức truyền tải cũng trực quan sinh động hơn, các văn bản ngắn gọn và đánh đúng nhu cầu đọc hiểu nhanh. Về lâu dài, đối tượng này cần thêm sự giúp đỡ của các ban ngành để có thể phát triển”, anh Phan Thanh Nam (thành viên nhóm nghiên cứu Đại Việt cổ phong) chia sẻ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bai-toan-kinh-phi-va-tu-lieu-cua-cac-tac-gia-viet-su-post1484098.html