Bài toán tổng thể trong quy hoạch sân bay
Mới đây, trong cuộc làm việc với đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã đề xuất hai giải pháp về giao thông góp phần giúp địa phương sớm thoát nghèo, phát triển kinh tế-xã hội: Xây dựng đường bộ cao tốc Kon Tum-Quảng Ngãi và đầu tư sân bay Măng Đen.
Theo dự kiến, cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum có điểm đầu giao tại thị xã Đức Phổ (Quãng Ngãi); điểm cuối thuộc địa phận thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), chiều dài gần 136km với quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Việc kết nối cao tốc qua khu du lịch Măng Đen sẽ tạo động lực phát triển hành lang kinh tế Quảng Ngãi-Măng Đen-Cửa khẩu Bờ Y-Kon Tum-nối với nam Lào.
Về dự án sân bay Măng Đen, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chủ động huy động nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư và đến nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất triển khai theo phương thức PPP. Theo đề xuất, sân bay Măng Đen nằm tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cấp sân bay 4E, sản lượng hành khách 3-5 triệu lượt hành khách/năm; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027. Đây là sân bay dân dụng kết hợp mục đích quân sự, quốc phòng, quy mô 350ha với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ thông qua, cả nước có 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội; đồng thời để mở việc bổ sung 12 sân bay địa phương khi đủ điều kiện và trong số này có sân bay Măng Đen.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ thông qua, cả nước có 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội; đồng thời để mở việc bổ sung 12 sân bay địa phương khi đủ điều kiện và trong số này có sân bay Măng Đen.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia hàng không, tỉnh Kon Tum cần tham khảo thêm ý kiến, cân nhắc kỹ việc xin bổ sung quy hoạch xây dựng sân bay Măng Đen trong giai đoạn 2023-2027. Bởi hiện tại, quy mô nền kinh tế cũng như dân số của tỉnh Kon Tum đang ở mức thấp. Về vị trí địa lý, tỉnh lỵ Kon Tum chỉ cách sân bay Pleiku (Gia Lai) chưa đầy 50km. Nếu hai tuyến cao tốc Kon Tum-Quảng Ngãi và cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Kon Tum thời gian tới được xây dựng thì giai đoạn trước mắt, chưa cần thiết phải bỏ ra một nguồn kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng để xây dựng sân bay.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hầu hết mục đích của lãnh đạo các địa phương khi đề xuất xây dựng sân bay ở tỉnh mình là nhằm tạo đà phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để thuyết phục đầu tư, xây dựng sân bay, Nhà nước hay nhà đầu tư phải giải đáp được hàng loạt câu hỏi như dự kiến khai thác nguồn khách ở đâu? Khả năng tăng trưởng về số hành khách cũng như cơ hội phát triển kinh tế địa phương như thế nào?
Tính kết nối của sân bay với những địa phương nào, cùng những tác động, ảnh hưởng của các loại hình đường bộ, đường sắt,... đối với sân bay ra sao? Các câu hỏi này cần phải được làm rõ và đáp án phải có tính thuyết phục cao thì mới có thể áp dụng vào thực tế.
Lâu nay, tại không ít địa phương, có “phong trào” cứ gần biển là xin làm cảng, tỉnh nào chưa có sân bay đều đề xuất xây dựng sân bay để phát triển kinh tế. Mong ước có đường cao tốc, có sân bay để tạo đột phá khai thác tiềm năng, lợi thế là trăn trở chính đáng của các địa phương, trong đó có Kon Tum. Mục đích cuối cùng đầu tư sân bay để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, qua đó mở mang du lịch, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, xây xong sân bay mà nhu cầu đi lại của người dân quá thấp, sẽ không phát huy hiệu quả đầu tư, không những không đạt được mục đích phát triển kinh tế mà tỉnh còn phải oằn lưng gánh lỗ.
Vì vậy, tiếp cận một cách khoa học và tổng thể trong quy hoạch sân bay là điều các địa phương cần hết sức chú ý. Bởi sân bay, xét cho cùng chỉ là “điều kiện cần”, chứ không phải “điều kiện đủ” để giúp các địa phương “cất cánh” phát triển kinh tế-xã hội.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bai-toan-tong-the-trong-quy-hoach-san-bay-post107604.html