Bài toán ngoại binh của giải hạng Nhất
Không dễ để các câu lạc bộ (CLB) tại Giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia chiêu mộ ngoại binh, khi tài chính luôn là bài toán khó suốt nhiều năm qua.
Nút thắt của cuộc "cách mạng"
Hai trong số các nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần 8-khóa IX tập trung vào những thay đổi mang tính bước ngoặt của hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia. Theo đó, kể từ mùa giải 2025-2026, hai CLB V-League sẽ phải xuống hạng, thay cho hai đội vô địch và á quân hạng Nhất; các CLB hạng Nhất sẽ được sử dụng một cầu thủ nước ngoài trong danh sách thi đấu.
Cả hai quyết định trên đều mang tính bước ngoặt cho giải hạng Nhất. Nên nhớ 10 năm qua, không một đội á quân ở giải này lên chơi V-League. Bỏ qua một số mùa bóng chỉ xét đội vô địch lên hạng trực tiếp thì trong các trận tranh vé vớt dự V-League, tuyệt đối đội á quân hạng Nhất đều thua cuộc. Hiển nhiên, việc VFF thông qua quyết định tăng suất lên hạng từ 1,5 lên 2 đội có ý nghĩa bước ngoặt cho sự cạnh tranh và tham vọng của nhiều CLB hạng Nhất.

Không nhiều câu lạc bộ ở giải hạng Nhất dám mạnh tay đầu tư ngoại binh xịn.
Thêm vào đó, với hy vọng nâng tầm giải đấu này, VFF cũng đang tiến tới thông qua quyết định cho phép mỗi CLB hạng Nhất được đăng ký một ngoại binh, kể từ mùa giải 2025-2026. Dẫu vậy phải thừa nhận, ý tưởng này không phù hợp với điều kiện tài chính chẳng mấy dư dả ở giải hạng Nhất những mùa qua. Chẳng nói đâu xa, ngay trước thềm mùa giải 2024-2025, giải đấu này đứng trước nguy cơ mất tới 4 đội vì lý do tài chính.
Hai trong số đó là Long An và Định Hướng Phú Nhuận quyết tâm bỏ giải đến cùng vì không đủ kinh phí vận hành. Trong khi đó, cũng phải nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhà tài trợ, VFF lẫn Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), hai đội còn lại là Khánh Hòa và Đồng Nai mới giải quyết được bài toán kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động.
Cũng từ câu chuyện của 4 đội bóng kể trên, theo tìm hiểu, trung bình kinh phí hoạt động trong một năm của đội hạng Nhất khoảng 25 tỷ đồng. Trong đó, không tính khoản tiền "lót tay", quỹ lương của nhiều đội chỉ dao động 2,5-3 tỷ đồng/năm. Đại đa số cầu thủ ở hạng Nhất nhận đãi ngộ thua xa so với V-League.
Thậm chí, những gương mặt lọt vào danh sách hay nhất mùa giải cũng chỉ thực lĩnh 7-12 triệu đồng/tháng tiền lương và thưởng. Khoản tiền khiêm tốn là vậy nhưng chẳng phải đội bóng nào cũng đủ lực để chi trả từ mùa này sang mùa khác. Một số CLB rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí phải chấm dứt hoạt động vì ngân sách eo hẹp. Với tình cảnh kể trên, thử hỏi ngay cả khi VFF cho phép chiêu mộ ngoại binh, liệu nhiều đội hạng Nhất có dám phá vỡ quỹ lương để săn... "Tây"?
Tìm lời giải
Để đăng ký một ngoại binh, các CLB V-League cần chi tối thiểu 10.000USD/tháng (khoảng 250 triệu đồng). Ở mức độ tiết kiệm nhất, một ngoại binh thuộc diện trung bình yếu cũng muốn hưởng 5.000-8.000USD/tháng (hơn 100 triệu đồng). Đưa cầu thủ ngoại và cầu thủ nội đang hưởng chế độ tại hạng Nhất lên bàn cân so sánh, sự mất cân đối lập tức xảy ra. Có thể cũng vì vấn đề này nên VFF chưa vội công khai nội dung chính thức về việc cho phép giải hạng Nhất sử dụng lại cầu thủ ngoại.
Hiện có phương án được xem là lời giải tháo gỡ nút thắt “tiền đâu” ở giải hạng Nhất khi chiêu mộ ngoại binh. Theo đó, một số doanh nghiệp sẽ đứng ra hỗ trợ kinh phí cho các CLB hạng Nhất mua sắm cầu thủ ngoại. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp này sẽ nhận lại những quyền lợi tương xứng, với mốc tối thiểu là hiện diện trên biển quảng cáo của giải. Tất nhiên để đi đến thực tế, các doanh nghiệp này sẽ phải có những trao đổi kỹ càng với VFF, VPF và các CLB. Mức hỗ trợ cũng được định lượng rõ ràng, tạo được sự cân bằng giữa các đội tham dự.
Dẫu vậy, ngay cả khi phương án này thực thi, sự cân bằng về thực lực tại giải hạng Nhất vẫn sẽ có độ vênh nhất định, tạo nên khoảng cách giàu nghèo khó san lấp. Điển hình như ở mùa này, Phù Đổng Ninh Bình và Trường Tươi Bình Phước sẵn sàng trả đến vài chục tỷ đồng để đưa về hàng loạt ngôi sao từ V-League, trong đó bao gồm 3 tuyển thủ quốc gia có giá trị cao hơn cả "Tây" là Hoàng Đức, Văn Lâm và Công Phượng. Đương nhiên, với nguồn ngân sách dồi dào, họ dễ dàng chiêu mộ ngoại binh “nặng đô” với mức phí cao, thay vì trông chờ vào quyền lợi nhà tài trợ để tìm kiếm một cầu thủ "Tây" giá rẻ.
Bên cạnh đó, phương án tìm kiếm nhà tài trợ chung lưng đấu cật mới chỉ giải quyết một mặt về bài toán tài chính của các CLB hạng Nhất. Điều quan trọng là việc đội bóng sử dụng nguồn tiền thế nào cho hiệu quả. Nếu các CLB hú họa, nhắm mắt chọn một “Tây ba lô”, tham vọng nâng tầm hạng Nhất từ nội lực đến cạnh tranh thăng hạng của VFF và VPF sẽ chẳng thể trọn vẹn.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bai-toan-ngoai-binh-cua-giai-hang-nhat-822628