Bài toán mở cửa trở lại nền kinh tế toàn cầu

Nhiều nước trên thế giới đang loay hoay mở cửa trở lại nền kinh tế của mình sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) có dấu hiệu suy giảm. Đây không phải là bài toán đơn giản bởi giới lãnh đạo các nước sẽ phải cân nhắc giữa việc cân bằng an toàn sức khỏe cộng đồng với việc tái mở cửa nền kinh tế.

Họ cũng sẽ phải tính toán liệu có cần thay đổi mô hình kinh tế trong nước để đáp ứng với những thay đổi mà đại dịch gây ra hay không.

Giới chuyên gia nhận định rằng nếu như quá trình phong tỏa hồi tháng 3 và tháng 4 dường như đầy hỗn loạn và xáo trộn thì quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế thế giới thậm chí còn xáo trộn hơn nữa. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo việc mở cửa trở lại hoạt động kinh tế có nguy cơ kích hoạt làn sóng lây nhiễm mới thứ hai và thậm chí thứ ba ở các nước. Vì vậy, lộ trình, quy mô và cách thức mở cửa trở lại nền kinh tế của mỗi nước có sự khác biệt.

Một số lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại sau dịch bệnh.

Một số lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại sau dịch bệnh.

Loay hoay tìm cách tháo gỡ khó khăn

Khi một số nước "rục rịch" mở cửa trở lại nền kinh tế của mình, các cuộc tranh cãi đã nổ ra trên khắp thế giới về cách thức cân bằng những khó khăn kinh tế với những nguy hại về sức khỏe cộng đồng. Nỗi lo sợ về làn sóng nhiễm bệnh thứ hai cũng đe dọa quá trình hồi phục kinh tế vốn diễn ra chậm chạp. Vì vậy, không có bất kỳ câu trả lời dễ dàng nào cho tình thế lưỡng nan này.

Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng cho hãng cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế Allianz cho rằng khó có thể kỳ vọng quá trình tái mở cửa kinh tế diễn ra "xuôi chèo mát mái".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng y tế trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi Tổng thống Trump và nhiều thành viên đảng Cộng hòa hối thúc mở cửa trở lại nền kinh tế, một số chuyên gia lo ngại: Việc nới lỏng giãn cách xã hội quá vội vã có thể kích động làn sóng mắc COVID-19 mới vào mùa thu và đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng phong tỏa. Kết quả là nền kinh tế sẽ phát triển theo đồ thị chữ W, theo đó nền kinh tế sau khi chứng kiến sự phục hồi tạm thời có thể lao dốc trở lại suy thoái kép trước khi phát triển trở lại.

Một số nước thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Một số nước thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Paul Krugman, nhà kinh tế học đạt giải thưởng Nobel cho rằng việc mở cửa trở lại ở Mỹ "theo bất kỳ cấp độ đáng kể nào" sẽ dẫn đến số ca mắc bệnh gia tăng. Theo Krugman, ván cược tốt nhất đối với sự khôi phục kinh tế nhanh chóng ở Mỹ là tiếp tục phong tỏa.

Khi châu Âu chuẩn bị tái mở cửa một cách thận trọng nền kinh tế của mình, sự bùng phát số ca lây nhiễm mới ở Hàn Quốc, Đức và Trung Quốc đã cho thấy thách thức mà chính phủ các nước phải đối mặt trong nỗ lực tìm cách nới lỏng những hạn chế xã hội. Do mong muốn tìm cách giới hạn những thiệt hại kinh tế đang ngày càng trầm trọng hơn, các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na Uy và Anh đều sẽ gỡ bỏ một số biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Tây Ban Nha, chỉ hơn nửa dân số nước này sẽ bước vào "giai đoạn 1" của quá trình gỡ bỏ phong tỏa. Trường cấp 2 sẽ mở cửa trở lại trên toàn Na Uy trong khi Đan Mạch sẽ cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại. Pháp cũng bắt đầu quá trình mở cửa vào 11-5 với việc gỡ bỏ một số biện pháp hạn chế xã hội nghiêm ngặt nhất.

Nỗi lo về cân bằng giữa mở cửa trở lại hoạt động kinh tế và đảm bảo y tế cộng đồng.

Nỗi lo về cân bằng giữa mở cửa trở lại hoạt động kinh tế và đảm bảo y tế cộng đồng.

