Bali lộ mặt tối khi du lịch trở lại

Khi khách quốc tế quay trở lại Bali (Indonesia) chưa lâu, các dự án xây dựng mới, phục vụ du lịch đã mọc lên không ngừng, đe dọa tới khung cảnh hoang sơ ở nhiều nơi trên hòn đảo.

Năm 2010, Canggu - khu vực gồm 8 xóm làng chài trên bờ biển phía tây nam của Bali - dần trở thành địa điểm thu hút khách du lịch tới Indonesia, theo SCMP.

Khi đó, mới chỉ có vài tiệm cà phê và cửa hàng bán ván lướt sóng trên con đường chính mang tên Batu Bolong ở Canggu. Quang cảnh xung quanh giống bất kỳ khu phố nào khác ở Bali, với những ngôi đền thờ và cánh đồng lúa dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi.

Ở khu bãi biển, lác đác 2-3 nhà hàng giá rẻ mở ra phục vụ du khách.

 Nhà hàng, cửa hàng cà phê, quán bar giờ mọc lên san sát ở bãi biển Batu Bolong.

Nhà hàng, cửa hàng cà phê, quán bar giờ mọc lên san sát ở bãi biển Batu Bolong.

Sau hơn 10 năm, những khung cảnh kể trên đã biến mất, nhường chỗ cho một loạt quán bar, hộp đêm, tiệm massage, khách sạn cao tầng. Trên đường phố, du khách nước ngoài mặc áo ba lỗ, đi xe phân khối lớn bấm còi inh ỏi.

Nếu đại dịch không xảy ra, Canggu đã có thể đón 1 triệu lượt du khách vào năm 2020.

Phát triển thiếu kiểm soát

Lucienne Anhar, giám đốc điều hành của khách sạn Tugu Bali, cho biết: “Trong vài năm qua, sự phát triển du lịch có phần điên cuồng mà không để tâm đến môi trường. Dường như ai có tiền đổ vào là được phép xây dựng bất cứ thứ gì”.

Cha của Anhar từng xây dựng khách sạn lùi vào ven biển 100 m theo đúng luật. Giờ trước mặt cơ sở này là một loạt quán bar dựng lên theo kiểu chen lấn, cốt để lấy vị trí đẹp trên bãi biển.

“Nhiều người nước ngoài chuyển đến Canggu vì thích bãi biển hoang sơ, giờ đã không thể chịu đựng cảnh xe cộ, CLB mở xuyên đêm và những thứ khác nữa”, Matthew Georgeson, môi giới bất động sản người Australia sống tại Bali, cho biết.

 Tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng ở Canggu đang đe dọa tới thiên nhiên, cảnh quan ở nơi này.

Tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng ở Canggu đang đe dọa tới thiên nhiên, cảnh quan ở nơi này.

Canggu không phải là “nạn nhân” duy nhất. Cách đó khoảng 5 km, làng chài Pererenan là lựa chọn thích hợp cho dân du mục kỹ thuật số kiếm tiền ở Bali trong thời kỳ đại dịch với khoảng 100 nhà hàng và quán bar.

Hiện tại, trên con đường chính, những chiếc xe tải chở xi măng ngày đêm ra vào các công trường. Bất chấp quy định cấm xây dựng công trình cao tầng, hai chiếc cần cẩu phục vụ xây khách sạn vẫn chễm chệ xuất hiện.

Dịch bệnh không khiến việc phát triển bờ biển phía tây của Bali dừng lại, nó chỉ khiến tốc độ chậm đi. Giờ đây, khi sân bay mở cửa trở lại, Bali đã đón 2.200 khách du lịch quốc tế mỗi ngày trong tháng 4, tăng gần 15 lần so với tháng trước.

Ahmad Syahfitrah, giám đốc điều hành của CLB bãi biển Potato Head ở Seminyak, cách Canggu 10 km, cho biết: “Lượng du khách hiện tại quá nhỏ so với năm 2019, khi 6 triệu khách du lịch đến hòn đảo. Song, trong một vài năm tới, tôi khá chắc chắn con số cũ sẽ tăng gấp đôi”.

