Bali đau đầu vì những buổi tiệc ầm ĩ
Với nhiều dân digital nomad, Bali là điểm đến lý tưởng. Tuy nhiên, cư dân địa phương bày tỏ sự bức xúc trước những buổi tiệc sau giờ làm của nhóm du khách này.
Nargiz Issayeva vừa trở về sau buổi làm nail. Những đầu móng tay vừa được sơn bóng của cô tiếp tục lướt thoăn thoắt trên bàn phím laptop.
Dù điều hành một agency tại Kazakhstan, người phụ nữ 32 tuổi này đang sống và làm việc ở Bali (Indonesia). Cô là một trong hơn 3.000 dân digital nomad (du mục kỹ thuật số) hoạt động trên hòn đảo du lịch nổi tiếng này.
“Nơi đây là thủ đô của bất kỳ ai muốn lao động mà không ngừng khám phá thiên nhiên”, cô khẳng định.
Theo DW, xứ sở vạn đảo đang nỗ lực thu hút khách nước ngoài, đặc biệt là những cá nhân như Issayeva. Từ cuối năm 2022, người ngoại quốc có ít nhất 130.000 USD trong tài khoản ngân hàng sẽ được cấp thị thực “ngôi nhà thứ hai” và được phép lưu trú tại đây trong 10 năm.
Hiện tại, Indonesia đã bắt đầu cung cấp visa cho người lao động có tay nghề cao hoặc nhóm khá giả từ các quốc gia khác. Widodo Ekatjahjana, Trưởng bộ phận nhập cư Indonesia, cho biết động thái này nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế của đất nước sau dịch Covid-19.
Khách quốc tế đổ xô đến
Với nhóm lao động từ xa, xứ sở vạn đảo là một trong những điểm đến phổ biến nhất. Quốc gia này có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đáng tin cậy và mức sống cao, trong khi sinh hoạt phí lại tương đối thấp.
Đồng thời, những người du mục kỹ thuật số cũng không phải xử lý nhiều thủ tục giấy tờ. Thậm chí, cá nhân sở hữu visa mới cũng không cần phải nộp thuế đối với khoản thu kiếm được bên ngoài Indonesia.
Ngoài ra, 211a, một dạng visa thăm viếng cơ bản, cũng cho phép khách ngoại quốc sống tại đây trong 180 ngày khi làm việc cho công ty quốc tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này. Đó là lý do đa số người nước ngoài chỉ xin visa tiêu chuẩn và gặp khó khi lao động kiểu du mục kỹ thuật số.
Daniel (Bỉ) đang sống tại Canggu, ngôi làng ven biển ở phía nam Bali, nơi đã trở thành thánh địa của du mục kỹ thuật số. Cảnh thường gặp nhất mỗi khi anh ra khỏi nhà là những người ngoại quốc cắm cúi làm việc trên laptop, ở các nhà hàng hay quán cà phê.
“Mọi thứ thuộc về Bali đều tuyệt vời. Nơi đây đậm tính quốc tế, và tôi có thể kiếm tiền ở bất kỳ đâu nhờ độ phủ rộng của WiFi”, chàng trai 25 tuổi nói.
Anggiat Napitupulu, đại diện từ cơ quan nhập cư địa phương, thừa nhận khâu giám sát dân digital nomad hay freelancer quốc tế không quá chặt chẽ. Quá trình kiểm tra chỉ diễn ra khi có đơn khiếu nại. Nếu không, các nhân viên không thể khám xét laptop hoặc buộc du khách cho biết họ đang làm gì.
Dân địa phương bất bình
Tuy nhiên, hoạt động tiệc tùng sau giờ làm đang bùng nổ tại hòn đảo thiên đường. Điều này khiến các cư dân trên đảo bức xúc. Không ít người đã gửi kiến nghị lên chính quyền địa phương. Họ cho rằng thời gian nghỉ ngủ đang bị xâm hại vì tiếng nhạc xập xình kéo dài từ chiều đến khuya. Thậm chí, âm thanh ồn ào từ các quán bar còn làm rung chuyển cửa sổ của một số đền thờ gần đó.
Ngoài ra, một bản kiến nghị có chữ ký của hơn 8.000 dân địa phương cũng phản ánh tình trạng say xỉn nơi công cộng, sử dụng ma túy, và tiểu tiện nơi công cộng của khách quốc tế.
“Tôi hoàn toàn thấu hiểu sự tức giận này. Thực tế, rất nhiều người nước ngoài không biết giáo dục bản thân. Họ đến đây và làm mọi thứ rối tung. Dù vậy, ở thời điểm này, hòn đảo vẫn tạm cân bằng giữa bình yên và náo nhiệt”, Nargiz Issayeva chia sẻ.
Vài chủ khách sạn cũng bày tỏ thái độ quan ngại tương tự. Khi dân du mục kỹ thuật đổ về liên tục, vùng đảo có thể đánh mất vẻ đẹp vốn có bởi hành động điên rồ. Song, họ thừa nhận bản thân vẫn phụ thuộc kinh tế vào nhóm khách du lịch, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Theo ông Nyoman Sukma Arida, Giáo sư thuộc đại học Udayana (Bali), hòn đảo nên tận dụng giai đoạn này để đa dạng hóa nền kinh tế. Thực tế, mọi hoạt động vẫn chỉ đang tập trung vào du lịch lữ hành.
“Bali như đang trong một canh bạc. Chỉ cần một vụ phun trào núi lửa hay khủng bố, sẽ chẳng có du khách nào tìm đến đây. Thay vào đó, chính quyền nên tập trung vào nông nghiệp và các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ để giữ vững nguồn thu”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, hiện tại, mọi người ở Bali có vẻ nhẹ nhõm khi thấy hòn đảo đang hồi phục sau hậu quả của đại dịch Covid-19. Hiệp hội du lịch Indonesia dự đoán hòn đảo sẽ đón 6 triệu khách nước ngoài vào năm 2025, bao gồm lượng lớn dân du mục kỹ thuật số.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bali-dau-dau-vi-nhung-buoi-tiec-am-i-post1375593.html