Bài văn tả cô giáo 'rất ác', nhân vật chính đọc xong lại cười khoái chí

Với các bạn học sinh cấp 1, cô giáo giống như người mẹ thứ hai của các em ở trường. Vì thế, các em luôn dành cho cô giáo mình những tình cảm đặc biệt, thậm chí đưa cô vào làm nhân vật chính trong bài văn của mình.

Trước đó, năm 2019, cô giáo Đặng Nga (SN 1995, thời điểm đó cô Nga công tác tại Trường Tiểu học Sa Lý, Lục Ngạn, Bắc Giang) từng chia sẻ hình ảnh bài văn của em học trò lên mạng xã hội. Đáng nói, nhân vật được miêu tả chính là cô Đặng Nga.

Bài văn tả cô giáo của em học sinh lớp 5

Bài văn tả cô giáo của em học sinh lớp 5

Nguyên văn bài văn của em học sinh này như sau: "Từ đầu năm học lớp 5, em đã gặp rất nhiều cô giáo, cô giáo đã từng dạy em lớp 5 là cô Nga.

Cô Nga có khuôn mặt tròn, đôi mắt long lanh tròn như hai hột vải, da trắng như tờ giấy. Mái tóc đen đen óng và có mái tóc rất đẹp. Mặt cô hơi béo nhưng rất xinh.

Cô Nga như người mẹ của em. Mỗi lần cô ấy cười rất vui. Cô ấy rất hiền và cô ấy xào rau tay đảo rất đều. Ai làm cô ấy tức, cô ấy rất ác.

Cô Nga có lúc buồn có lúc vui, em rất thích cô ấy. Em rất yêu quý cô Nga, cô Nga như người mẹ của em".

Qua bài văn của em học sinh lớp 5 này có thể thấy, những câu chữ tuy còn ngây ngô nhưng tình cảm lại rất chân thật. Chứng tỏ rằng, cô Nga đã để lại ấn tượng rất tốt với em học sinh này.

Mặc dù cô Nga cũng có khuyết điểm là "hơi ác khi bị ai đó chọc tức", tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu và không chỉ cô Nga mới như vậy.

Bản thân cô Đặng Nga cũng rất bất ngờ sau khi đọc được bài văn của em học sinh này. Cô Nga cho biết, cô đã nhận được hình ảnh về bài văn từ một giáo viên khác. "Đây là bài giáo viên cho học sinh làm thử trước khi thi kết thúc năm học, đầu năm mình có dạy lớp của em học sinh này một tháng. Vì giáo viên trường mình đều ở tại trường nên hết giờ học hoặc lúc rảnh các em học sinh hay vào chơi. Bài văn là bạn đồng nghiệp gửi cho mình, mình cũng rất bất ngờ khi nhận được nó", cô Nga nói.

Cô giáo Nga chia sẻ thêm rằng, các em học sinh nơi đây đa phần là người dân tộc thiểu số, gia đình thuộc hộ nghèo, nhà nước phải hỗ trợ chi phí cho các em học sinh đến trường. Tuy nhiên, các em lại rất chăm ngoan, tình cảm và chăm học. Đây chính là động lực để các thầy cô trong trường luôn nỗ lực, phấn đấu.

Phương Linh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-hoc-duong/bai-van-ta-co-giao-rat-ac-nhan-vat-chinh-doc-xong-lai-cuoi-khoai-chi-202501140844421059.html