Bãi xe tự phát cháy, thiêu rụi nhiều ô tô, xe máy: Có thể khởi tố vụ án?
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu đơn vị trông xe không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, thì có thể khởi tố vụ án.
Khoảng 13h ngày 6/5, tại ngõ 37 Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn tại bãi trông giữ xe ô tô, xe máy. Thống kê ban đầu, vụ cháy làm 5 ô tô và nhiều xe máy bị ngọn lửa thiêu rụi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, điểm trông giữ xe này mới được hình thành tự phát.
"Trước khi xảy ra vụ cháy, công an đã kiểm tra điểm trông giữ xe này", vị cán bộ này cho hay.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, ông Tống Xuân Duy cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân của vụ cháy và điều tra có hoạt động trông giữ xe ở đây không.
"Chúng tôi đang xác minh có việc tổ chức trông giữ xe ở đây hay không, hiện nay thì chưa có kết luận", ông Duy nói.
Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) nhận định, đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản, vì vậy cơ quan chức năng sẽ điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác định thiệt hại đã gây ra để xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
"Cơ quan chức năng cần làm rõ bãi trông giữ xe này được hoạt động như thế nào, trách nhiệm của cơ sở trông giữ xe cũng như đơn vị trông giữ ra sao. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm pháp lý có liên quan cũng như làm rõ nguyên nhân của đám cháy, làm rõ các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy", ông Lực cho hay.
Trong trường hợp vụ cháy bắt nguồn từ việc cơ sở trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì Cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" và chủ cơ sở trông giữ xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản bị cháy theo quy định.
Mặt khác, nếu chủ cơ sở trông giữ xe thuê đơn vị khác làm nhiệm vụ trông coi tài sản là phương tiện của khách, thì giữa chủ cơ sở trông giữ và đơn vị nhận trông coi phương tiện (nhận gửi giữ tài sản) xác nhận việc gửi giữ tài sản, căn cứ Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 về quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản giữa chủ cơ sở trông giữ xe và đơn vị nhận giữ tài sản là phương tiện để giải quyết.
"Nếu đơn vị nhận giữ tài sản có lỗi trong quá trình nhận giữ phương tiện, thì phía chủ cơ sở trông giữ yêu cầu đơn vị nhận giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại đối với phương tiện của khách hàng bị cháy theo quy định tại khoản 4 Điều 557 Bộ luật Dân sự 2015", luật sư Lực nói.
Ngoài ra, ông Lực cho biết, người có xe bị cháy phải xác định được giá trị tài sản gửi thông qua giấy tờ đăng ký xe, để biết loại xe và thời gian sử dụng để tính chi phí khấu hao đối với tài sản cố định là ô tô hay xe máy, từ đó có căn cứ tính bồi thường thiệt hại.