Bài toán liên kết vùng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

Ngày 15/11, ĐH Đà Nẵng tổ chức hội thảo Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Toàn cảnh hội thảo “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”.

Toàn cảnh hội thảo “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”.

Tham gia chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Hội thảo có sự tham dự của gần 250 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia đến từ các tỉnh thành trong khu vực.

Thiếu dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 44 cơ sở giáo dục đại học nhưng phần nhiều có quy mô đào tạo nhỏ, lẻ; nguồn lực đầu tư hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân nhân lực trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế. Các trường đại học của địa phương gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh, năng lực, chất lượng và hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực giáo dục.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp “đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn… trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới” để đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước trong tình hình mới trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu thảo đã thảo luận các vấn đề như các địa phương trong Vùng ít có thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực chất lượng cao của những ngành trọng điểm; những đổi mới trong đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và liên kết vùng…

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Theo nhận xét của bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cơ cấu đào tạo, tỷ trọng sinh viên theo các ngành STEM của các trường đại học trong Vùng thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Trong khi đó nhiều ngành công nghiệp cần lực lượng lao động STEM như cơ khí, hóa dầu,... lại là các ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng.

“Lý do chính là do công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chưa được triển khai đúng mức, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học phân tích. Từ đây, bà Nguyễn Thu Thủy đề xuất công tác dự báo, xác định cụ thể chỉ tiêu từng giai đoạn phải lồng ghép nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để lập kế hoạch thực hiện phát triển giáo dục đại.

PGS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, sự phát triển ngành nghề đào tạo của các trường đại học phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tuyển sinh, không chủ động được trong đào tạo những ngành nghề mà nhà trường thấy xã hội sẽ cần. Ví dụ ngành đường sắt cao tốc cần đến kỹ sư đầu máy, toa xe, đường ray, cầu hầm... nhưng ngành xây dựng nói chung và ngành cầu đường thời gian qua tuyển sinh rất chật vật. Thiếu chỉ tiêu thì thiếu nguồn lực để duy trì đào tạo, chưa nói đến sự phát triển của ngành nghề.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng được định vị là trung tâm kinh tế xã hội lớn của khu vực. Do đó yêu cầu đào tạo nhân lực tập trung các lĩnh vực mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài chính quốc tế. Với các lĩnh vực mới này, một số trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã mở ngành đào tạo trực tiếp hoặc ngành gần nhưng thời gian tới vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường, các cơ quan chuyên môn của thành phố để nâng cao số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thay đổi quy trình đào tạo

PGS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, quy trình đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục đại học ít thay đổi trong khi đây là khâu quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, với đào tạo tài năng, cần có sự ươm mầm, bồi dưỡng ngay từ bậc học phổ thông. Do vậy, rất cần có sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các trường phổ thông để vừa hướng nghiệp vừa bồi dưỡng các kỹ năng nghiên cứu cho những học sinh xuất sắc.

 Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, các trường THPT...

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, các trường THPT...

GS.TSKH Bùi Văn Ga cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh mới. “Đào tạo nhân lực phải hướng tới kiến thức rộng, kỹ năng thích nghi tốt. Bởi vì một nghề thịnh hành ở thời điểm hiện tại nhưng 5-7 năm nữa chưa chắc đã tồn tại. Trong điều kiện đó, các trường đại học phải trang bị cho sinh viên vững các kiến thức nền tảng và kỹ năng cơ bản kèm theo phương pháp tư duy”, GS.TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, hiện tại, các trường chưa mạnh dạn tăng cường kiến thức số cho sinh viên tất cả các ngành nghề. Kiến thức công nghệ số không thể thiếu trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. Trong thế kỷ này, nó sẽ là công cụ để người lao động nâng cao năng lực của mình. Vì vậy, các trường đại học cần trang bị kiến thức kỹ thuật số cho sinh viên, không chỉ giới hạn trong những ngành công nghệ thông tin hay kỹ thuật. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để sử dụng chương trình đào tạo của các trường tiên tiến, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 để sinh viên tiếp cận được các kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, với đào tạo nhân lực chất lượng cao, không thể chờ thị trường cần mới bắt đầu đào tạo mà phải có sự đón đầu. “Lâu nay, khi đề cập đến nguồn nhân lực chất lượng cao, thường các bên liên quan đều cho rằng đó là trách nhiệm của ngành giáo dục. Rất ít khi ngành giáo dục được đề cập đến cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là một trong những địa phương đã có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần phải xác định 3 từ khóa: cạnh tranh – gắn kết và nguồn lực. Về nguồn lực, vừa là trách nhiệm của trung ương và địa phương không chỉ trong vấn đề tài chính mà còn ở cơ chế, chính sách và yếu tố con người.

“Đại học quốc gia là mục tiêu mà Đại học Đà Nẵng hướng tới nhưng đi cùng với quá trình này là sự cạnh tranh. Cạnh tranh cả về quỹ đầu tư, cạnh tranh công nghệ và cả thu hút, giữ chân sinh viên giỏi ở lại học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo của mình. Đại học Đà Nẵng phải có sự gắn kết với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhưng cũng đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ. Gắn kết với cả giáo dục phổ thông để có sự định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực cho khối STEM vốn rất quan trọng cho sự phát triển của vùng. Gắn kết với cả các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để cùng liên kết phát triển" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay: "Đại học Đà Nẵng đã thực hiện nhiều định hướng chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo với các trụ cột chính: Đổi mới quản trị đại học, nâng cao hiệu quả quản lý Đại học vùng để phát huy sức mạnh tổng hợp của các trường đại học thành viên. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường kỹ năng công nghệ số trong tất cả các ngành nghề đào tạo để sinh viên tốt nghiệp thích nghi với môi trường lao động mới. Mở rộng giao lưu quốc tế để trao đổi giảng viên, sinh viên; Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Thúc đẩy quan hệ với các Bộ/ngành và địa phương để nắm bắt nhu cầu nhân lực và đóng góp vào xây dựng, phản biện chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-toan-lien-ket-vung-trong-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-post708763.html