Thay đổi khó tránh khỏi

Đến làng chài Seseh ở gần Pererenan từ khi không mấy người nước ngoài biết về nơi này, Markus Cristoph, một chủ ngân hàng đầu tư của Đức có trụ sở tại Bali, nhớ rõ việc di chuyển trong ngôi làng từng khó khăn thế nào. Người đàn ông phải rẽ xuống một con đường đất và đi bộ hết 30 phút mới tới nơi.

“Đến đây lần đầu tiên, tôi có cảm giác đặc biệt yên bình. Khi đó, tôi muốn tránh xa những đám đông du khách và tìm một nơi để xây biệt thự. Vì vậy, tôi đã thuê một vài mảnh đất ở Seseh”, Markus nói.

Cảnh một CLB thu hút đông khách ở Canggu (trái) và một quán bar mới mở ở Seseh.

Cảnh một CLB thu hút đông khách ở Canggu (trái) và một quán bar mới mở ở Seseh.

Đến năm 2015, khu vực này đã phát triển đến mức Christoph không thể tiếp khách thoải mái tại nhà của mình nữa.

Seseh vẫn yên bình nhưng thay đổi nhanh chóng. Các cánh đồng lúa đang bị các nhà đầu tư du lịch lấn chiếm nhanh chóng mặc dù nằm trong khu vực cây xanh dành riêng cho nông nghiệp. Các công trường xây dựng mọc lên như nấm kể từ khi sân bay mở cửa trở lại.

Chủ sở hữu của Seseh General Store - một cửa hàng cà phê nổi tiếng ở đây - đã kịp mở thêm 2 cơ sở kinh doanh mới: nhà hàng Seseh Pizza và Seseh Studio, một không gian làm việc chung cho những người du mục kỹ thuật số.

“Trong suốt 2 năm, hầu như không có gì được xây mới nhưng giờ mọi thứ đang triển khai với tốc độ chóng mặt và không có cách nào ngăn lại. Tôi thấy nuối tiếc nhưng cũng không thể đổ lỗi cho người dân địa phương. Với nghề trồng lúa, thu nhập cả năm có thể chỉ 200-300 USD, chưa tính đến công chăm sóc. Nhưng bây giờ họ có thể cho các bên thuê lại với giá gấp 5-10 lần”, Christoph nói.

Người quản lý bộ phận du lịch của chính quyền Seseh, Made Widnyana, tỏ rõ sự không hài lòng khi các biệt thự mới hình thành trên cánh đồng.

Khung cảnh hoang sơ ở Seseh.

Khung cảnh hoang sơ ở Seseh.

“Vành đai xanh rất quan trọng với hệ sinh thái nhưng chúng tôi không thể bảo vệ nó. Quyết định cho phép xây dựng được thực hiện bởi các cấp cao hơn”, ông than thở.

Widnyana, người sở hữu 0,2 ha ruộng lúa ở Seseh, quyết tâm tiếp tục canh tác đất đai. Nhưng ông cũng kết hợp với một người Pháp đang sinh sống tại đây để mở một nhà hàng theo phong cách truyền thống của Indonesia, thay thế cho hàng quán mà mẹ ông từng mở nhiều năm về trước và đã phải tạm dừng hoạt động khi dịch bệnh xảy ra.

Widnyana cũng muốn xây dựng chương trình trekking đi bộ xuyên rừng và cánh đồng nhưng thừa nhận việc phát triển tràn lan đang làm khó kế hoạch này.

“Trong 5 năm tới, nơi này sẽ rất khác”, ông nói.

Tin đồn về một cây cầu sắp được xây mới, bắc qua dòng sông nối giữa Pererenan và Seseh đã râm ran suốt thời gian qua.

“Một vị trưởng thôn hỏi tôi rằng họ có nên xây cầu hay không. Tôi đã nói ‘không’ vì nó sẽ thay đổi hoàn toàn khu vực. Nhưng thâm tâm, tôi nghĩ đó là điều khó thể tránh khỏi”, Christoph nói.

Hiền Thy

Ảnh: SCMP.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bali-lo-mat-toi-khi-du-lich-tro-lai-post1323526.html