Bài toán kinh tế biển: Bài 2: Hướng đến mục tiêu bền vững

Bài 1: Tận dụng kinh tế thủy sản

Với những lợi thế hiện có, Tiền Giang đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế thủy sản trở thành động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” EC cùng với việc chuyển đổi mô hình sản xuất thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ là bước đi quan trọng hướng đến phát triển ngành Thủy sản bền vững.

QUYẾT LIỆT GỠ “THẺ VÀNG” EC

Cùng với các tỉnh, thành khác, Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” EC.

Hiện đại hóa khai thác và nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần phát triển bền vững kinh tế thủy sản.

Hiện đại hóa khai thác và nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần phát triển bền vững kinh tế thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang không có tàu cá đang hoạt động trên biển nhưng chưa làm thủ tục đăng ký. Tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để phát sinh tình trạng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác.

Tỉnh đảm bảo 100% tàu cá hoạt động khai thác phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và mở tín hiệu 24/24 giờ từ khi rời cảng đến khi về bến. Riêng đối với nhóm tàu cá “3 không”, địa phương đã rà soát và quản lý chặt chẽ đối với nhóm tàu này; trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Đối với các tàu cá đang sửa chữa, đậu bờ, chờ bán, ngưng hoạt động, tỉnh đều xác định được vị trí neo đậu, tọa độ đang neo đậu, đảm bảo giám sát chặt chẽ.

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, với những nỗ lực trong công tác phòng, chống khai thác IUU, từ năm 2023 đến nay, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, để phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ bền vững, Tiền Giang sẽ phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tổ chức triển khai Quyết định 1090 ngày 19-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030; Quyết định 339 ngày 11-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 208 ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng tới nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức khảo sát và rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.

Một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa theo mô hình tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế rủi ro gặp phải khi hoạt động trên biển.

Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới như: Kỹ thuật bảo quản sản phẩm trên tàu cá, kỹ thuật khai thác thủy sản để tăng năng suất, tăng hiệu quả và nâng cao giá trị các sản phẩm khai thác.

Đồng thời, tổ chức thực hiện đồng bộ quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tỉnh sẽ hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển…

Đây là thành quả từ những nỗ lực không ngừng của chính quyền và các ngành chức năng trong việc thực hiện các giải pháp góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” EC, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU.

Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các quy định của pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Một trong những nội dung quan trọng là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài ra, tỉnh sẽ điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH SẢN XUẤT

Nhìn nhận về chiến lược phát triển của ngành Nông nghiệp nói chung, khu vực ven biển nói riêng, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, Tiền Giang tiếp tục khẳng định vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược, có tiềm năng kinh tế to lớn, vị trí quốc phòng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Trong đó, tỉnh xác định phát triển thủy sản là ngành kinh tế góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh.

Bởi kinh tế thủy sản nói chung, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản khu vực ven biển nói riêng được xem là một trong những lợi thế của Tiền Giang nhờ vào vị trí địa lý mà không phải tỉnh, thành nào cũng có. Và trên bình diện thực tế vừa qua cũng cho thấy, ngành Thủy sản đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển của Tiền Giang.

Do đó, trước yêu cầu của thực tiễn, để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp.

Theo đó, định hướng của tỉnh là phát triển mô hình nuôi trồng thủy hải sản bền vững và khép kín đảm bảo đáp ứng theo các tiêu chuẩn GAP... nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao được chứng nhận tính bền vững để đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường.

Hiện ngành Nông nghiệp đang có kế hoạch hỗ trợ địa phương mở rộng diện tích chứng nhận ASC cho toàn vùng nguyên liệu nghêu của tỉnh khoảng 2.320 ha. Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tiếp tục phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác; đồng thời, thực hiện chuyển đổi nghề hoạt động khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, chất nổ, hóa chất độc trên các vùng biển nhằm bảo vệ môi trường và nguồn lợi, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản.

Một trong những nội dung quan trọng ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới là nghiên cứu đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng quản lý nghề cá đảm bảo giám sát hoạt động của người và tàu cá; cảnh báo các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển. Tỉnh sẽ tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Thực tế vừa qua cũng cho thấy, để tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm lực biển, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ chuyển đổi các mô hình sản xuất, trong đó có kinh tế thủy sản luôn được quan tâm. Từ nền tảng đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành Thủy sản đã được triển khai thực hiện nhằm giúp sức để phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Cụ thể như: Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng các chủng loại vi sinh vật có ích để xử lý đáy ao và nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tân Thạnh - huyện Tân Phú Đông”, Đề tài cấp cơ sở “Thử nghiệm nuôi tôm sú (Penaeus monodon) mật độ cao trong ao lót bạt đáy ở huyện Gò Công Đông”…

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh tế thủy sản đã góp phần rất lớn trong việc tối ưu hóa các tiềm năng, lợi thế từ kinh tế biển, nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

ANH PHƯƠNG - Ý PHƯƠNG

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202406/bai-toan-kinh-te-bien-bai-2-huong-den-muc-tieu-ben-vung-1013603/