Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ lý luận và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhân dân chỉ thấy từng khía cạnh nhỏ, nhưng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một cách hệ thống các vấn đề. Cách trả lời cũng mang tính chính trị thường thức chứ không lý luận cao siêu nên rất thiết thực với đời sống nhân dân.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều vấn đề lý luận dựa trên thực tiễn sinh động, thuộc mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội… của đất nước ta sau 35 năm đổi mới. Bài viết ra đời vào thời điểm chúng ta đang tích cực chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, do vậy những vấn đề đặt ra mang tính thời sự rất cao; giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức một cách đầy đủ hơn về những quan điểm, cách nhìn nhận, cách ứng xử trong quan hệ đối nội và đối ngoại của đất nước ta.
Lâu nay, khi nhận thức về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, nhân dân chỉ thấy từng khía cạnh nhỏ, nhưng bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra một cách hệ thống các vấn đề; đồng thời đặt ra các câu hỏi và trả lời những câu hỏi này rất rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, cách trả lời mang tính chính trị thường thức chứ không lý luận cao siêu nên rất thiết thực với đời sống nhân dân. Từ đó người dân hiểu các vấn đề chính trị một cách rõ ràng, thêm tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Bài viết đã động viên tất cả tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa vô cùng to lớn của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tích cực tham gia vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, dựa trên thực tiễn lịch sử đất nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ rút ra những vấn đề rất căn bản, nêu lên những đặc trưng của CNXH ở Việt Nam mà còn thể hiện sự sáng tạo, khách quan khi đề cập đến những kết quả, thành tựu của chủ nghĩa tư bản: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển… đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.
Như vậy, Tổng Bí thư đã nói đến sự phát triển khách quan của thế giới, trong đó có chủ nghĩa tư bản, thừa nhận đó là giá trị văn hóa của nhân loại. Trước đây, chúng ta có sai lầm, coi tư bản là cái gì đó xấu xa nên chối bỏ; nhầm lẫn giữa tính chính trị của chủ nghĩa tư bản (tức là bản chất bóc lột) với quy luật phát triển của lịch sử thế giới. Nay Tổng Bí thư đã nói rõ vấn đề này để mọi người hiểu hơn. Bản chất của chủ nghĩa tư bản là tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là lợi nhuận tối đa… Do đó, chúng ta phải nhận thức rõ điều này để không có sự nhầm lẫn và người cộng sản phải biết kế thừa, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; kế thừa những tiến bộ về khoa học công nghệ của chủ nghĩa tư bản, chứ không phải chúng ta phát triển từ “không có gì”. Lênin cũng từng khẳng định, chủ nghĩa tư bản là cánh cửa của CNXH, nó chuẩn bị cơ sở để chúng ta tiến lên CNXH.
Nếu chủ nghĩa tư bản chú ý đến giá trị của cá nhân nhiều hơn thì CNXH phải chăm lo cho nhiều người, cho tính cộng đồng, cho các giá trị xã hội. Mặc dù Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng Đảng, Nhà nước đã chăm lo toàn diện các vấn đề xã hội. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đó chính là những ưu việt của CNXH, đồng thời điều đó cũng làm sâu sắc hơn sự tiến bộ và thể hiện tính trách nhiệm của CNXH về mặt lâu dài.
Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư cũng gián tiếp đề cập đến những nhận thức sai lầm của chúng ta một cách thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh trong việc quản lý xã hội và đất nước. Những nội dung này thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Đảng cầm quyền.
Bởi xét cho đến cùng, khi Đảng lãnh đạo thì phải giải quyết tất cả những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Gần đây nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII đã xác định 10 mối quan hệ mà Đảng phải giải quyết. Trong 10 mối quan hệ đó, khi đề cập đến mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường thì Nhà nước không áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính máy móc mà phải căn cứ vào quy luật của thị trường. Nhưng không thể để thị trường tự do muốn làm gì thì làm, Đảng cần có lãnh đạo để điều chỉnh, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.