Bài văn trắng tinh được chấm điểm tuyệt đối, nhiều người thốt lên: Quá đỉnh!
Dù trống trơn nhưng bài văn của cậu học trò này vẫn được chấm điểm tuyệt đối.
Viết văn luôn là một trong những môn học khiến nhiều học sinh cảm thấy đau đầu. Bởi khác với các môn học tính toán logic hay học thuộc lòng, viết văn đòi hỏi sự sáng tạo, cảm xúc và tư duy. Ở bậc trung học, yêu cầu này còn cao hơn khi học sinh không chỉ phải viết đúng chủ đề mà còn phải biết triển khai luận điểm, dẫn chứng, thuyết phục người đọc.
Ngoài những bài văn kể chuyện quen thuộc, học sinh còn phải đối mặt với những đề văn nghị luận đầy tính trừu tượng. Không ít em mất cả giờ chỉ để nghĩ ý tưởng, chưa kể đến việc triển khai sao cho đủ ý, đủ dài, lại không lạc đề. Thế nhưng, ở một chiều ngược lại, cũng có những học sinh mang đến những ý tưởng sáng tạo đến mức khiến giáo viên... không biết nên khóc hay nên cười.
Một trong những ví dụ điển hình đến từ một học sinh tiểu học ở Trung Quốc, với bài làm được lan truyền trên mạng xã hội vì quá độc đáo.
Câu chuyện bắt đầu với một đề bài có vẻ khá đơn giản: "Viết một bài văn với chủ đề "dũng cảm". Trong phần hướng dẫn, giáo viên còn nhấn mạnh rằng học sinh được tự do sáng tạo, khuyến khích cách tiếp cận mới mẻ. Trước đề bài này, thay vì viết một bài văn dài dòng, cậu học sinh quyết định nộp... một tờ giấy trắng tinh.

Cậu học sinh nộp bài kiểm tra trắng tinh chữ nhưng vẫn đạt điểm tuyệt đối
Đúng vậy, không một dòng chữ, không một dấu chấm, không đoạn mở bài hay kết bài, chỉ duy nhất một trang giấy trắng.
Điều bất ngờ là giáo viên không phê bình, cũng không trừ điểm. Ngược lại, cô chấm cậu bé điểm tuyệt đối là 50/50. Cậu học trò là người duy nhất trong lớp đạt số điểm này. Lý do được giáo viên ghi rõ ràng bên dưới: "Bạn học sinh này thực sự dũng cảm!"
Sự việc ngay lập tức gây ra tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng việc không viết gì mà vẫn được điểm tối đa là quá ưu ái, thậm chí có phần chiều chuộng. Tuy nhiên, khi nhìn lại đề bài "viết về sự dũng cảm" thì nhiều người đã phải thay đổi quan điểm.
Vì đúng là, để không viết gì khi biết rằng bài làm của mình sẽ bị đánh giá, bị chấm điểm, có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập… thì cần một sự dũng cảm không nhỏ. Dũng cảm không chỉ nằm ở hành động đối mặt với nguy hiểm, mà còn là dám làm điều khác biệt trong môi trường có nhiều quy chuẩn khắt khe.
Trang giấy trắng ấy, với một góc nhìn khác chính là lời tuyên ngôn mạnh mẽ về sự tự tin và lựa chọn cá nhân. Không cần lời giải thích nào dài dòng, bản thân sự im lặng đó đã trở thành một cách "viết" đầy ẩn ý.

Nhiều người đánh giá cao sự cá tính của cậu học trò. Ảnh minh họa
Bên dưới bài đăng chia sẻ câu chuyện, cộng đồng mạng để lại rất nhiều bình luận thú vị:
"Thực sự là một cách tiếp cận rất độc đáo. Dũng cảm không chỉ là hành động mà còn là sự dám thử nghiệm cái mới, dù đôi khi không theo cách thông thường."
"Khi bạn dũng cảm đến mức không cần viết gì cả, chỉ cần một trang giấy trắng là đủ để gây ấn tượng."
"Bài văn này chắc chắn sẽ khiến tất cả các giáo viên phải ngồi lại và suy nghĩ: Mình có đang đánh giá đúng những ý tưởng sáng tạo không?"
"Bạn học sinh này chắc chắn sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng… với những cuốn sách chưa được viết!"
"Thật sự là kiểu 'dũng cảm' mà mình chỉ dám nghĩ đến thôi chứ chưa bao giờ dám làm!"
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh cách chấm điểm của giáo viên, không thể phủ nhận rằng bài làm này đã mở ra một góc nhìn mới mẻ về việc dạy và học văn. Có thể đôi khi, sự sáng tạo không nằm ở con chữ, mà ở chính cách học sinh chọn cách thể hiện quan điểm cá nhân của mình.
Và biết đâu, chính những lựa chọn bất ngờ ấy sẽ là điều giúp các em ghi dấu ấn trong một thế giới luôn cần thêm một chút “dũng cảm” để khác biệt.