Balikatan - đòn răn đe chiến lược?
Trung tuần tháng 4, các lực lượng Mỹ và PhiliPPines sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay với mục đích hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte và diễn ra trong bối cảnh các đồng Minh lâu năm đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo thông tin từ các quan chức Mỹ và Philippines, cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan (Vai kề vai) sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 28/4 tới, với sự tham gia của 17.680 binh sĩ của cả 2 bên và lần đầu tiên có nội dung bắn đạn thật trên vùng Biển Đông tranh chấp cùng với một cuộc diễn tập mô phỏng phòng thủ trên một hòn đảo nhỏ của Philippines, cách Đài Loan (Trung Quốc) gần 300km về phía Nam. Lực lượng của hai bên cũng sẽ tham gia tập trận đổ bộ lên đảo Palawan nằm ở phía Tây và là lãnh thổ gần nhất của Philippines với quần đảo Trường Sa, một điểm nóng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 14/3, Đại tá Michael Logico, Giám đốc Trung tâm huấn luyện của quân đội Philippines, đồng thời là người phát ngôn cuộc tập trận chung Ba[1]likatan, đã khẳng định cuộc tập trận lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gấp đôi so với năm ngoái, qua đó nêu bật mối quan hệ được cải thiện giữa Philip[1]pines với Mỹ dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Thông tin từ Đại tá Logico và được một quan chức Mỹ xác nhận cho biết cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 12.000 binh sĩ Mỹ, gần 5.000 binh sĩ Philippines và 111 binh sĩ Australia. Trong cuộc tập trận năm nay, các binh sĩ của Australia sẽ chủ yếu tham gia các “hoạt động đặc biệt”, trong khi đó Nhật Bản sẽ cử một phái đoàn quan sát viên.
Trước đó, cuộc tập trận chung Balikatan lớn nhất giữa Mỹ và đồng minh Đông Nam Á được tổ chức vào năm 2015 với sự tham gia của hơn 11.000 binh sĩ.
Quan chức quốc phòng Philippines cho biết năm nay cũng sẽ là lần đầu tiên cuộc tập trận phòng thủ trên biển và gần bờ được tổ chức trên đảo Calayan, ngoài khơi phía Bắc của đảo chính Luzon. Cuộc tập trận tại đây sẽ có sự tham gia của các máy bay trực thăng đổ bộ lên đảo. Đây sẽ là lần đầu tiên các tàu khu trục của hải quân Philippines và Mỹ từ vùng biển ngoài khơi tỉnh Zambales, nằm ở phía Bắc Manila, tiến hành khai hỏa về phía Biển Đông. Các cuộc tập trận bắn đạn thật tương tự từ trước đến nay được tổ chức trên đất liền.
Trong khi đó, quân đội Mỹ sẽ sử dụng tên lửa Patriot, được coi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới, cùng với hệ thống tên lửa chính xác HIMARS trong cuộc tập trận năm nay.
Thông báo về tập trận Balikatan được đưa ra chưa đầy 6 tuần sau khi Manila và Washington đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông và quốc gia Đông Nam Á này đồng ý cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự khác theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) song phương, nâng tổng số căn cứ mà Washington được phép sử dụng ở quốc gia đồng minh này lên con số 9. Vị trí cụ thể của các căn cứ không được tiết lộ, song theo các nguồn thạo tin, 3 trong số đó nằm trên đảo chính Luzon, dải đất Philippines gần Đài Loan (Trung Quốc) nhất. Căn cứ còn lại nằm ở đảo Palawan, đối diện quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan cũng như việc Bắc Kinh không ngừng xây dựng các căn cứ ở Biển Đông đã tạo động lực mới để Washington và Manila tăng cường quan hệ đối tác của họ, vốn được củng cố bởi Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Hiệp ước quy định rằng hai quốc gia này sẽ bảo vệ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công.
Trong một cuộc họp tại Manila hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết giúp hiện đại hóa quân đội Philippines và tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng hai nước. Ông Austin cho biết Mỹ và Philippines cùng nhau tiến hành hơn 500 hoạt động phòng thủ mỗi năm, đồng thời nhấn mạnh rằng “Tổng thống Joe Biden đã khẳng định rõ cam kết của Mỹ đối với Philippines vẫn vững như bàn thạch”.
Đây là cuộc tập trận Balikatan đầu tiên được tổ chức kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền tại Philippines vào tháng 6/2022. Ông Marcos Jr từng khẳng định ông sẽ không để các quyền hàng hải của Philippines bị chà đạp - trái ngược với ông Duterte trước đây, vốn chỉ phản ứng với các vấn đề tương tự một cách miễn cưỡng và yếu ớt.
Philippines và Mỹ hiện đang triển khai một loạt cuộc tập trận quân sự nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á này trước các mối đe dọa từ bên ngoài và trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Các cuộc tập trận nhấn mạnh mối quan hệ đang được cải thiện với Mỹ dưới thời Tổng thống Marcos Jr, và diễn ra khi Philippines lên án một số hành động của Trung Quốc trên tuyến đường biển tranh chấp, bao gồm cả việc Bắc Kinh sử dụng “laser cấp độ quân sự” đối với tàu của Manila vào tháng trước.
Từ ngày 13/3, khoảng 3.000 binh sĩ Philippines và Mỹ đã bắt đầu tham gia cuộc tập trận thường niên quy mô nhỏ có tên Salaknib kéo dài 3 tuần, với các kịch bản liên quan đến phòng không và bảo vệ quần đảo Philippines trước những đối thủ xâm lược nước ngoài. Trong cuộc tập trận này, hai bên tiến hành nhiều cuộc diễn tập bắn đạn thật sử dụng vũ khí cỡ nhỏ, pháo binh, súng cối và cùng triển khai các dự án xây dựng.
Phát biểu khai mạc cuộc tập trận Salaknib, Tư lệnh Lục quân Philippines, Trung tướng Romeo Brawner tuyên bố, các diễn biến tại khu vực trong những tháng gần đây đã khiến quân đội Philippines phải chuyển trọng tâm từ an ninh nội bộ sang bảo vệ lãnh thổ. Cuộc tập trận Salaknib gồm các nội dung phòng thủ trên không và từ bờ biển.
Hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ cuộc tập trận Salaknib diễn ra tại căn cứ Fort Magsaysay, cách thủ đô Manila khoảng 160 km về phía Bắc. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Philippines và là một trong 5 căn cứ mà Mỹ được quyền tiếp cận trong khuôn khổ Thỏa thuận EDCA.