Bài toán nâng trần nợ công đeo đẳng nước Mỹ
Những vướng mắc về trần nợ của Mỹ có thể sẽ được giải quyết tạm thời, nhưng điều nước này thực sự cần là một giải pháp lâu dài cho vấn đề này.
Hôm 7/10, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời nâng trần nợ công đến tháng 12 tới nhằm ngăn nguy cơ vỡ nợ liên bang. Diễn biến này tuy đã xoa dịu thị trường trái phiếu chút ít nhưng vẫn không làm giới đầu tư ngừng quan tâm đến rủi ro trước hạn chót mới.
Trần nợ là mức tối đa mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Do chi tiêu nhiều hơn so với khoản thu được từ tiền thuế nên chính phủ Mỹ phải vay mượn để bù đắp thiếu hụt. Việc vay mượn thực hiện thông qua Bộ Tài chính, với việc phát hành trái phiếu.
Dự luật mà Thượng viện Mỹ mới thông qua nâng trần nợ công thêm 480 tỷ USD lên mức suýt soát 28.900 tỷ USD. Dự luật này được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu vào ngày 12/10 (giờ địa phương) trước khi được Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngay trong tuần. Khoản tăng thêm 480 tỷ USD sẽ hết hạn vào ngày 3/12, cùng ngày mà ngân sách cho hầu hết chương trình liên bang cũng hết hạn.
Giới phân tích cho biết, thời hạn mới 3/12 sẽ cho Quốc hội Mỹ thêm thời gian để chấp nhận gia hạn trần nợ dài hạn thông qua hòa giải.
Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ sớm chi khoảng 2/3 trong số 480 tỷ USD cho quyền vay nợ mới. Trong một báo cáo nghiên cứu, hãng nghiên cứu thị trường tiền tệ Wrightson Capital cho rằng Bộ này – theo luật - phải sắp xếp lại quyết toán thu chi quỹ tín thác vốn đã bị dừng đầu tư trong "thời kỳ tạm ngừng phát hành nợ" (DISP). Báo cáo hoạt động trần nợ hàng tuần mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước (8/10) cho thấy các quỹ tín thác của chính phủ đã nợ 301 tỷ USD chứng khoán phi thị trường tính đến ngày 6/10. Wrightson chỉ ra rằng, việc thay thế các chứng khoán quỹ ủy thác đó sẽ cho Bộ Tài chính quyền vay nợ truyền thống chưa đến 200 tỷ USD khi dự luật tăng trần nợ chính thức có hiệu lực vào cuối tuần này.
Theo ước tính từ Wrightson, Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng hết phần còn lại của khoản vay thông thường vào tuần đầu tiên của tháng 11. Nếu đúng như vậy, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen có thể phải tuyên bố một DISP mới, cho phép Bộ dùng đến các biện pháp bất thường một lần nữa. Điều đó có nghĩa là Bộ sẽ có khoảng 300 tỷ USD thanh toán linh hoạt, đủ để trang trải tất cả các nhu cầu vay nợ của mình, trong thời gian còn lại của năm nay.
Khi trần nợ được nới rộng, rủi ro vỡ nợ ngắn hạn sẽ giảm đi. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều nước Mỹ cần là một giải pháp dài hạn, để không phải cứ vài tháng lại một lần đối mặt với rủi ro vỡ nợ.
Trường hợp xấu nhất, Mỹ bị vỡ nợ sẽ gây ra thiệt hại rộng khắp do tình trạng tăng vọt lãi suất, làm lu mờ niềm tin vào khả năng Washington thực hiện các nghĩa vụ tương lai của mình đúng thời hạn và tiềm tàng trì hoãn các khoản trả an sinh xã hội cho khoảng 50 triệu người cao tuổi. Các thành viên của lực lượng vũ trang cũng có thể phải chứng kiến các khoản thanh toán của họ bị chậm trễ.
Kể từ khi trần nợ được thiết lập năm 1917, Mỹ đã hai lần vỡ nợ, vào năm 1933 và năm 1979. Từ năm 1960 tới nay, nước này đã có 78 lần nâng giới hạn vay nợ. Và trong 40 năm qua, Mỹ trải qua 35 năm ngân sách bị thâm thủng do chính sách giảm thuế và vay nợ kích cầu tiêu dùng.