Bài toán rác thải thực phẩm và tình trạng suy dinh dưỡng ở Indonesia

Indonesia hiện là một trong những quốc gia đang phát triển có hành vi lãng phí thực thẩm thuộc hàng cao nhất thế giới trong khi vẫn còn nhiều người dân nước này đang ở trong tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng.

Chỉ số Bền vững về Thực phẩm (năm 2018) do Cơ quan nghiên cứu và phân tích thuộc Tạp chí The Economist kết hợp với Trung tâm Thực phẩm & Dinh dưỡng Barilla công bố cho thấy, mỗi người dân Indonesia thải ra 300 kg rác thải thực phẩm mỗi năm, vượt qua một siêu cường như Mỹ, nơi mỗi công dân vứt bỏ ít hơn 23 kg thực phẩm so với người dân Indonesia.

Chợ truyền thống Indonesia, nơi tập trung nhiều rác thải thực phẩm.

Chợ truyền thống Indonesia, nơi tập trung nhiều rác thải thực phẩm.

Tổng cộng mỗi năm quốc gia có số dân đông thứ 4 thế giới thải ra 13 triệu tấn rác thực phẩm. Số rác thải này phần lớn đến từ các thực phẩm không được tiêu thụ hết trên bàn ăn các gia đình, nhà hàng, chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm hay ở chợ. Khảo sát Kinh tế Quốc gia Indonesia năm 2018 cũng ghi nhận phần lớn các thành phố lớn ở Indonesia đang sản xuất chất thải hữu cơ, một loại chất thải thực phẩm với số lượng lớn hơn các loại chất thải khác.

Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Indonesia và Timor Leste, ông Mark Smulders cho biết, với dân số khoảng 260 triệu người, nhu cầu lương thực của Indonesia là khoảng 190 triệu tấn mỗi năm. Như vậy, với 13 triệu tấn lương thực lãng phí mỗi năm có thể nuôi sống gần 11% dân số Indonesia, tức là khoảng 28 triệu người. Đáng buồn thay, con số này gần bằng số người nghèo ở Indonesia. Tính đến tháng 9/2020, nước này có khoảng 27,55 triệu người nghèo.

Không chỉ vậy, trong vài năm trở lại đây, Indonesia vẫn tiếp tục gặp phải vấn đề về dinh dưỡng khi tỉ lệ thấp còi và suy dinh dưỡng ở trẻ em Indonesia là khá cao. Dựa trên số liệu khảo sát về tình trạng dinh dưỡng của trẻ mới biết đi Indonesia năm 2019, tỷ lệ trẻ thấp còi là 27,67%. Điều này có nghĩa là cứ 4 trẻ Indonesia thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng trong thời gian dài.

Cứ 4 trẻ Indonesia thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng trong thời gian dài.

Cứ 4 trẻ Indonesia thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng trong thời gian dài.

Theo ông Mark Smulders, đây rõ ràng là mối đe dọa đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng ở Indonesia. Ông cho rằng, hành vi lãng phí thực phẩm này rất khó loại bỏ nếu không có bất kỳ quy định nào từ chính phủ. Một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng các quy định và giám sát nghiêm ngặt, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, đối với những người vứt thức ăn ở nơi công cộng.

Chính phủ Indonesia cũng đã ban hành một số quy định như Luật số 18 năm 2008 về quản lý rác thải, quy định số 81 năm 2021 của chính phủ về quản lý rác thải gia đình hay quy chế Tổng thống số 97 năm 2017 về Quản lý Rác thải Hộ gia đình và Chất thải Tương tự như Rác thải Hộ gia đình. Đồng thời, chính phủ cũng cung cấp các chương trình giáo dục trong các trường học. Tuy nhiên, không có quy định hay chương trình nào đề cập cụ thể đến việc ngăn chặn rác thực phẩm. Trọng tâm của giáo dục chỉ giới hạn trong việc phân loại và tái chế rác thải.

Do đó, nhận thức của cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm. Vấn đề rác thải nói chung và rác thải thực phẩm nói riêng sẽ chỉ được giải quyết nếu có sự hợp tác và nhận thức chung giữa chính phủ và toàn xã hội. Rác thải thực phẩm và tình trạng suy dinh dưỡng vẫn đang là bài toán cần được giải quyết ở Indonesia./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bai-toan-rac-thai-thuc-pham-va-tinh-trang-suy-dinh-duong-o-indonesia-847299.vov