Anh, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới sau Mỹ về số ca thiệt mạng, cũng sẽ có những bước đi thận trọng đầu tiên để nới lỏng các biện phong tỏa. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 10-5 cũng nóng lòng cho rằng lệnh phong tỏa của nước này cần kết thúc sớm hơn dự kiến khi Rome nỗ lực giảm thiểu tác động suy thoái kinh tế do gần 2 tháng đóng cửa nền kinh tế. Đức hôm 6-5 thông báo những bước đi tiếp theo để nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép tất cả các cửa hàng mở cửa trở lại.

Thế nhưng, khi các nước châu Âu rục rịch mở cửa trở lại thì những đợt bùng phát dịch mới đã buộc chính phủ các nước ở khu vực khác phải tái thắt chặt các biện pháp hạn chế. Giới chức thành phố Seoul đã buộc phải đóng cửa quán bar và câu lạc bộ ở thủ đô sau khi xuất hiện những nhóm người mắc bệnh mới sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm mới nào được phát hiện.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 10-5 đã cảnh báo dịch bệnh là một cuộc chiến kéo dài. Giới chức Trung Quốc cũng tái áp đặt những hạn chế ở một thành phố gần biên giới với Triều Tiên hôm 10-5 sau khi ghi nhận những ca nhiễm mới.

Vì vậy, câu hỏi mà nước nào cũng cần phải trả lời là phục hồi kinh tế sẽ diễn ra như thế nào trong thế giới hậu COVID-19.

Bài học từ châu Á

Không có bất kỳ chỉ dẫn nào để gỡ bỏ lệnh phong tỏa một cách thành công cho các nước. Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Nam Á và Đông Á đã dẫn đầu cuộc chơi này. Cách thức các nước này triển khai gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã đem lại những bài học quý giá về nỗ lực cân bằng giữa phục hồi kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là nước dẫn đầu khi gỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc từ hôm 23-4, cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh với phát triển kinh tế xã hội, trao đổi buôn bán và tạo công ăn việc làm. Thái Lan công bố kế hoạch mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế của mình theo 4 giai đoạn sau khi áp đặt lệnh phong tỏa từ hôm 26-3.

Tại Đông Á, Hàn Quốc đã mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi thành công "làm phẳng đường cong" dịch bệnh trong vòng 20 ngày. Bài học thành công của Seoul là áp dụng chính sách truy dấu và xét nghiệm tất cả những người tiếp xúc với bất kỳ ca lây nhiễm mới nào. Đây là một trong 6 điều kiện mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị mỗi nước cần đáp ứng được trước khi có thể mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội của mình.

Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập các cơ sở xét nghiệm di động cho kết quả nhanh, cung cấp ứng dụng phần mềm miễn phí cài đặt trong điện thoại thông minh để truyền tải tin nhắn khẩn cấp về mức độ lây nhiễm trong cộng đồng, cập nhật trang thông tin quốc gia và địa phương về quá trình truy dấu các trường hợp tiếp xúc với ca lây nhiễm mới được phát hiện.

Tuy nhiên, Mỹ lại gặp khó khăn khi áp dụng mô hình vừa mở cửa kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh như ở Hàn Quốc. Ngoài lý do về nguồn cung thiết bị y tế thì Mỹ còn gặp phải những vấn đề về quyền riêng tư. Nhìn chung, người Mỹ không muốn các công ty viễn thông của họ chia sẻ dữ liệu định vị toàn cầu với các cơ quan chính phủ, ngay cả khi được chuyển đổi sang dạng nặc danh và được sử dụng để đối đầu với cuộc khủng hoảng y tế bất thường này.

Vì vậy, các biện pháp mà Hàn Quốc sử dụng như phỏng vấn, camera an ninh và dữ liệu thẻ tín dụng hoặc dữ liệu định vị toàn cầu nặc danh lại không thể được áp dụng ở Mỹ. Apple và Google hiện đang phối hợp nghiên cứu một ứng dụng sử dụng hệ thống thông tin địa lý để hỗ trợ quá trình truy dấu những người tiếp xúc gần với người bị bệnh song họ nhấn mạnh việc triển khai phần mềm này chỉ dựa vào cơ sở tình nguyện tham gia và tự báo cáo.

New Zealand là một câu chuyện thành công đặc biệt khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh, một phần vì nước này nằm tách biệt các nước khác, mật độ dân số không đông đúc và cũng vì nước này áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới của mình ngay trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh. Các biện pháp này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của New Zealand, làm "bốc hơi" hàng tỷ USD mà nước này thu về từ du lịch. Thế nhưng, đến hôm 13-5 vừa qua, New Zealand đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa trở lại nền kinh tế.

