Bài toán ''nan giải'' ở Đưng K'Nớ

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nội dung mà huyện Lạc Dương đã xác định và tập trung đầu tư hỗ trợ ở xã Đưng K'Nớ. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện. Diện mạo nông thôn của Đưng K'Nớ đang ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, để hoàn thành lộ trình đúng thời gian vào năm 2021 thì vẫn đang là một bài toán nan giải đối với xã nghèo này.

Đưng K’Nớ còn nghèo

Đưng K’Nớ còn nghèo

Tính đến năm 2019, xã Đưng K’Nớ đã đạt được 11 tiêu chí nông thôn mới. Địa phương này đã đăng ký thêm 4 tiêu chí gồm: tổ chức sản xuất; giao thông; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các tiêu chí đăng ký trên đều không đạt được.

Đưng K’Nớ là xã nghèo của huyện Lạc Dương, trên 94% dân số là đồng bào DTTS. Bà con chủ yếu sống bằng nghề trồng cà phê và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cá phê không ổn định, thiên tai xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Đưng K’Nớ. Cụ thể, trong năm 2019, ảnh hưởng của cơn bão số 3 diễn ra vào tháng 8/2019 gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất và nhà cửa của người dân. Đưng K’Nớ đã khó càng thêm khó. Địa phương này bước qua năm 2020 vẫn tiếp tục đăng ký 4 tiêu chí NTM như 2019 và thêm tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Sau nhiều nỗ lực, đến thời điểm hiện tại địa phương này chỉ hoàn thành được hai tiêu chí gồm: hình thức tổ chức sản xuất; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Hiện tại lộ trình xây dựng nông thôn mới của Đưng K’Nớ đang trong quá trình “leo dốc” với quá nhiều khó khăn cần vượt qua. Chính quyền địa phương và Nhân dân đang phải “vật lộn”, trong đó nan giải nhất là tiêu chí giao thông nông thôn và thu nhập. Hai tiêu chí này rất khó, thậm chí là gần như không thể đạt nếu không có nguồn hỗ trợ. Cụ thể, về tiêu chí giao thông, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện trên 50 km đã cứng hóa đạt chuẩn. Đường trục thôn và đường liên thôn với hơn 20 km đã được cứng hóa gần 12 km. Đường ngõ xóm đã được cứng hóa. Đường trục chính nội đồng cũng đã đảm bảo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa quanh năm. Tuy nhiên, hiện nay đường từ Thôn 2 đến thôn Đưng Trang vẫn chưa hoàn thiện. Vài năm trước, đường vào Đưng Trang vô cùng khó khăn. Nông sản của bà con sản xuất cũng vì thế mà khó lưu thông nên đời sống người Đưng Trang còn khó khăn nhất ở xã khó khăn Đưng K’Nớ. Mặc dù đã được đầu tư để giao thông đi lại thuận tiện hơn, song đặc thù địa hình đường ngoằn ngoèo ôm theo dáng núi và chạy dọc suối nên mỗi mùa mưa xuống xảy ra sạt lở thường xuyên. Để cứng hóa đạt chuẩn con đường này, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Đó thực sự là khó khăn của cả huyện Lạc Dương và xã Đưng K’Nớ.

Người già và trẻ em ở Đưng K’Nớ sưởi ấm bên bếp lửa trong ngày giá lạnh

Người già và trẻ em ở Đưng K’Nớ sưởi ấm bên bếp lửa trong ngày giá lạnh

Không chỉ loay hoay với bài toán khó về giao thông, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những “nút thắt” khó gỡ đối với chính quyền xã Đưng K’Nớ. Thực tế hiện nay ở địa phương này, nguồn thu từ quản lý, bảo vệ rừng giúp bà con giải quyết khâu chống đói. Còn cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp với trên 900 ha, chủ yếu sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. 60 ha lúa và gần 15 ha gồm ngô, sắn, một phần rất nhỏ rau, hoa không đủ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng cà phê, cây trồng được coi là chủ lực hiện nay ở Đưng K’Nớ với hơn 750 ha, song năng suất cà phê hiện nay ở địa phương rất thấp. Nhất là vào thời điểm hiện tại, sương mù, rét mướt bao phủ cả mảnh đất này nên cây cối và con người đều lay lắt. Người Đưng K’Nớ còn đùa rằng, nếu cân cả cây thì năng suất cà phê ở đây cũng không bằng các nơi khác. Bởi ngoài địa hình dốc khó canh tác, hạn chế về khoa học kỹ thuật và đầu tư phân bón, khí hậu khắc nghiệt khiến cây cà phê ở nơi này năng suất không cao. Hiện tại, ở các thôn thuộc xã Đưng K’Nớ, không khó để thấy cảnh những người trẻ đi nơi khác làm công còn người già và trẻ em ngồi co ro quanh bếp lửa để chống lạnh. Những người dân ở Đưng K’Nớ như M’Bon K’Pông, M’Bon K’Giêng và nhiều người khác nữa thậm chí không biết và họ không quan tâm đến NTM. Điều họ mong chờ hơn là các đoàn từ thiện. Cũng chính người dân ở các thôn đã trả lời câu hỏi “bà con lấy gì để sống” của lãnh đạo xã rằng “chờ từ thiện”. Những bữa ăn chỉ cháo loãng với rau rừng, cơm trắng với tương ớt còn diễn ra nhiều ở các thôn, buôn. Các cô giáo mầm non còn phải tìm các nguồn từ thiện để hỗ trợ các cháu và chính cả phụ huynh. Con số thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm hiện nay chưa thể phản ánh sâu sát chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi con số ấy là kết quả bình quân của cả thôn khá và thôn nghèo. Và thực tế người Đưng K’Nớ còn quá nghèo.

Những ưu việt mang lại của chương trình xây dựng NTM đã được chứng minh trong thực tế. Xây dựng NTM là mục tiêu hướng tới. Chính quyền các cấp cũng đã có nhiều nỗ lực, song đó là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Xây dựng NTM, những con đường, cây cầu, trường học mới đã được xây dựng nhưng đó chỉ là phương tiện và sự thông thương hàng hóa, nông sản, chất lượng dạy và học... nằm ở yếu tố con người. Đưng K’Nớ chưa thể bước đi mà không có sự hỗ trợ. Người Đưng K’Nớ sẽ thực sự khó khăn khi họ về đích NTM và không còn các nguồn hỗ trợ.

NTM là một hành trình chứ không phải là đích đến bởi mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống của người dân. Chỉ khi nào đời sống của người dân được nâng lên thực sự và họ có sự chung tay, NTM mới thực sự bền vững. Kế hoạch đã được huyện Lạc Dương xác định, quyết tâm chính trị cũng đã được Đưng K’Nớ đẩy mạnh với những mục tiêu cụ thể cho 2021, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những khởi sắc tiếp theo ở mảnh đất tận cùng đường Trường Sơn Đông này. Song, việc xã nghèo có về đích đúng hẹn hay không chắc chắn không quan trọng bằng việc bữa cơm của người dân có thịt.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202012/bai-toan-nan-giai-o-dung-kno-3034411/