Bài1: Đại hội Đảng lần I: Củng cố hệ thống tổ chức của Đảng, xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới
Người Việt Nam có câu 'đầu xuôi đuôi lọt', sự khởi đầu thành công đã là yếu tố trọng yếu để làm nên một hành trình phía trước thuận lợi.
LTS: Từ ngày 25/1 - 2/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trải qua 12 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội Đảng đã thực sự là một mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu, những bước ngoặt đáng nhớ của đất nước, của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có loạt bài nhìn lại những kỳ Đại hội Đảng đã để lại những dấu mốc ấn tượng, những bước ngoặt lịch sử trên tiến trình phát triển của đất nước, của dân tộc.
Người Việt Nam có câu “đầu xuôi đuôi lọt”, sự khởi đầu thành công đã là yếu tố trọng yếu để làm nên một hành trình phía trước thuận lợi. Việc Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng và Đại hội toàn quốc lần thứ I thành công đã là đòn bẩy làm nên hành trình phát triển vinh quang hơn 90 năm qua của Đảng.
Hội nghị hợp nhất hay bước chuẩn bị kỹ càng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trước khi nói đến Đại hội Đảng lần thứ I, nói đến những chặng đường vẻ vang của Đảng, không thể không nói đến Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, được tổ chức từ ngày 3 - 7/2/1930 tại Cửu Long (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để có được Hội nghị hợp nhất khai sinh Đảng Cộng sản Việt Nam trong mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, có thể nói lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có tới 10 năm - tính từ khi Người đọc Luận cương của Lê-nin, tháng 7/1920 – dày công chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt. Trong đó, công tác tư tưởng và cán bộ được Người đặc biệt chú trọng.
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2-1930.
Từ năm 1921 - 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: Cách mạng muốn thành công phải có Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác – Lê-nin. Đồng thời, trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại Trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho Cách mạng Việt Nam. Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Ngày 17/6/1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở đảng ở miền Bắc, họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. An Nam Cộng sản Đảng ra đời vào tháng 8/1929. Tháng 9/1929, bản Tuyên đạt của Đông Dương Cộng sản liên đoàn tuyên bố: “Chánh thức lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn”, lấy chủ nghĩa Cộng sản làm nền móng, lấy công, nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mệnh. Như vậy, trong vòng không đầy bốn tháng (từ giữa tháng 6 đến tháng 9/1929) đã có ba tổ chức Đảng ở Việt Nam lần lượt ra đời.
Sự ra đời nhanh chóng các tổ chức Cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế tất yếu của Cách mạng Việt Nam. Song, sự tồn tại ba Đảng độc lập lại đặt ra mối nguy cơ của sự chia rẽ. Vì thế, yêu cầu bức thiết của Cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước. Quốc tế Cộng sản thời điểm đó cũng đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, nhấn mạnh: Nhiệm vụ tuyệt đối cần kíp của tất cả những người Cộng sản Đông Dương là sáng lập một Đảng Cách mạng của giai cấp vô sản...
Từ chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, từ yêu cầu bức thiết của thực tế cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày 3 - 7/2/1930, Hội nghị họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Sau Hội nghị hợp nhất, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24/2/1930, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu cùng hai ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời là Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) và Phạm Hữu Lầu cùng Ngô Gia Tự, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã họp quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng Cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam từ đây chuyển sang trang mới, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm.
Đại hội Đảng lần thứ I: Khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng
Trong bối cảnh tình hình cách mạng trong nước và thế giới có những chuyển biến tích cực, đặc biệt, Đảng đang từng bước hồi phục sau các cuộc khủng bố trắng, từ ngày 27 - 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) đã diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. 13 đại biểu thuộc các Đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở ngoài nước, đại diện cho 600 đảng viên đã về dự Đại hội.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị của Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, vận động nông dân, vận động thanh niên, phụ nữ, binh lính, về mặt trận phản đế, về đội tự vệ, về các dân tộc ít người... và Điều lệ của Đảng, điều lệ của các tổ chức quần chúng của Đảng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 ủy viên, trong đó có Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Đình Thanh, Võ Nguyên Hiến, Nguyễn Văn Dựt, Hoàng Văn Nọn, Ngô Tuân, Phạm Văn Xô, Nguyễn Ái Quốc... Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cử Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Trên tất cả, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, từ trong nước đến nước ngoài. Dấu ấn lớn nhất mà Đại hội lần thứ I của Đảng đã tạo ra được đó là nếu ra được những giải pháp căn cốt để làm thế nào hệ thống tổ chức của Đảng thống nhất nhất hơn nữa, trong đó nhấn mạnh việc: Củng cố và phát triển Đảng, tăng cường phát triển lực lượng Đảng; Đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng, xác định: “Thâu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm căn bản cần kíp của Đảng hiện thời”… Hiện thực hóa thành công những mục tiêu ấy là một điều kiện cơ bản và cần thiết để Đảng bước vào một thời kỳ đấu tranh mới với một đội ngũ đã được tôi luyện.
Lê Hồng Phong - nhà cách mạng xuất sắc đã được Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng bầu làm Tổng Bí thư - là người có công lao rất lớn trong trong việc khôi phục lại hệ thống của Đảng trong những năm 30 của thế kỷ XX. Tên tuổi của đồng chí được gắn liền với giai đoạn đầy thử thách, quyết liệt của Cách mạng Việt Nam. Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.