“Thay máu” mô hình kinh tế

Bài toàn mở cửa trở lại nền kinh tế thời hậu COVID-19 cũng đặt ra vấn đề chuyển đổi mô hình kinh tế hoặc phương thức hoạt động kinh doanh.

Sau khi sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế, Trung Quốc đặt mục tiêu chính là đưa nền kinh tế và xã hội trở lại bình thường. Báo cáo thường niên trước kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) hôm 22-5 đề cập việc nước này tiếp tục thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của lĩnh vực tư nhân và đảm bảo các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận công bằng với các yếu tố sản xuất và hỗ trợ chính sách.

Đánh giá về điều này, chuyên gia Mathieu Duchâtel, Giám đốc chương trình châu Á, Viện Tư vấn chính trị Montaigne của Pháp, cho rằng Trung Quốc dường như đang rời xa tư bản nhà nước và nhắm nhiều hơn đến lĩnh vực tư nhân, lựa chọn mà họ đã từ chối trong những năm trước đây. Chuyên gia cũng cho rằng Mathieu Duchâtel điều này cho thấy Trung Quốc ý thức được phải dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để xử lý khủng hoảng việc làm và xử lý các vấn đề kinh tế ở cấp địa phương.

Ngoài ra, các chính sách kinh tế vĩ mô trong báo cáo này cũng đề cập việc Trung Quốc sẽ thúc đẩy toàn diện các sáng kiến về công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực đồng thời thiết lập sức cạnh tranh mới trong nền kinh tế số. Chuyên gia Mathieu Duchâtel tiếp tục nhận định Trung Quốc đang đánh cược vào cách mạng kỹ thuật số để khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, người ta trông đợi Trung Quốc sẽ có những thông báo về kế hoạch đầu tư chủ đạo vào phát triển hạ tầng cơ sở dịch vụ của cuộc cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là hạ tầng cơ sở mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G) và các trung tâm dữ liệu. Như vậy, với 2 điểm chính đề cập ở trên, Trung Quốc có chút thay đổi về mô hình kinh tế của mình, chuyên gia nói.

Cùng xu hướng thay đổi mô hình kinh tế, thành phố Amsterdam của Hà Lan đã thay đổi mô hình kinh tế trong thời hậu COVID-19. Với mô hình "bánh donut" do nhà kinh tế học thuộc Đại học Oxford Kate Raworth đưa ra, thủ đô Hà Lan này muốn cân bằng giữa nhu cầu của người dân và đảm bảo môi trường với hy vọng giúp thành phố này vượt qua những tác động hủy hoại của đại dịch.

Trong khi đó, dù không có kế hoạch nào về thay đổi mô hình kinh tế trong nước song Mỹ và Nhật Bản lại muốn thay đổi phương thức sản xuất của các công ty của họ theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc. Theo đó, hai nước này muốn khuyến khích doanh nghiệp của mình di dời cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc và đặt tại trong nước hoặc tại một số quốc gia Đông Nam Á.

Nhật Bản có kế hoạch triển khai chương trình trợ cấp để khuyến khích các tập đoàn chế tạo trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài về trong nước hoặc khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng các chuỗi cung ứng phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.

Giới chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng mạnh mẽ những nỗ lực để thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất về nước. Trong đó, việc Tổng thống Trump hôm 14-5 dọa áp thuế mới đối với các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa ở nước ngoài là một trong những nỗ lực này.

Ngoài ra, việc tăng cường nghiên cứu và phát triển robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa để ứng dụng trong các hoạt động kinh tế của mình đang là xu hướng nổi trội trong vấn đề thay đổi mô hình kinh tế. Ví dụ, lĩnh vực chăm sóc khách hàng ở nhiều nước đã và đang chứng kiến "cuộc đổ bộ" của phần mềm nói chuyện với khách hàng tự động có tích hợp công nghệ AI (AI chatbot) thay thế vai trò của nhân viên là con người. Hàn Quốc hiện đang đặt AI và 5G đóng vị trí trung tâm trong chính sách kinh tế mới thời kỳ hậu dịch bệnh.

Hà Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bai-toan-mo-cua-tro-lai-nen-kinh-te-toan-cau-598215/