Bài toán rác thải nhựa trên biển

Ý thức được những nguy hại của rác thải nhựa (RTN) đối với môi trường biển, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ven biển đã có nhiều giải pháp giải quyết tình trạng này.

Đoàn viên, thanh niên thành phố Đà Nẵng tham gia dọn rác tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh ANH ĐÀO)

Đoàn viên, thanh niên thành phố Đà Nẵng tham gia dọn rác tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh ANH ĐÀO)

Tuy nhiên, biện pháp đã và đang triển khai là chưa đủ so với khối lượng rác khổng lồ trôi dạt vào các vùng biển, đảo hằng năm. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những giải pháp, hành động cụ thể và sự chung tay của cả xã hội vì một môi trường biển, đảo không RTN.

Bài 2: Hành động vì môi trường biển

Rác thải nhựa- vấn đề toàn cầu

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong khoảng 0,73 triệu tấn RTN phát sinh trên biển nước ta mỗi năm, có khoảng 64.143 tấn phát sinh từ tàu đánh cá ven biển; khoảng 301.477 tấn có nguồn gốc từ hoạt động nuôi thủy, hải sản. Số còn lại có nguồn gốc từ đất liền bao gồm: Các dòng sông, khu dân cư và hoạt động kinh tế-xã hội ven biển, du lịch biển, cảng biển… và một phần do trôi dạt từ đại dương vào bờ.

Theo báo cáo của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), có nhiều bãi biển, đảo ở Việt Nam được xếp ở mức “rất ô nhiễm” như: Bến Gót, Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế), bãi Vĩnh Nguyên, Mỹ Ca, Bình Lập (Khánh Hòa), Quan Lạn (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang)… Đó là còn chưa kể đến hàng nghìn cửa sông, bãi cạn, cảng cá, vụng biển, rừng ngập mặn, các hòn đảo dọc bờ biển và trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta cũng đều có nguy cơ trở thành những “túi” đựng RTN.

Đánh giá của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022 nhấn mạnh: RTN gây tác động mạnh đến môi trường nước biển, trầm tích biển, sinh vật biển và các hệ sinh thái biển. Nó có tác động đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản, cảnh quan bờ biển và giảm giá trị kinh tế của các dịch vụ du lịch. RTN trên các bãi biển, cảng biển rất khó làm sạch. RTN trôi nổi trên biển có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi cuốn vào bánh lái, chân vịt... Đáng chú ý, RTN rất khó phân hủy, nó có thể tồn tại rất nhiều năm, làm ảnh hưởng lâu dài tới các sinh vật sống và môi trường…

Những tác hại của RTN đối với môi trường biển và sự sống của các sinh vật biển đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm tìm kiếm giải pháp. Nó thật sự trở thành vấn đề cấp thiết khi Liên hợp quốc thống nhất nội dung này tại Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Công ước Basel về vận chuyển chất thải nhựa (năm 1989 và 2019); Công ước về đa dạng sinh học; Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm khó phân hủy năm 2004; Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chấm dứt ô nhiễm nhựa; Chương trình hành động toàn cầu bảo vệ môi trường biển; Bộ quy tắc ứng xử của FAO về nghề cá có trách nhiệm; Chiến lược Honolulu; Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP)…

Hiện thực hóa giải pháp bằng hành động

Đối với Việt Nam, bên cạnh việc tham gia và ủng hộ mạnh mẽ vấn đề phòng chống tác hại của RTN trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tác hại của RTN đối với môi trường và hệ sinh thái. Vấn đề này cũng được đề cập trong các Luật Bảo vệ môi trường; Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý trực tiếp, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương để thực hiện các biện pháp giảm thiểu số lượng phát sinh và tác hại từ RTN đối với môi trường, trong đó có môi trường biển.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã và đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như ADB triển khai Chương trình thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở châu Á và Thái Bình Dương; Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (cùng WWF); Dự án Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường biển và các rạn san hô ở khu vực Đông Nam Á (cùng GIZ) và cùng UNDP triển khai Dự án Hỗ trợ quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam…

Mặc dù chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường nhưng việc hạn chế và xử lý RTN lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo ông Lê Đại Thắng, Phó trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nguyên nhân một phần do hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý, kiểm soát giảm thiểu RTN đại dương còn chưa đồng bộ; việc tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế biển đang tạo sức ép lớn đối với môi trường biển và công cuộc chống ô nhiễm nhựa đại dương; vấn đề quản lý, thu gom và xử lý rác thải còn nhiều hạn chế; việc nghiên cứu và áp dụng vật liệu thay thế chưa được quan tâm.

Ngoài ra, nhận thức và hành động của cộng đồng; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp và người dân… còn thấp và thiếu hiệu quả. Số lượng phát sinh nguồn RTN rất lớn chưa được kiểm soát và gây ảnh hưởng ngày càng lớn đến khu vực biển đảo đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đến việc hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…

Trước thực trạng đáng lo ngại và những khó khăn trong việc xử lý RTN, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đề xuất giải pháp gồm 6 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu xử lý rác tại nguồn và nghiên cứu, áp dụng khoa học-công nghệ. Điều đó đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải tăng cường nguồn nhân lực, tài lực cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý riêng đối với vấn đề này.

Việc tìm kiếm và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa cũng cần được chú trọng. Trước mắt, cần tuyên truyền ý thức hạn chế sử dụng vật liệu từ nhựa, ni-lông và sử dụng vật liệu thay thế trong cộng đồng; thường xuyên tổ chức các chiến dịch thu gom, xử lý RTN; kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp gây ô nhiễm, nhất là ô nhiễm do chất thải nhựa…

Phòng, chống RTN có thể là một “bài toán” khó trong điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, nhưng không phải là không có lời giải. Vì một môi trường biển đảo an toàn, tươi đẹp, hãy bắt đầu hành động trước khi quá muộn.

* Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11/10/2024.

Nhóm phóng viên

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-toan-rac-thai-nhua-tren-bien-post836338.html